"Ăn mày dĩ vãng": Mốt mới của người đương thời

daquynh |

Với nhiều người dù là già hay trẻ, những gì là của "ngày xưa" bao giờ cũng đẹp và trong trẻo hơn ngày nay.

Mỗi khi không vừa lòng với bất cứ điều gì của hiện tại nhiều người lại tặc lưỡi hỏi: “Bao giờ cho đến ngày xưa?” với một vẻ đầy nuối tiếc dẫu biết đó là điều không thể bởi không ai trong bất kỳ chúng ta có thể quay ngược thời gian. Những gì đã tuột khỏi tầm tay luôn là thứ đẹp đẽ và quý giá hơn cả vì vậy “níu giữ thời gian, níu giữ quá khứ” dường như đang trở thành mốt của những “người đương thời” - những người tự nguyện biến mình thành kẻ "ăn mày dĩ vãng".

Trên các trang mạng xã hội, nhiều bạn trẻ hàng ngày vẫn chia sẻ cho nhau những tấm hình của một thơ ấu xa xôi. Những trò chơi của một thời không mạng internet, không rạp chiếu phim 3D ùa về trong mỗi người cùng nỗi nuối tiếc, cùng ao ước cháy lòng về những ngày đã xa.

an-may-di-vang-mot-moi-cua-nguoi-duong-thoi
Trò chơi của một thời thơ bé và của trẻ con "ngày xửa ngày xưa".

Cách đây một tuần, một quán ăn gợi nhớ về thời bao cấp của đất nước được khai trương trên đường Nam Tràng (quận Ba Đình, Hà Nội). Ngay lập tức đài báo thi nhau đưa tin về quán ăn đặc biệt này. Khách hàng kéo đến nườm nượp bởi khi ngồi ăn ở đây, một phần ước vọng “bao giờ cho đến ngày xưa” được trở thành hiện thực. Từ chiếc xe đạp cũ kỹ treo ngay trước cửa quán đến chiếc quạt tai voi, những tấm tem phiếu nhuốm màu thời gian đều đưa người ta trở về thời kỳ gian khổ nhưng chan chứa tình người khi đất nước vừa mới đi qua chiến tranh.

an-may-di-vang-mot-moi-cua-nguoi-duong-thoi
Cửa hàng ăn uống thời bao cấp giữa phố phường Hà Nội tấp nập.

Nếu đặt hai bức vẽ về xã hội chúng ta đang sống với nơi mà bấy lâu nay mọi người muốn trở về sẽ thấy hiện lên hai mảng màu đối lập. Xã hội của quá khứ được vẽ nên bởi những nét vẽ đơn giản, những mảng màu dung dị, còn ngày nay có quá nhiều gam màu khiến người ta chói mắt.

Chiếc xe đạp thống nhất hay chiếc đài cassette là cả một tài sản lớn với những ai sống trong thời kỳ bao cấp, siêu xe ngày ấy đơn giản chỉ là chiếc Honda Super Cub. Ngày xưa, mọi người xếp hàng dài để có vài ba kg gạo, vài ba lạng thịt và tuyệt nhiên không có những tiệm đồ ăn nhanh cửa kính sáng choang như bây giờ. Trẻ con thì ăn kẹo "cởi chuồng", tước lá chuối kết thành đồng hồ và vẫn hay túm năm tụm ba dưới sân khu tập thể hay trên đường làng chơi ô ăn quan, chơi nhảy dây... Có những tối cả khu tập thể ngồi quây quần bên chiếc máy chiếu phim đen trắng, rồi có khi một băng nhạc cassette được truyền tay từ người này qua người khác...Với nhiều người, đời sống văn hóa văn nghệ thời đó vô cùng chân chất không hề có những scadal dậy sóng, những trò lố lăng như bây giờ.

Êm đềm, giản dị, chân thành, ấm áp và tuyệt nhiên mọi thứ từ thịt, gạo, tình cảm không bao giờ mua được bằng tiền... ấy chính là những nét vẽ phác họa về xã hội thời bao cấp trong niềm nhớ nhung, ao ước của những người hoài cổ.

Còn xã hội chúng ta đang sống có quá nhiều biến động, tin tức về những vụ giết người cướp của, những vụ xâm hại tình dục xuất hiện tràn lan trên các mặt báo. Đi ngoài đường không ngạt thở vì hít bụi thì cũng bị tiếng còi xe làm cho đinh tai nhức óc. Gạo giả, trứng giả, thịt lợn có giòi tràn lan từ quán ăn bình dân cho tới cửa hiệu sang trọng. Thật giả lẫn lộn, kẻ có tiền cũng không dám nói mình khôn.... Cuộc lột xác đau đớn để tiến tới một xã hội công nghiệp với nhiều giá trị mới đã khiến chúng ta phải trả giá quá nhiều.

Không phải chỉ có bây giờ người Việt mới khao khát sống với quá khứ nhiều như vậy. Mỗi khi xã hội trở mình, những giá trị tốt đẹp bị thay thế bởi những điều “chướng tai gai mắt”, ai ai cũng hướng về quá vãng xa xôi để thấy mình được sống giữa những điều tốt đẹp. Gần chục thập kỷ trước, nhà văn Nguyễn Tuân cũng đã từng mải mê tìm lại vẻ đẹp “vang bóng một thời” trong những trang văn trác tuyệt hay như Thế Lữ tự biến mình thành con hổ trong cũi sắt và gặm nhấm nỗi “nhớ rừng” khi họ cảm thấy ngạt thở với xã hội thực dân phong kiến "chó đểu".
Nhưng có phải quá khứ luôn khiến con người hạnh phúc, luôn chỉ cho ta con đường đi đúng đắn tới tương lai? Giữa những người luôn ôm ấp trong mình hoài niệm về thời bao cấp đã xa thì cũng có người coi đó là "một thời để quên". Trân trọng quá khứ, trân trọng những giá trị tốt đẹp mà nhiều thế hệ đã dày công vun xới là một điều đáng quý nhưng khi cả xả hội đang trên đường tới tương lai lại chỉ quay lưng nhìn về phía sau mà quên đi những trách nhiệm công dân đương thời thì đó là một điều đáng trách.
Không ai muốn thế hệ mai hậu phải lắc đầu khi chúng ta trở thành quá khứ của ngày mai. Vì thế hãy cứ là một kẻ "ăn mày dĩ vãng" nếu điều đó khiến ta thấy bình yên nhưng đừng quên trách nhiệm với cuộc sống đang hối hả ngoài kia!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại