[ẢNH] Tận thấy những ngách hầm giải cứu 12 nạn nhân mắc kẹt

Lê Hữu Việt |

Để giải cứu 12 công nhân bị mắc kẹt do sập hầm thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo (Lạc Dương, Lâm Đồng), các lực lượng cứu hộ đã khoan đào nhiều ngách hầm.

Để đưa 12 công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) ra ngoài, cùng với việc khoan để đưa ô xi, đồ ăn, nước uống vào bên trong, một ngách hầm cũng được lực lượng cứu hộ của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đào ở phía bên phải vị trí sạt lở.

Còn đường hầm cứu hộ do lực lượng Công binh thực hiện ở bên trái vị trí sạt lở. Đường hầm này chạy dọc theo tường bê tông gia cố vách hầm của đơn vị thi công đường hầm thủy điện.

Ngoài ra, một mũi khoan ngang từ đoạn hầm phía hạ du đập thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo cũng được công nhân của Cty Cổ phần Sông Đà 10 thực hiện.

Mũi khoan này rộng khoảng 7cm, dài 60m để thoát nước từ vị trí các công nhân gặp nạn ra ngoài.

Phía bên phải vị trí sạt lở là lối vào hầm cứu hộ do lực lượng cứu hộ của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) thực hiện. Ngay cửa, những vật dụng phục cụ công tác đào hầm vẫn còn vứt lại ngổn ngang, gồm những xô chậu xách đất, cuốc xẻng…
Đường hầm bát sát theo váy tường bê tông giá cố hầm thủy điện.
Đường hầm chỉ cao khoảng 1m, rộng 1,2m, để vào hầm phải gần như đi ngồi.
Đường hầm quanh co do gặp nhiều khối đá to nên lực lượng cứu hộ phải đào tránh. Thậm chí, lực lượng cứu hộ còn phải dùng tới kíp nổ để phá đá thông đường vào trong.
Vào sâu khoảng 6-7m, đường hầm được đào hướng lên trên để phòng trường hợp khối nước lớn từ phía trong hầm có thể ập ra gây sạt lở nguy hiểm cho lực lượng cứu hộ. Đồng thời, đường hầm cũng nhỏ dần vào trong.
Thanh gỗ ngang chống mái hầm ngoài được chống đỡ bởi 2 cọc chắc. Hai bên còn có những thanh sắt dài đóng vào lòng đất đỡ lực.
Chiều 20/12, một ngày sau khi 12 công nhân được giải cứu an toàn, đường hầm rất ẩm ướt và đang có dấu hiệu tiếp tục sạt lở. Phía trên mái hầm, một số vị trí thanh chống đã võng xuống, có dấu hiệu sắp gãy.
Đường hầm chỉ vừa một người lách qua.
Ngách hầm cứu hộ do 100 Công binh tinh nhuệ của Lữ đoàn 293 thực hiện nằm phía bên trái vị trí sạt lở.
Phía trong hầm do lực lượng công binh thực hiện.
Dù thực hiện sau nhưng may mắn không gặp đá lớn nên đường hầm của Công binh thực hiện đã về đích trước và lần lượt đưa được 12 công nhân mắc kẹt phía trong ra ngoài an toàn.
Toàn cảnh đường hầm do lược lượng Công binh thực hiện.
Ngoài 2 đường hầm kể trên, một mũi khoan ngang từ đoạn hầm phía hạ du đập thủy điện Đạ Dâng cũng được thực hiện để thoát nước từ vị trí các công nhân gặp nạn ra ngoài.
Mũi khoan này rộng khoảng 7cm, dài 60m, vị trí khoan cách nền hầm 50cm. Chiều 20/12, nước từ khoang hầm các công nhân mắc kẹt xối mạnh ra ngoài. Trong ảnh: các công nhân đang lắp đạt đường ống nhựa (có khoan các lỗ nhỏ quanh ống để thu nước) để dẫn nước ra ngoài, đề phòng nước tiếp tục làm xói lở đất.
Máy khoan ngang. Trong quá trình khoan, cần tới 4 đến 6 người khiêng máy.
Chiều 20/12, những công nhân của Cty Cổ phần Sông Đà 10 (đơn vị thi công đường hầm này) đang thu dọn hiện trường. Phần bùn đất từ đoạn hầm các công nhân mắc kẹt chảy ra vẫn đang được máy xúc đưa ra ngoài.
Vị trí hầm sạt lở có nền đất yếu nên đã được các đơn vị thi công trước đây (đã dừng thi công 3 năm trước) gia cố đặc biệt bằng những thanh sắt hộp cỡ lớn chèn chống xung quanh (ngoài lớp bê tông đã gia cố tạm quanh tường hầm như các vị trí khác). Nước trên mái hầm vẫn tuôn xuống như mưa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại