Anh hùng La Văn Cầu muốn tặng gì cho ông Tập Cận Bình?

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Anh hùng La Văn Cầu mang bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" xuất bản năm 1904 trong đó ghi rõ cực Nam Trung Quốc là đảo Hải Nam để tặng ông Tập Cận Bình.

Giọng nói mang âm hưởng người dân tộc Tày với từ "ây dà" thường trực, đại tá, anh hùng La Văn Cầu đã kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện về quãng đời tuổi thơ từng mồ côi cha hai lần của ông.

Vốn tên thật là Sầm Phúc Hướng, cha đẻ ông là người bản Nà Thoang, xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Khi ông còn nhỏ, cha bị thực dân Pháp bắt đi phu xây đồn, đắp lũy. Công việc nặng nhọc, bị bỏ đói triền miên, làm việc quần quật dưới đòn roi tàn ác của cai Tây, cha ông ốm mà chết.

Sau này, khi mẹ ông đi bước nữa với một người đàn ông họ La nên tên ông được đổi thành La Văn Cầu.

"Tôi cùng mẹ rời bản Nà Thoang sang bản Lũng Điêng - xã Phong Nậm (Trùng Khánh - Cao Bằng) sống cùng cha dượng. Khác với suy nghĩ ban đầu của tôi, cha dượng rất tốt, đối xử, dạy dỗ và thương tôi như con đẻ. Tôi lớn lên trong tình yêu thương của cha dượng.

Những tưởng cuộc đời mẹ con tôi từ đây được sống trong hạnh phúc. Nhưng thời thế loạn lạc, thực dân đàn áp bóc lột, thổ phỉ hành hoành gây tội ác, không ngày nào thoát cảnh bắt bớ, trộm cướp, bắn giết, chết chóc. Quân phỉ đã bắt mất của cha dượng 2 con trâu. Mất thứ tài sản quý giá nhất trong nhà, cha dượng đau xót đổ bệnh rồi qua đời", anh hùng La Văn Cầu nhớ lại.

Anh hùng Lă Văn Cầu cũng nhấn mạnh: "Hoàn cảnh mồ côi cha hai lần của tôi chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sự tàn bạo của chế độ thực dân đô hộ".

Lòng căm hờn quân giặc đã khiến cậu bé La Văn Cầu lúc nào cũng sục sôi ý chí, quyết tìm mọi cách để được cầm súng giết giặc.

Anh hùng La Văn Cầu.
Anh hùng La Văn Cầu.

Tháng 10/1948, Vệ quốc đoàn tổ chức cuộc mít-tinh lớn ở thị trấn Trùng Khánh để tuyển quân. Cậu bé Cầu xung phong nhập ngũ. Lúc này Cầu mới 16 tuổi nhưng khai lên thành 18 tuổi để mong có thể qua cửa tuyển. Ý định “gian lận” bất thành nhưng trước ý chí không thể lay chuyển của cậu bé Cầu, chỉ huy lúc đó đã đồng ý cho cậu vào đội liên lạc. Tuy hơi buồn vì không được cầm súng nhưng Cầu vẫn tự động viên mình, trước làm liên lạc, sau vài năm kiểu gì cũng được cầm súng chiến đấu.

"Biết tôi xung phong tham gia cách mạng, mẹ tôi lúc đầu cũng lo vì tôi còn nhỏ tuổi. Nhưng sau đó, nghe tôi trình bày, nhận thấy sự quyết tâm của tôi, bà đã ủng hộ và dặn tôi là phải cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ được cấp trên giao", anh hùng La Văn Cầu kể.

Sau 3 tháng vào huấn luyện, chàng thiếu niên La Văn Cầu bất ngờ được cầm súng, trực tiếp chiến đấu tại tiểu đội 1, trung đội 2, tiểu đoàn 73, đại đội 671, tiểu đoàn 73 tỉnh Cao Bằng và sau này là trung đoàn 174 Cao – Bắc

Tâm sự với chúng tôi, trong kí ức về những trận đánh hào hùng của ông, đôi lúc vẫn xen lẫn sự trầm buồn khi nhớ về những đồng đội cũ đã không còn.

Ông cũng bày tỏ cả niềm tiếc nuối khi mình bị thương quá sớm, không tham gia được nhiều trận đánh, "chỉ góp mặt trong 25 trận thôi". Con số đó dù ông cho là ngắn ngủi song ông cũng đã trải qua những trận chiến quan trọng, đi vào lịch sử dân tộc.

