Ám ảnh những cái chết bất đắc kỳ tử

Chỉ đầu năm đến nay, làng nổi Minh Hà, nơi có vài chục ngôi nhà thuộc xã Quảng Minh (Quảng Trạch, Quảng Bình) liên tục chứng kiến gần hai chục cái chết bất ngờ của con em mình.

Minh Hà là một trong 4 thôn trên một cồn nổi giữa dòng Gianh. Bí thư chi bộ thôn Nguyễn Trung Thành, toát mồ hôi hột khi chúng tôi nhờ ông thống kê những người trong làng qua đời từ đầu năm đến nay. “Nhiều quá, nhớ không hết, có chi chiều mấy chú quay lại nhé” - ông Thành trì hoãn vì ông cứ lẫn lộn từ người này sang người khác.

Ảm đạm một ngôi làng

Dạo một vòng quanh ngôi làng nhỏ này mới thấy hết cảnh hiu quạnh, tang tóc và ánh mắt lảng tránh khi hỏi về những cái chết trong làng gần đây.

Ông Nguyễn Thái Mãn, trưởng thôn Minh Hà, đầu quấn khăn tang con trai mới chết chưa đầy tháng buồn rầu nói: “Không biết răng mà từ đầu năm đến nay làng chết nhiều quá, toàn chết trẻ mà chết bất đắc kỳ tử mới sợ chứ. Mới đây nhất là con trai tui với một đứa cháu cạnh nhà đi chơi, bị tai nạn giao thông chết ngay tại chỗ. Chúng mới 20 tuổi. Hôm đưa hai đứa ra nghĩa địa mới thương. Làng không đủ người để khiêng cùng lúc, nên phải lần lượt đưa đứa ni trước, chôn xong, mới quay về đưa đứa còn lại”.

chết trẻ, bất đắc kỳ tử, Quảng Minh, ngôi làng, Bố Trạch

Ông Mãn, trưởng thôn Minh Hà nói, làng có đến hơn 90% hộ nghèo.

Ông Mãn cho biết, làng Minh Hà xưa nay nghèo lắm, nếu tính đúng thì phải trên 90% hộ nghèo. Nhưng vì trên “ép” bình bầu hộ nghèo theo chỉ tiêu cố định nên chính quyền thôn và dân đành cắn răng thống nhất với nhau, hộ nào có người đau ốm, con cái phải nộp tiền học hành thì được bầu hộ nghèo để họ được hưởng những chế độ ưu đãi của nhà nước.

“Chú coi, đất đai thì không có để sản xuất. Dân lại không có vốn nên không sắm được tàu thuyền đi biển như những làng khác. Người làng chỉ biết bám vào khúc sông quanh làng mà mưu sinh, hoặc phiêu bạt đi làm thuê làm mướn để sống qua ngày” - ông Mãn nói.

Cầm bảng thống kê số người chết trong thôn của ông Nguyễn Trung Thành đưa cho khiến chúng tôi không khỏi giật mình. Từ đầu năm đến nay, làng Minh Hà có 17 người chết, chỉ có 2 trường hợp chết trên 60 tuổi, số còn lại chủ yếu từ 20 tuổi đến 50 tuổi.

Đa số họ đều chết trong những trường hợp bất ngờ: tai nạn sông biển, giao thông, hoặc tự dưng lăn đùng ra chết không kịp đưa đi bệnh viện. Làng chỉ có 70 nóc nhà, nhưng bình quân cứ mỗi tháng làng chết gần 2 người. Đặc biệt, có nhà bà Nguyễn Thị Quế (75 tuổi), 6 tháng đầu năm, chết 7 người thân.

“Không chỉ người dân, mà lãnh đạo thôn như chúng tôi cũng hoang mang lắm. Đây là hiện tượng bất thường, chứ ngày trước họa hoằn lắm vài ba năm, thậm chí cả chục năm mới có một người chết. Nhưng nay thì chết liên tục, giờ ai cũng sợ, đêm không dám ra đường” - ông Thành nói.

