Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn TƯ, hồi 16h ngày 14/11, vị trí tâm áp thấp ở vào khoảng 8,4 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau khoảng 280 km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km/h), giật cấp 8, cấp 9.
Đường đi của áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 12 giờ tới áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Dự kiến đến trưa và chiều mai (15/11), áp thấp nhiệt đới sẽ vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mai. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/h) giật cấp 9.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, khu vực phía Tây quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các đảo Phú Quý và Côn Đảo) có mưa giông mạnh, gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 9. Biển động rất mạnh.
Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ từ đêm nay có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông.
Để chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới, trong chiều 14/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có công điện khẩn gửi BCĐ PCLBTƯ, BCH PCLB các tỉnh, thành phố khẩn cấp kêu gọi, sắp xếp tàu, thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm vào nơi neo đậu an toàn xong trước 6h sáng ngày 15/11.
Khu vực vùng nguy hiểm được xác định nằm tại phía Nam Vĩ tuyến 11,0.
Theo công điện, các địa phương phải rà soát phương tiện, chủ động, sẵn sàng sơ tán dân ở các vùng trũng, thấp, vùng cửa sông, ven biển, vùng sạt lở nguy hiểm, chằng chống nhà cửa... để đảm bảo an toàn.
Trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới, lực lượng bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các địa phương từ Đà Nẵng đến Kiên Giang thông báo cho trên 25.000 tàu thuyền với gần 161.000 lao động đang hoạt động trên biển, biết hướng đi của áp thấp nhiệt đới.
Tuy nhiên đến trưa 14/11, tại Bạc Liêu vẫn còn gần 400 tàu đang hoạt động trên biển, trong đó có hơn 270 đánh bắt xa bờ.