Chuyện con bò bị giết
Thời đi học, anh nổi tiếng khắp làng vì học giỏi, ngoan, lễ phép. Người già trong làng ai cũng mến anh, lấy anh ra răn dạy con cháu. Với bọn trẻ chúng tôi, anh rất lộng lẫy!
Năm tôi học lớp 11, anh đã tốt nghiệp và làm việc ở Hà Nội. Một ngày cận tết anh về quê. Bố tôi mời anh qua nhà chơi, uống rượu. Bữa đó bố tôi giết một con bò. Tôi yêu con bò này lắm. Nó giúp bố tôi cày ruộng, cho chúng tôi cưỡi nó mỗi ngày. Nó rất hiền. Hôm đó tôi chứng kiến người ta giết nó. Một chú lấy cái búa đập mạnh vào đầu, nó rống lên, mắt lờ đờ rồi gục xuống. Thấy nó chết thảm tôi òa khóc. Tôi giận bố, giận mấy người kia.
Khi tôi đang gục đầu khóc thì một bàn tay đặt nhẹ lên vai. Tôi giật bắn, đứng phắt dậy. Anh đứng đó, bình tĩnh, hiền lành.
“Anh biết vì sao em khóc. Ngày trước anh cũng chứng kiến bố anh giết con chó, mà anh rất gần gũi. Anh buồn mất mấy tháng. Bố mua con chó nào về anh cũng không chấp nhận. Bố đã giải thích, anh hiểu, và không buồn nữa...”.
Tôi ngây thơ hỏi: “Con bò nó hiền thế, sao lại giết nó, ăn thịt con khác cũng được mà…”.
Anh nhỏ nhẹ: “Anh nói thế này nhé, hằng ngày trên chợ vẫn bán thịt bò. Họ không giết con bò này thì cũng giết con bò kia, con người vẫn cần ăn thịt, nuôi bò là để lấy sức kéo và làm thực phẩm cho con người mà! Hằng ngày có nhiều con bò bị làm thịt, nếu ai cũng khóc như em thì nước mắt đổ vào đâu nhỉ?
Ở Đồ Sơn, Hải Phòng người ta chọi trâu. Họ chọn những con trâu mà họ yêu mến nhất, khỏe mạnh nhất để chọi. Sau đó họ làm thịt hết. Số kiếp mỗi con vật trên đời này nó vậy.
Con lợn, con gà, con chó cũng hiền mà, nhưng nó cũng vậy, biết làm sao em! Trước khi bố giết nó, bố đã làm lễ hóa kiếp cho nó rồi. Kiếp sau nó sẽ là con khác...”. Anh cứ thế, nhỏ nhẹ giải thích đến khi tôi hiểu, nín khóc thì thôi.
Câu chuyện con bò gị giết ám ảnh tôi, đặt ra cho tôi nhiều câu hỏi. Tôi đi tìm câu trả lời và thấy anh đúng. Tôi lại tự hỏi: Sao anh biết tôi khóc vì điều gì? Sao anh quan tâm chuyện vớ vẩn của tôi? Tôi hỏi bố, ông cười: “Anh ấy tinh tế, được ăn học đàng hoàng mới tinh mắt để ý mấy chuyện nhỏ, trẻ con, mít ướt của con thôi”.
Có lần tôi thắc mắc sao mọi người yêu quý anh thế, bố nói: “Anh ấy là người lớn trước tuổi, sâu sắc và tình nghĩa. Bố còn nhớ thời còn đi chăn bò, lúc đấy anh ấy mới mười mấy tuổi. Người ta tố cáo anh ấy trộm dưa hấu nhà người ta. Bố anh ấy là bộ đội, rất nghiêm khắc đã đánh anh ấy bật máu tươi. Anh ấy chỉ nói “con xin lỗi”.
Sau này bố ngồi với mấy ông bạn người ta kể, là anh ấy nhận thay cho mấy đứa bạn chuyện trộm dưa. Anh ấy nghĩa khí từ bé, sống mà bạn bè cũng lứa ở làng đứa nào cũng tôn trọng. Ước gì sau này bố có thằng rể như thế”.