Trong câu chuyện của mình, ông cũng không quên nhắc lại những kỷ niệm không bao giờ quên với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là bữa cơm thân mật với Bác Hồ tại Đại hội thi đua năm 1952.

"Người hỏi tôi là "ăn cơm với Bác cháu thấy thế nào so với bữa cơm ở đơn vị?". Lúc đó, tôi chỉ nói thật lòng mình là: "Cháu ăn cơm ở đơn vị thấy ngon nhưng hôm nay, được ăn cơm với Bác và các đồng chí ở Trung Ương cháu thấy ngon hơn".

Thấy tôi trả lời như vậy, Bác Hồ vui vẻ và khen :”Trông cháu Cầu hiền thế kia mà trả lời “chính trị “đáo để. Bác Hồ cũng dạy, làm người anh hùng thì không được sợ, thương binh phải tàn nhưng không phế.

Nhớ lời dạy của Bác mà dù mất một tay nhưng tôi luôn vững tâm và không bi quan nữa. Nghe lời Bác, tôi nguyện tự lực cánh sinh tạo cho cuộc sống của mình ngày một chất lượng và có văn hóa hơn", anh hùng La Văn Cầu chia sẻ.

Còn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kỷ niệm mà ông không thể quên đó là lời khen của Đại tướng tại buổi lễ tổng kết thắng lợi của chiến dịch Biên giới năm 1950,

"Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in lời Đại tướng nói: “Anh La Văn Cầu là lá cờ đầu trong phong trào thi đua giết giặc lập công”. Đó là kỷ niệm tôi không bao giờ quên", anh hùng La Văn Cầu nhớ lại.

Và trong lễ Quốc tang Đại tướng vừa qua, rất nhiều người dân đã vô cùng xúc động khi thấy ông đứng xếp hàng để vào viếng tướng Giáp tại nhà riêng trên phố Hoàng Diệu.

"Tôi đứng xếp hàng từ 2 giờ chiều, đến hơn 5 rưỡi chiều mới được vào viếng Đại tướng. Nhiều người cũng hỏi tôi, ông là người được ưu tiên, tại sao ông lại xếp hàng cho mệt, tôi chỉ nói rằng, nếu nói ưu tiên thì có nhiều người lắm, nhưng cá nhân tôi thì không làm thế được, tôi cũng phải xếp hàng, để vào viếng Đại tướng", anh hùng La Văn Cầu kể về ngày tới "gặp" Đại tướng lần cuối cùng.

Nhắc lại những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian qua, người anh hùng dù đã mất đi một cánh tay vẫn tỏ rõ sự phẫn nộ, bức xúc.

"Những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông như hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển của Việt Nam hay trước đó chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa, đảo Gạc Ma... của Việt Nam là không thể chấp nhận được. 

"Chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam với Hoàng Sa, với Trường Sa đã được thế giới công nhận. Cho dù thế nào thì tôi tin chắc chắn, các thế hệ người Việt Nam trước đây đã và bây giờ sẽ tiếp tục bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đó", anh hùng La Văn Cầu nhấn mạnh.

Anh hùng La Văn Cầu cho biết, nếu có cơ hội được gặp ông Tập Cận Bình - Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc, ông sẽ mang theo 3 thứ để tặng ông Bình.

"Đầu tiên, đó là tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của Trung Quốc được thực hiện dưới thời nhà Thanh - PV) xuất bản năm 1904, trong đó, ghi rõ cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. 

Thứ hai, là tấm bản đồ hành chính của Việt Nam hiện nay với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được thế giới công nhận. Thứ ba, đó là lá cờ đỏ sao vàng mà dân tộc ta đã phải đổ biết bao máu xương để bảo vệ, giữ gìn.

Tôi cũng muốn nói với ông Tập Cận Bình rằng, người dân Việt Nam có câu "bán anh em xa, mua láng giềng gần". Hai nước là láng giềng với nhau thì cần phải tôn trọng toàn vẹn, chủ quyền, lãnh thổ của nhau. Việt Nam yêu chuộng hòa bình, tôn trọng Trung Quốc nhưng Việt Nam không sợ Trung Quốc. Dân tộc Việt Nam sẽ sử dụng tất cả mọi biện pháp để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh hải của mình", anh hùng La Văn Cầu khẳng định.

Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh trả lời phỏng vấn phóng viên VTV

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại