Tại Ba Vì - Hà Nội:
Trao đổi với chúng tôi vào trưa nay (24/1), đại diện Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội) cho hay, vào đêm qua tuyết ở đây đã rơi và đến sáng nay, tuyết rơi dày khoảng 2 - 3cm. Cho đến thời điểm hiện tại, thời tiết vẫn rất lạnh.
Khu vực tuyết rơi ở trên núi Ba Vì có độ cao khoảng hơn 1.000m so với mực nước biển.
Tại Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia đánh giá đây là đợt lạnh kỷ lục trong vòng 30 năm qua. Sáng sớm nay (24/1), nhiệt độ đo được ở Ba Vì là 5 độ, Hà Nội là 6 độ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phi Long – Chủ tịch UBND xã Vân Hòa (Ba Vì, Hà Nội) cho biết, sáng 24/1, tuyết đã rơi trên núi Ba Vì thành hai đợt.
Đợt 1 tuyết rơi vào lúc 5h sáng, những hạt tuyết to bằng hạt gạo rơi lả tả khoảng 10 phút thì hết. Đợt hai tuyết rơi trong khoảng 9h – 9h30 sáng, tuyết rơi 5 - 7 phút rồi dừng.
Tại Yên Bái:
Tuyết bắt đầu rơi tại khu vực đèo Cao Phạ và các xã dưới chân đèo thuộc huyện Mù Cang Chải, Yên Bái từ đêm 32/1.
Hiện tại, theo ghi nhận trên tờ Tuổi trẻ, nhiều nhà dân ở đội 1, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải bị tuyết phủ trắng xóa.
"Người dân lo lắng nếu tuyết vẫn rơi dày thì có khả năng sập mái nhà. Một số người qua đèo Cao Phạ cho biết trên đèo tuyết ngập khoảng hơn 10cm", nguồn trên cho hay.
Ảnh: Hoàng Minh Nguyệt/Tuổi trẻ
Tại Hòa Bình:
Tuyết phủ ở thị trấn Mai Châu. Ảnh: Như Quỳnh
Tại Pà Cò - Mai Châu. Ảnh: FB Nguyễn Thanh Hiếu
Tại Pà Cò - Mai Châu. Ảnh: FB Nguyễn Thanh Hiếu
Tại Pà Cò - Mai Châu. Ảnh: FB Nguyễn Thanh Hiếu
Tuyết rơi tại Sa Pa:
Tuyết bắt đầu rơi từ khoảng 0h40 phút ngày 24/1. Lượng du khách đổ về đây đã tăng lên đột biến, nhiều khách sạn không còn phòng cho thuê.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Đài khí tượng thuỷ văn Lào Cai cho biết, lúc 9 giờ sáng nay, nhiệt độ tại đây lại tiếp tục hạ xuống -3,2 độ C và có thể xuống mức -4 độ trong đêm nay.
“Nếu xuống đến -4 độ thì đây sẽ là mức nhiệt kỷ lục tại Sa Pa từ trước đến nay. Tại Sa Pa mới chỉ từng ghi nhận mức -3,2 độ C vào cuối những năm 60 thế kỷ trước”, ông Hải nói
Hình ảnh tại Sapa. (Ảnh: Báo Lào Cai)
Tại Cao Bằng:
Sáng nay (24/1), tại nhiều nơi tại Cao Bằng nhiệt độ xuống chỉ còn âm 1 độ C.
Tại Lạng Sơn:
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Tiên, Giám đốc Đài khí tượng thuỷ văn Lạng Sơn cho biết, nhiệt độ tại đây đang tiếp tục giảm xuống còn -4,2 độ C và có thể hạ tiếp xuống -5 độ trong đêm nay (24/1).
“Mốc rét kỷ lục ghi nhận tại đây năm 1973 là -3 độ C, đến ngày 12/1/2011 bị phá với mức nhiệt -3,6 độ C. Và đêm nay có thể hạ xuống - 5 độ C", ông Tiên nói.
Ở đây, băng giá bắt đầu xuất hiện trên đỉnh Mẫu Sơn (Lộc Bình, Lạng Sơn) từ sáng sớm 23/1. Sau đó băng phủ kín cây cối. Nhiều du khách đã đến Mẫu Sơn để ghi lại hình ảnh băng giá.
Tại Tam Đảo - Vĩnh Phúc:
Sáng sớm 24/1,băng giá xuất hiện trên đỉnh Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Nhiệt độ đo được ở đây vào lúc 6h sáng là âm 0,4 độ C. Nhiều người dân trồng su su ở Tam Đảo đang khá lo lắng cho vường rau của mình trước thời tiết khắc nghiệt này.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân giữ ấm
Trước diễn biến thời tiết rét đột ngột, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng bệnh.
Theo đó, người dân nên chủ động phòng bệnh bằng cách giữ ấm cơ thể; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm.
Sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… và hạn chế đến những chỗ đông người tránh nhiễm làm lây lan mầm bệnh.
Để bảo đảm đủ dinh dưỡng, mỗi người cần ăn uống đủ chất, bảo đảm dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng.
Nên uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.