Cú sốc thời thiếu nữ
Năm lớp 12, tôi bị một cú sốc. Chỉ vì một sơ suất nhỏ, tôi đã bị loại khỏi đội tuyển học sinh giỏi Văn. Tôi tuyệt vọng, nghĩ quẩn. Tôi uống thuốc ngủ tự tử.
Hôm sau tỉnh dậy ở bệnh viện, tôi thấy anh cùng người nhà tôi. Thấy tôi tỉnh lại ai cũng mừng rỡ. Một lúc sau mọi người ra ngoài, mỗi anh ở lại (sau này tôi mới biết bố tôi hoảng loạn quá gọi nhờ anh về tư vấn, khuyên răn tôi).
Anh nắm tay tôi rồi nói: “Anh và em sinh ra ở quê nghèo; nếu không có nghị lực chúng ta sẽ chẳng có gì cả”.
Tôi khóc. Anh nói tiếp: “Em biết không, tự tử mang nhiều tội lắm. Tội thứ nhất là bất hiếu. Bố mẹ mang nặng đẻ đau, rau cháo, chịu biết bao nhiêu khổ nhục để nuôi ta khôn lớn. Thân thể của anh và em là do mẹ sinh ra, sao chỉ vì vấp ngã nhỏ mà em tự hủy hoại. Em hãy tưởng tượng đám ma của em xem. Trên bàn thờ khói hương nghi ngút. Dưới bàn thờ mẹ em khóc ngất, bố chết lặng. Họ có tội gì, sao lại bắt những người thân yêu nhất chịu đau đớn như thế?”.
Tôi khóc nấc lên. “Tội thứ hai là bất nghĩa. Bạn bè, người thân, họ sống và thương yêu em. Em làm được gì cho họ? Em trốn chạy thất bại bằng cách tìm đến cái chết?”.
Tôi ngồi dậy, cứ như có thuốc tiên vậy. Tôi khỏe ra, vỡ òa sung sướng, trong lòng như reo lên “trời ơi, tôi vẫn còn sống”.
Anh nắm chặt tay tôi, tiếp: “Tội thứ ba, là bất tín. Bạn bè, thầy cô, xã hội đang chờ em cống hiến, em chết đi, thì phí cơm bố mẹ, phí chữ thầy cô, phí niềm tin mà mọi người đang dành cho em…”…
Hai tiếng đồng hồ, anh ở bên tôi. Đó là hai tiếng đồng hồ thay đổi cuộc đời tôi. Hôm đó anh kéo tôi đến gần, dựa vào vai anh. Trái tim tôi loạn nhịp. Tôi nhớ mãi câu nói cuối cùng của anh trước khi rời bệnh viên: “Tự tử nhiều tội như thế, Diêm Vương cũng không tha đâu nhá..”. Tôi vui sướng vì được sống, đã bật cười!
Ngày anh cưới vợ ở Hà Nội, rồi về làng mở tiệc, tôi buồn lắm. Nhưng anh đã cho tôi sức mạnh, bản lĩnh nên tôi muốn anh thấy điều đó. Tôi đến chia vui với anh. Gặp tôi, anh kéo vợ đến giới thiệu, pha trò: “Con gái làng anh xinh không? Nhưng con trai làng này cũng bản lĩnh lắm nên anh không cạnh tranh nổi, phải đi kiếm vợ cách cả ngàn cây số”.
Giờ anh thành đạt là niềm tự hào không chỉ của ngôi làng bé nhỏ của tôi. Mỗi lần về tết, anh đều đến thăm mọi người. Nghe nói, có tết anh dành toàn bộ tiền thưởng ở cơ quan để mừng tuổi cho người già neo đơn, trẻ em nghèo!
Giờ tôi đang sống ở nước ngoài, ở tuổi 27, bước qua những dại dột khờ khạo của tuổi mới lớn, tôi vẫn thần tượng anh. Tôi hiểu và thấm những gì anh nói. Anh cho tôi điểm tựa, cho tôi thấy sống phải biết sẻ chia, thương yêu mọi người và biết ở bên ai đó lúc họ yếu mềm, tuyệt vọng!