Là một phụ nữ có cá tính sinh ra và lớn lên tại TP.HCM nhưng lại chọn đất Bắc để lập nghiệp, chị Nguyễn Thị Tú Anh (SN 1963) đã thành công bằng con đường khá đặc biệt.
Đặc biệt là bởi công việc mà chị chọn thì thường thấy và hợp hơn cả ở nam giới, nhưng chị đã khắc phục được điểm yếu đó để không kém những đấng mày râu cùng nghề sưu tầm đồ cổ.
Nói xa hơn, những người ham mê đồ cổ trong cả nước không ít nhưng nữ giới đam mê chơi đồ cổ thì có lẽ cũng chỉ là con số đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí, không phải nói để nâng cái tầm, PR cho chị nhưng thật sự khi nhắc đến nữ giới chơi đồ cổ nhiều người cũng phải nể phục.
Trong thời gian ngắn ngủi tiếp xúc, trò chuyện, nhà sưu tầm Nguyễn Thị Tú Anh nở nụ cười thật tươi và chẳng ngại ngần thổ lộ tự nhận mình là người có duyên với cổ vật.
Chính vì thế, ngoài thời gian chăm chút, kinh doanh cửa hàng thủ công mỹ nghệ ở TP.HCM trước đây, hầu như chị đổ toàn tâm sức đi tìm những mảnh vỡ, những món đồ còn lại qua thời gian.
Chị Tú Anh (người mặc áo trắng giơ tay) trong một buổi giao lưu, gặp gỡ những người yêu thích đồ cổ đầu năm 2013
“Nói về thú chơi đồ cổ là một câu chuyện dài nhưng với mình đó cũng là cơ duyên cả. Vì từ nhỏ, mình may mắn ở với bà nội, mà bà thì lại thờ Mẫu, thờ cúng rất nhiều.
Nhưng thời gian những 80 của thế kỷ XX, lúc đó Nhà nước không cho thờ cúng, vì thế mọi người vứt đi nhiều đồ thờ cúng, rồi bà cũng bỏ những đồ đó đi luôn.
Nhìn thấy tiếc, mình giữ lại và sau này nó trở thành những món đồ vô giá của thời gian và văn hóa, lịch sử” – chị Tú Anh chia sẻ.
Cũng theo chị Tú Anh, chính những vật dụng, đồ vật cũ của bà bỏ đi, rồi một số đồ cổ bị vứt đi một cách không thương tiếc của người dùng nên chị đi sưu tầm, tìm cách giữ lại những thứ đó cho riêng mình. Tiến đến, chị dày công tìm hiểu lịch sử và văn hóa, rồi trở nên đam mê những món đồ cổ xưa từ lúc nào không hay.
Những chú nghê trong bộ sưu tập "thập toàn đại bổ" của nhà sưu tầm Nguyễn Thị Tú Anh
“Nói cho đúng vào khoảng những năm 1985, khi đất nước mở cửa, khách nước ngoài cũng đến Việt Nam nhiều, rồi mình cũng đi đến các đền, đình, chùa để thăm quan, tìm hiểu. Lúc đó, dân mình bỏ nhiều đồ cũ để thay đồ mới cho đẹp, cái ai nghĩ gì đâu…” – chị Tú Anh cho biết thêm.
Hơn chục năm trước, tình cờ đến thăm một ngôi chùa ở Hưng Yên, chị phát hiện ra ba chú nghê sứt mẻ nằm lẫn trong đống gạch đổ nát. Thế là chị moi ra, xin mua lại và bắt đầu đi khắp nơi tìm kiếm những con nghê cổ.
“Kiếm con nghê cực khó vì nó quá hiếm, lâu lâu mới tìm được một con. Sau bao năm tìm kiếm đến giờ, mơ ước bấy lâu của mình là sở hữu 100 con nghê đã thành hiện thực.
Nó là tài sản vô giá của mình mà không phải ai cũng có được, trong đó, giá trị nhất là những chú nghê có từ thời Trần, Lê” – chị Tú Anh cho hay.
“Với mình, chọn chơi đồ cổ rất khó, thường xuyên phải đi, nhất là phải qua đêm chọn đồ, cái đó khó hơn với người đàn ông. Nhưng chơi cái này rất dễ bị “nghiện” vì nó có sức hút khó mà tả được. Theo mình nghĩ, có lẽ đồ cổ là thú chơi khó nhất.
Thứ nhất mình phải là người kinh tế, thứ hai phải có thời gian, thứ ba học nghề, thứ tư tạo cho mình những mối quan hệ và gây dựng quan hệ. Bởi có quan hệ tốt, việc giao lưu, làm ăn mới thuận lợi và không bị lừa vì đồ giả bây giờ cũng nhiều lắm” – chị Tú Anh nói.
Đồ gốm Lý, Trần thế kỷ XI- XIV (ảnh Nguyễn Thu)
Sau gần 20 năm đi khắp nơi “nhặt nhạnh”, giới trong nghề vẫn gọi vui chị Tú Anh là “người phụ nữ thập toàn đại bổ” khi chị đang sở hữu hơn 40 bộ sưu tập (nghê, tễu, chó đá, tranh dân gian, đồ thờ, sách cổ, đồ đồng, đồ đá… ) với gần 10.000 cổ vật thuộc nhiều thời kỳ. Đó là tài sản vô giá không phải ai cũng có được.
“Sắp tới tôi sẽ tiếp tục đi khắp nơi sưu tầm để bổ sung vào bộ sưu tập đổ cổ của gia đình. Vì mình vừa chơi, nhưng nó lại vừa lưu giữ và cũng để hoài niệm về những giá trị nghệ thuật xưa cũ mà nay không còn nhiều nữa” – chị Tú Anh nói.