Lo lắng vì trót cho con ăn quá nhiều thạch
Nhiều bà mẹ, ông bố đang đứng ngồi không yên khi đã trót cho con ăn quá nhiều thạch. Đáng tiếc, trong khi báo chí thông tin rầm rộ về vụ sử dụng hoá chất độc hại để làm thạch thì nhiều người vẫn không hay biết nên vẫn cho con ăn thạch Taro như bình thường.Ghi nhận tại một số quầy tạp hóa nhỏ, lẻ ở các chợ trên phố Hàng Giầy, Hàng Buồm (Hà Nội) vẫn còn nhiều sản phẩm thạch khoai môn mang nhãn hiệu Taro chưa bị thu hồi. Tuy nhiên, so với mấy ngày trước, người tiêu dùng đã cảnh giác hơn và thị trường tiêu thụ cũng chậm hơn so với trước đó.
Không nên ăn quá 1 gam thạch/ngày
Nghiên cứu mới đây của Phó Giáo sư Liu Chunhong, Đại học Nông nghiệp Hoa Nam (Trung Quốc) cho thấy: Không chỉ thạch mà nhiều loại mì tôm dạng gói và bột ngũ cốc, túi nước sốt, túi gia vị… cũng chứa DEHP vượt mức cho phép (cao trên 50%). Ngoài DEHP thì hiện nay chất dẻo DBP và DINP cũng là hoá chất độc hại có nhiều trong bao bì đóng gói sản phẩm. DBP khi tồn tại trong cơ thể gây dậy thì sớm ở bé gái, gây lệch lạc giới tính nam, dị dạng và teo nhỏ cơ quan sinh dục.
Ngay cả khi thạch chưa phát hiện chất tạo đục, các bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng cũng đã cảnh báo cha mẹ không nên cho con ăn quá nhiều thạch. TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng khuyến cáo:
Thạch hoa quả vốn không được làm từ quả tươi nguyên chất. Thành phần chủ yếu để làm thạch là carrageenan- một loại polymer sinh học được tách chiết từ cây rong sụn và một số loại rong khác, có những lợi ích nhất định đối với chức năng ruột, nhưng ăn quá nhiều sẽ khiến cơ thể khó hấp thu chất khoáng và nước của cơ thể.
"Do đó, thay vì cho các con ăn thạch, cha mẹ nên cho con ăn nhiều trái cây hơn vì mức độ dinh dưỡng của trái cây bao giờ cũng gấp nhiều lần thạch hoa quả" - bà Lâm khẳng định.
Cẩm Nhung
Tổng hợp theo Dân Việt