Nghề chế tác “vàng đen”
Từ những năm cuối thế kỉ XX, khi thực dân Pháp còn chiếm giữ vùng than, nghề thủ công điêu khắc trên than đá đã bắt đầu được hình thành. Qua bàn tay người thợ mỏ tài hoa, việc tạo hình những vật dụng thường ngày lúc ban đầu dần dần phát triển, trở thành nghề chế tác mỹ nghệ công phu và sáng tạo. Nhìn những bức tượng đen óng ả đã hoàn chỉnh, ít ai có thể hình dung ra những công đoạn công phu và sự cẩn trọng của những người thợ làm nghề.
Ông Miền An (khu 4, Hồng Hải, Hạ Long), người có thâm niên hơn 20 năm trong nghề, chia sẻ: “Than dùng để chế tác phải chọn lựa khá khắt khe. Người chế tác phải chọn loại than kíp-lê (than đá) nguyên chất, già, chắc, không lẫn xít. Thợ trong nghề chúng tôi vẫn truyền tai nhau chỉ có than của mỏ Đèo Nai, Cọc Sáu (Cẩm Phả) mới có đủ chất lượng để tạo hình, tạo khối.
Loại than này nhỏ bằng vài ngón tay cho đến tảng lớn mấy người ôm, người thợ điêu khắc có thể tùy ý “đục đẽo”, gần gũi bình dị thì có những hình ảnh quenthuộc của vịnh Hạ Long như hòn Gà Chọi, Lư Hương, thuyền buồm, ngư ông... cầu kì hơn thì có cô gái Việt, tượng hổ, sư tử, cá heo hay đồ trang trí nội thất lạ mắt. Từ sao chép, mỗi người lại mày mò sáng tạo nên những hình tượng mới theo sở trường của mình, trong đó đỉnh cao phải kể đến điêu khắc chân dung”.
Ông Miền An cho biết thêm: “Loại than này không phải là thứ dễ dùng, khi xẻ ra rất dễ bị mẻ hay vỡ vụn, cho phép sai số rất nhỏ. Đục, đẽo, gọt, tỉa, cho đến đánh bóng sản phẩm đều làm bằng tay và đòi hỏi sự chuẩn xác lớn. Để tạo ra được một sản phẩm đẹp, hấp dẫn, các “nghệ nhân” phải cần sự chính xác và tính kiên trì, tỉ mỉ”.
Liệu có mất dần những người "thổi hồn" vào than đá?
Ông Nguyễn Văn Luân, nguyên Phó Chủ tịch hiệp hội Thủ công mỹ nghệ than đá, là người đã làm nghề từ những năm 1980 của thế kỷ trước, chia sẻ: "Đây là nghề thủ công có từ lâu, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của đất mỏ và giai cấp công nhân (công nhân than) từ thời Pháp thuộc. Nghề làm đẹp cho đời, có giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ cao.
Đã có thời nghề điêu khắc than đá ở Quảng Ninh phát triển mạnh, du khách không chỉ mua hàng mà còn đến tận xưởng tham quan, tìm hiểu cách làm nghề. Những năm 90 của thế kỉ trước, Hạ Long có cả “xóm nghề” Cột Hai tập trung những người thợ tay nghề cao quanh khu vực Công ty Mỹ nghệ - Mỹ thuật Quảng Ninh.
Sau khi công ty giải thể, thợ giỏi ra làm xưởng riêng, rồi tản mát dần. Một đoạn phố Lê Thánh Tông dưới chân núi Bài Thơ những năm trước “ngập” các cửa hàng trưng bày sản phẩm, giờ chỉ còn 1-2 nhà trụ lại.
Những người thợ lâu năm nhẩm tính, hiện nay ở Hạ Long, Cẩm Phả chỉ còn khoảng 70 thợ lành nghề với gần 40 hộ đơn lẻ, phần lớn quy mô nhỏ hẹp, chủ yếu chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng.
Là một người có thâm niên hơn 20 năm trong nghề, ông Miền An cho hay, hiện nay cả đầu vào và đầu ra của sản phẩm nghệ thuật từ than đá đều không ổn định. Giá than tăng theo ngày, còn đầu ra của sản phẩm liên tục bị thương lái ép giá, tăng giảm theo thời vụ. Người làm nghề truyền thống nơi này bị rơi vào sức ép bám trụ và phát triển nghề.
Chị Đặng Thị Lan (khu 2, Hồng Hải, Hạ Long) tâm sự: “Nhiều người bỏ nghề vì nghề không nuôi nổi mình nữa. Cũng đúng thôi, khi mà giá cả đầu ra đầu vào đều không ổn định. Không có cơ quan nào quản lý, mỗi sản phẩm làm ra đều bị ép giá theo thời vụ. Chưa kể than nguyên liệu, chúng tôi phải mua với giá tư nhân nên rất đắt, có khi đến 20 triệu đồng/tấn”.
Vừa nói xong chị Lan tính nhẩm: “Giá 1 kg than hiện nay là 15.000 đồng (chưa kể công vận chuyển), làm 1 con sư tử chỉ bán được 500.000 đồng, tiền nguyên liệu là 200.000 đồng và mất 3 ngày công, vậy thì chả được lãi bao nhiêu.
Còn theo ông Miền An thì làm nghề này bụi bặm, độc hại nhưng ông vẫn ngày ngày gắn bó với công việc của mình. Ông bảo: “Tôi nguyên là thợ mỏ về hưu, đã gắn quá nửa cuộc đời với than nên giờ cũng không thể rời nó được nữa. Nếu không có đam mê, tình cảm với hòn than thì khó mà tạo nên những tác phẩm sống động được”.
Có lẽ cũng với tình yêu ấy mà những nghệ sĩ điêu khắc vùng mỏ tên tuổi như Tuấn Lợi, Tâm Nhâm đã lấy than làm chất liệu sáng tác, vượt lên mục đích chế tác mỹ nghệ ban đầu, tạo ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.
Tuy nhiên, khó khăn từ nhiều phía khiến người thợ điêu khắc than lao đao, lại thêm nguy cơ thiếu hụt những thế hệ lành nghề kế cận, giới trẻ không muốn học nghề của cha ông nên những người thợ như ông Miền An, chị Đặng Thị Lan luôn đau đáu rằng “Liệu nghề thủ công truyền thống đậm bản sắc vùng mỏ có bị mất dần đi, trong khi Quảng Ninh, hay hẹp hơn là Hạ Long, đang cần những sản phẩm đặc trưng để phục vụ phát triển du lịch lâu dài".