Vụ bạo động vừa qua tại Anh đã khiến nhiều người Australia quan ngại một kịch bản tương tự xảy ra tại nước này nếu các cơ quan hữu trách không giải tỏa được những mâu thuẫn xã hội.
Cảnh sát chống bạo động triển khai để ngăn chặn những người biểu tình quá khích. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong khi đó, kết quả cuộc khảo sát thường niên của Hội đồng Dịch vụ xã hội Australia (ACOSS) cho thấy số công dân Australia cần sự giúp đỡ khẩn cấp trong lĩnh vực tài chính, nhà ở, y tế và việc làm đang ngày càng gia tăng.
Do số người cần đến các dịch vụ an sinh xã hội tại Australia gia tăng đột biến nên cho dù số lượng dịch vụ năm nay có cao hơn năm ngoái nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu. Mặc dù kinh tế Australia tăng trưởng tương đối vững chắc nhưng do chi phí sinh hoạt đắt đỏ, giá nhà tăng cao nên người dân vẫn lâm vào tình trạng "túng trước, thiếu sau."
Kết quả nghiên cứu trên khiến Tổ chức Liên lạc cộng đồng Whittlesea (WCC), một tổ chức từ thiện hoạt động tại thành phố Melbourne, đã lên tiếng khuyến cáo rằng nước Australia cần xem xét lại chính sách phúc lợi xã hội nếu không muốn xảy ra bạo động như ở Anh vừa qua.
Trưởng nhóm phục vụ thân chủ của WCC, bà Annette McKail cho biết số người xin trợ giúp đang ngày càng gia tăng nhưng WCC không có đủ nhân viên cũng như ngân sách để đáp ứng nhu cầu của họ.
Giám đốc của ACOSS, tiến sỹ Cassandra Goldie cho hay cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu rõ ràng đã tác động đến người dân. Trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua, số người cần sự trợ giúp của các tổ chức cung cấp dịch vụ xã hội tăng tới 12%. Cũng trong giai đoạn này, yêu cầu không được đáp ứng của những người cần được trợ giúp đã tăng tới 20%.
Cuộc khảo sát do ACOSS thực hiện với 745 cơ quan xã hội tại Australia cho thấy số người cần được hỗ trợ tiền mặt khẩn cấp tăng tới 49% và thực tế là số tiền dành cho người thất nghiệp và trợ cấp cho cha mẹ nuôi con ít nhất cũng phải ngang bằng với những người hưởng lương hưu. Mức trợ cấp 34 AUD/ngày cho người thất nghiệp hiện nay là không đủ khiến những người này sống dưới mức nghèo khổ.
Tiến sỹ John Falzon, Tổng giám đốc điều hành cơ quan từ thiện Vincent de Paul, một trong những tổ chức từ thiện nổi tiếng tại Australia, cho biết ngay cả khi nền kinh tế Australia đang trong giai đoạn phát triển, nhiều người dân vẫn phải sống trong tình trạng thường xuyên túng thiếu. Do đó, một khi kinh tế đất nước bị suy thoái, những người này lại càng gặp nhiều khó khăn hơn trong lĩnh vực tài chính.
Những cuộc bạo động ở Anh gần đây cho thấy việc làm ngơ không đoái hoài tới số phận của những người cùng khổ sẽ mang lại những nguy hiểm khó lường.
Tiến sỹ Falzon kêu gọi Australia cần quan tâm hơn tới những người bần cùng, cũng như xem xét lại các phương thức đảm bảo an sinh xã hội./.
Theo Vietnam+