Sự phát triển Internet là bước tiến vĩ đại của lịch sử loài người, mở ra cửa sổ thông tin cho tất cả các quốc gia, cộng đồng, đến tận từng người dân, nếu có trình độ IT nhất định, tạo nên sự hiểu biết, tương tác lẫn nhau ở... hai đầu thế giới.
Và nhất là thông qua Facebook, mạng xã hội “thời thượng” hiện nay, kết nối hàng tỷ con người trên thế giới với những niềm vui nỗi buồn, xẻ chia hạnh phúc cùng khổ đau, bất hạnh.
“Trẻ trâu” và tư duy “trẻ trâu”
Điều thú vị ở chỗ này, FB tuy là mạng ảo, nhưng lại phản ánh thật nhất tầm tư duy, phông văn hóa, chất người mỗi cá nhân.
Người ta thường nói văn học là nhân học. Nhưng thời đại IT, thì chả cần đến văn học, chỉ cần một vài dòng trên FB cũng có thể hiểu “nhân học” đó đứng ở đâu.
Chính vì thế, trong tuần này, có hai vụ việc liên quan đến FB, khiến dư luận xôn xao bàn tán. Nơi này phẫn nộ bất bình, nơi kia cười mỉa, bi hài đến độ cư dân mạng đến giờ vẫn còn đàm tiếu.
Mà không phẫn nộ bất bình sao được trước vụ việc vô duyên này.
Giữa lúc cả thế giới nói chung, người Việt Nam nói riêng đều phẫn nộ trước tội ác của quân khủng bố IS khiến gần 130 người dân vô tội ở Paris thiệt mạng, chia sẻ đau thương với nước Pháp bằng nhiều cách khác nhau.
Mới đây, St Denis, một vùng ngoại ô phía bắc Paris, nơi có sân vận động Stade de France, một điểm bị khủng bố tối ngày 13/11 vừa qua, vẫn tiếp tục diễn ra cuộc đấu súng dữ dội truy lùng nghi phạm thứ 09 trong vụ tấn công Paris.
Khủng bố đâu phải trò đùa!
Vậy mà trên mạng, bỗng xuất hiện hàng loạt trang FB mang tên Timur Zhunusov, người được cho là một thành viên của IS, với rất nhiều lời chửi bới vô văn hoá của người Việt.
Một số người Việt còn để lại cả những dòng bình luận mang tính thách thức IS tấn công khủng bố vào VN, khiến cho cư dân mạng hoang mang và phẫn nộ.
Nhưng cũng rất nhanh chóng, những trang này bị chính cư dân mạng phát giác là giả mạo, do một số người Việt lập ra. Nói theo ngôn ngữ dân mạng là loại “trẻ trâu”, để câu like và đùa cợt.
Khỏi phải nói sự bất bình của cư dân mạng, trước việc làm ngông cuồng, anh hùng rơm và nông nổi của những kẻ nào đó thích đổ dầu vào lửa, bỡn cợt trên nỗi lo âu của cộng đồng.
Chỉ đến khi bị dư luận XH nghiêm khắc lên án, nhất là khi các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, thì các “trẻ trâu” này vội vã xóa trang.
Một trang mạng đã bình rất chính xác về vụ việc lố bịch này, rằng, đó là một trò đùa rất phản cảm, và tàn nhẫn trong thời điểm này.
Đúng là rất tàn nhẫn, bởi trong lúc nhân loại đang chia sẻ nỗi đau và tai họa của một quốc gia, một số “trẻ trâu” nước Việt đùa cười và diễn trò anh hùng rơm với những kẻ khủng bố.
Anh hùng rơm, bởi dư luận XH còn chưa quên cách đây ít lâu, cư dân mạng đã xôn xao, và cũng xấu hổ cho việc có những “trẻ trâu” công khai bày cho nhau trên mạng cách trốn đi bộ đội như thế nào.
Rất phản cảm, và cả vô văn hóa nữa, bởi trước tai họa của đồng loại, thì một thái độ hiểu biết là nên chia sẻ, chứ không phải đùa cợt nhảm nhí.
Được biết mới đây Bộ Công An đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu xử lý nghiêm việc sử dụng mạng xã hội khiêu khích khủng bố.
Dân gian có câu: Bệnh từ miệng bệnh vào, vạ từ miệng (commnet) vạ ra.
Chưa hết, một vụ việc vạ … comment khác lại xảy ra.
Trên mạng XH lại ồn ĩ và đàm tiếu đến tận giờ. Nghe chuyện ai nấy bật cười, còn người viết bài thì nghĩ, nói cho công bằng, nó cũng giông giống chuyện “trẻ trâu”.
“Trẻ trâu” vì nó hơi chấp nhặt, quá nhỏ mọn, không người lớn. Còn cách xử lý thì khiến cho dư luận XH không hề tâm phục khẩu phục.
Đó là chuyện liên quan đến tỉnh An Giang. Theo báo Đất Việt, ngày 15/11, bà Lê Thị Thùy Trang (Trường THPT Long Xuyên- t/p Long Xuyên), đọc thông tin trên 01 tờ báo mạng có nội dung, rằng CP đề nghị kiểm điểm Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.
Trời xui đất khiến thế nào, bà Trang đưa lên FB cá nhân, rồi bình luận chê bai gương mặt ông CT tỉnh: Ông CT này cái mặt kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời CT An Giang.
Dĩ nhiên đã có lời bình, phải có comment tiền hô hậu ủng. “Hậu ủng” thì có nhiều người, nhưng trong đó có ông Nguyễn Huy Phúc – nhân viên Điện lực và bà Phan Thị Kim Nga - Phó Văn phòng Sở Công thương (đều là công dân thuộc tỉnh An Giang).
Rút cục, cái vạ comment rất bất ngờ: Hai người, bà Lê Thị Thùy Trang, ông Nguyễn Huy Phúc, bị phạt mỗi người 05 triệu đồng, do cả 02 vi phạm truyền đưa lưu trữ sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín danh dự người khác. Bà Phan Thị Kim Nga bị nhắc nhở.
Dư luận XH được phen ồn ào với đủ lời đàm tiếu, có những đàm tiếu còn buồn cười và khó chịu hơn cả…. nhìn cái mặt kênh kiệu.
Thật ra, nói xấu là một cá tính mang tính bản năng đồng hành cùng con người, phát triển hoặc được chế ngự tùy thuộc phông văn hóa cá nhân, và cả môi trường cộng đồng nơi con người sinh sống, an lành, văn minh hay ngược lại, nghèo khó và bất ổn.
Người viết không rõ, 03 công dân An Giang này có bôi bác gì nữa không để xúc phạm ông Chủ tịch tỉnh. Nếu họ thực sự xúc phạm, ảnh hưởng đến uy tín của ông CT tỉnh, thì việc xử lý là xác đáng.
Nhưng nếu chỉ căn cứ vào câu nói chê bai cái mặt kênh kiệu, thì ở đây, dường như có một chút suy diễn quá xa...
Cụm từ cái mặt kênh kiệu, để chỉ hình thức. Nó thuộc về quan niệm xấu đẹp tùy tiêu chí thẩm mỹ của con người, ở đây, tùy thuộc thẩm mỹ của bà Trang.
Dĩ nhiên chê người khác về hình thức là không tế nhị, nhất lại là quan chức đầu tỉnh. Nó phản chiếu “văn hóa” ngồi lê đôi mách thường tình, nhất là ở một cô giáo THPT thì càng dở.
Nhưng nếu đọc tiếp vế hai- xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang, thì đó là sự phê bình thẳng thắn tác phong một cán bộ lãnh đạo tỉnh, mà nếu là người cầu thị, ông Chủ tịch tỉnh An Giang nên giật mình nhìn lại phong cách lãnh đạo của bản thân.
Và vì vậy, ở phương diện nào đó, ông nên biết cảm ơn một lời nói thẳng, dẫu trong lòng không vui. Chứ không phải là “chấp nhặt’, tự ái vì hình thức bị chê xấu, dẫn đến sự trừng phạt.
Có rất nhiều lời bình trên các trang mạng XH, mỗi lời bình một vẻ mười phân buồn cười. Nhưng người viết tâm đắc nhất comment của một quan chức của CP trên FB:
Nhớ năm xưa, có người Nga hỏi Reagan (Tổng thống Mỹ), ông sẽ làm gì khi có người chửi ông. Reagan cười và trả lời, tôi chả làm gì họ cả. Chửi tôi là việc của họ, còn làm Tổng thống là việc của tôi!
Một câu trả lời có tầm tư duy chính trị và bản lĩnh cao thủ quá.
Còn nếu như chỉ vì một lời chê của các “con dân bé mọn”, mà phạt tiền, kỷ luật, thì có lẽ lời bình của bà Trang có lý. Ông Chủ tịch An Giang quá kênh kiệu, xa lạ với dân, chấp nhất nhỏ mọn với… đàn bà, dù nhân danh gì gì đi nữa
Trước nhân gian, ông mất nhiều hơn được!
Trách nhiệm và chuyển…. trách nhiệm
Sự phát triển của kinh tế thị trường, cũng là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển nước Việt. Nhờ đó, mà đất nước- khi mới bước vào đổi mới, năm 1986, từng có lúc được thế giới chú ý, dự báo “hóa rồng”.
Chỉ tiếc rằng, dự báo đó chưa thành sự thật, cửa “vũ môn” có vẻ hãy còn xa. Đến thời điểm này, gần 30 năm sau, con tàu nước Việt vẫn loay hoay nhúc nhắc trên đường ray kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Tại kỳ họp QH lần này, một vấn đề đưa ra khiến không chỉ dư luận XH suy nghĩ, mà ngay chính các ĐBQH cũng khó chấp nhận. Bởi sự vô lý và thiếu công bằng.
Đó là chủ trương xóa hơn 1000 tỷ đồng nợ thuế cho hơn 250 doanh nghiệp nhà nước, thành phần kinh tế vốn được coi là chủ đạo, khi bàn tới Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.
Chủ trương này xuất phát từ thực tiễn báo cáo của CP cho biết, việc xóa nợ thuế áp dụng với 03 nhóm DNNN.
Sự ưu đãi với các DNNN hóa ra không chỉ trong môi trường kinh doanh, hỗ trợ các điều kiện về hạ tầng cơ sở, đất đai, nguồn tài chính, mà còn ưu đãi ngay cả khi ăn không nên làm khôngra, phải gấp gáp cổ phần hóa, trong hoàn cảnh nợ đầm nợ đìa.
Tư duy quản lý kinh tế kiểu đó, đặt trong thời cuộc hội nhập, vô tình sẽ là một cản ngại cho sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế nói chung, của môi trường kinh doanh nói riêng, tất sẽ dẫn đến những hệ lụy không lành mạnh khác.
Chính vì thế, tại nghị trường, ý kiến các ĐBQH khá thẳng thắn khi cho rằng điều này không bình đẳng với những thành phần kinh tế khác, tạo tâm lý chây ỳ cổ phần hóa và gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Khi họ cho rằng, nếu làm ăn thua lỗ, thậm chí có tiêu cực mà được xóa nợ là khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn không có hiệu quả. Trong trường hợp cổ phần hóa thì phải kế thừa nhiệm vụ quyền và trách nhiệm, trong đó có trả nợ thuế.
Không thể để tình trạng “lời thì hưởng mà lỗ thì Nhà nước gánh chịu”. Trước Hiến pháp, pháp luật, mọi thành phần kinhtế đều bình đẳng về nghĩa vụ nộp thuế (theo Dân trí, ngày 14/11).
Còn người viết bài cho rằng, nếu như xóa nợ cho các DNNN thì lỗ cũng không phải Nhà nước gánh chịu, mà chính là người dân phải gánh chịu, bởi dân sẽ phải tiếp tục đóng thuế bù cho khoản hơn 1000 tỷ đồng thua lỗ.
Việc chuyển… trách nhiệm từ các DNNN sang người dân là thêm một sự thiếu sòng phẳng, thiếu công bằng nữa.
Sự “chiều chuộng” đó chỉ khiến các DNNN không thấy rõ yếu kém và trách nhiệm của mình, sẽ khó tạo ra động lực làm việc cho tất thảy các thành phần kinh tế còn lại, cho cộng đồng, khi mọi giá trị hay- dở, tốt- xấu, mạnh- yếu đều bị xóa nhòa.
Đó cũng chính là điều cần tránh nhất của mỗi quốc gia trên con đường phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu nói để đời: Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng!
Nhưng quan trọng hơn, nhiều nhà kinh tế, quản lý nhà nước tại Diễn đàn tổng kết 30 năm Đổi mới được tổ chức mới đây tại Hà Nội, đã nhận định, tình trạng tụt hậu của đất nước là do tư duy cũ kỹ.
Chúng ta đã chọn sai mô hình tăng trưởng, lại chưa có thể chế mạnh tạo động lực phát triển. Người Việt thích tranh luận nhưng chỉ luẩn quẩn trong mấy chữ mà mất hai, ba chục năm nay.
Có những khái niệm như “vòng kim cô” ghì chặt sự phát triển của đất nước (TBKTSG, 19/11).
Cũng không phải chỉ ở tầm vĩ mô, quản lý kinh tế mới có sự chuyển... trách nhiệm, mà ngay ở tầm vi mô, quản lý ngành- cũng vậy.
Nó liên quan đến phát ngôn ấn tượng của ĐBQH Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Văn hóa- Thể thao- Du lịch trong phiên chất vấn của QH tại chiều 17/11. Một phát ngôn hài hước khiến dư luận XH những ngày này còn thi nhau đàm tiếu.
Đó là khi ĐBQH Phạm Thị Hải (Đồng Nai) chất vấn về ngành du lịch VN đang phải đối mặt với nhiều vấn nạn gây bức xúc cho khách du lịch, nhất là người nước ngoài, là du lịch VN không chỉ thua kém Thái Lan, mà còn thua kém với ngay cả Lào, Campuchia.
Thật ra vấn đề ĐBQH Phạm Thị Hải đặt ra không bất ngờ. Báo chí, các cơ quan truyền thông đã từng viết rất nhiều về sự non kém của du lịch VN, dẫn đến hiện tượng khách du lịch bướcchân đi cấm kỳ trở lại.
Hãy sang Campuchia, đến thăm Ang kor Wat (tiếng Việt cổ gọi là Đế Thiên), Ang kor Thom (Đế Thích) thuộc Siem Reap, gọi chung là Ang kor (Đế Thiên Đế Thích), để hiểu người CPC đã biết làm du lịch văn minh và khôn ngoan thế nào.
Để hiểu họ biết cách bảo vệ những di sản văn hóa đồ sộ của ông cha họ ra sao. Nhất là bảo vệ cả những cánh rừng nguyên sinh kỳ vĩ, bát ngát, cực kỳ sạch sẽ, có những cây đại thụ sù sì, che chở cho những đền đài tuyệt tác sự bình yên.
Để so sánh với ngay Hồ Gươm của chúng ta thôi, lúc nào cũng xe máy, hàng rong, bụi rác ngay cả ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.
Không bất ngờ, bởi trước đó, tháng 9/2015, thông tin tại Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM 2015 cho thấy so với một số nước ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Indonesia hay Singapore, chỉ số cạnh tranh về du lịch VN thấp, chỉ đạt 3,6 điểm, trong khi Indonesia đạt 4,04 điểm, Singapore đạt 4,96 điểm.
Trả lời câu hỏi “Vì sao du lịch VN thua các nước” của báo Pháp luật tp HCM, ông Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) nhận xét, có rất nhiều nguyên nhân, mỗi thứ một tý, nhưng “chặt chém” là một trong những nguyên nhân làm cho hình ảnh VN nói chung và du lịch nói riêng trở nên không đẹp trong mắt khách du lịch quốc tế, có tác động không nhỏ đến quyết định quay trở lại VN của họ.
Chao ôi, vẫn là thứ tư duy “trẻ trâu”, mì ăn liền, trong khi quản lý du lịch thì dường như bất lực anh đến, anh không đến…..(xin mượn ca từ trong bài Đợi của Huy Thục)
Nhưng rất bất ngờ khi ông Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh vừa hồn nhiên vừa thẳng thừng: Về phần chúng tôi, chúng tôi chịu trách nhiệm.
Với tư cách là người đứng đầu ngành VH-TT-DL, những gì cố gắng rồi mà chưa đạt được, không đáp ứng nhu cầu thì tôi xin chịu trách nhiệm; và trách nhiệm chúng tôi là truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp. Vì thời gian không còn nữa thì làm sao bây giờ”.
Bộ trưởng hỏi lại QH? Quốc hội biết hỏi ai bây giờ!
Chỉ biết sau câu trả lời “chuyển trách nhiệm cho Bộ trưởng kế tiếp”, cả nghị trường cười rộ.
Còn người dân cũng cười. Nửa cười nửa mếu vì cái… trách nhiệm của một ông Bộ trưởng!
Và vào lúc XH còn đang ồn ào, thì khi được báo Lao Động (ngày 18/11) phỏng vấn tiếp, ông Hoàng Tuấn Anh còn phát ngôn ấn tượng hơn: Tôi trả lời chất vấn như vậy là để giảm stress cho các đại biểu QH.
Ô, QH là nơi bàn việc nước, đâu để phải nơi cho Bộ trưởng … giảm stress?
Người viết bài chỉ tự hỏi: Đến bao giờ, cung cách quản lý nước Việt “chín chắn” hơn nhỉ ?