Họa vô đơn chí

Nhà bà Nguyễn Thị Quế nằm ngay cạnh nhà ông Thành bí thư chi bộ. Ngôi nhà cấp bốn, cũ nát xiêu vẹo, trống hoác. Trong chiếc tủ kính để đầy di ảnh của những người đã khuất. Gọi mãi không thấy ai thưa, chúng tôi vào nhà, bà Quế nằm trên chiếc giường ọp ẹp quay mặt vào tường. Vợ ông Thành đi tới vỗ vào người, bà mới choàng dậy hỏi “ai rứa?”.

chết trẻ, bất đắc kỳ tử, Quảng Minh, ngôi làng, Bố Trạch

Bà Quế xót xa nhìn một loạt di ảnh của người thân trong chiếc tủ kính.

Bà Quế cho biết, vì quá nhiều biến cố đau khổ, giờ tai nặng, mắt mờ nên không biết có khách đến. Không biết chữ, đã gần đất xa trời. Những nơi xa nhất mà bà Quế đến, đó là lên chợ ở trung tâm xã. Khi hỏi về gia cảnh, bà Quế ngồi lặng người, hai hàng nước mắt lăn dài trên hai gò má nhăn nheo.

Chị Thảo vợ bí thư Thành nói: “Trên đời ni e không còn ai khổ như mệ Quế chú à. Chỉ trong vòng 3 năm nhà mệ có đến 9 người chết. Riêng 6 tháng đầu năm nay con cháu nhà mệ dồn dập ra đi đến 7 người. Tội lắm chú ơi, nhớ con, nhớ cháu, cứ đêm hôm khuya khoắt là mệ lại khóc rống gọi người thân, nghe mà não ruột lắm”.

Trong tiếng nấc nghẹn, mệ Quế kể: Tai họa giáng xuống gia đình mệ cách đây 3 năm khi người con dâu cả Nguyễn Thị Chí, vợ của anh Nguyễn Văn An đột ngột ra đi không rõ lí do, để lại 4 đứa con. Rạng sáng hôm ấy, như thường lệ anh An đi đánh cá ven sông về không thấy chị ra đón.

chết trẻ, bất đắc kỳ tử, Quảng Minh, ngôi làng, Bố Trạch

Ngôi nhà xiêu vẹo của bà Quế giờ chỉ còn ba bà cháu nương tựa vào nhau.

Anh An gọi chị từ ngoài cửa cũng không thấy thưa. Mệ Quế đang ngủ, lồm cồm dậy, đi lại giường con dâu lay gọi, thì chết lặng vì người chị Chí đã cứng đơ, lạnh toát. Con dâu chết chưa hết tang thì đến chồng mệ Quế là ông Nguyễn Văn Nghệ cũng lặng lẽ ra đi trong một đêm đông lạnh giá mà không trăng trối được lời nào với con cháu.

Nhưng nỗi đau không dừng lại ở đó. Đầu năm nay, hai người em chồng là Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Văn Hiệp, rồi đến anh Nguyễn Văn An, con cả bà Quế lần lượt chết đột tử, báo hiệu cho một chuỗi tang tóc trong gia đình bà Quế và ngôi làng nhỏ Minh Hà. Bà Quế nghẹn ngào kể: Chiều mồng 6 Tết, anh An, đi bốc cát thuê về, thấy bà Quế dọn ra chỉ một ít cơm với nước mắm, anh An nhường cho mẹ rồi pha mì tôm ăn.

Bỗng dưng anh An nhìn mẹ chằm chằm trong hai hàng nước mắt giàn giụa nói: “E con chết thôi mạ ạ! Con mà chết thì mạ khổ lắm, biết nương tựa vào ai đây?!”. Nghe con nói vậy, nghĩ về những cái chết dồn dập trong gia đình khiến bà Quế thấy lạnh sống lưng nhưng vẫn cố gạt đi: “Chết răng được mà chết, đừng ăn nói bậy bạ”.

Đến nửa đêm, anh An gọi mọi người dậy, kêu tức ngực, toàn thân toát mồ hôi. Anh cầm tay người con cả Nguyễn Văn Quang (23 tuổi) nói: “Cha chết rồi, con phải thay mặt cha nuôi mệ, nuôi ba đứa em, phải cố gắng cho thằng út đi học, đừng bắt em bỏ học mà tội”. Nói xong anh An rống lên một tiếng, ngã vật ra giường tắt thở.

Đúng 49 ngày của anh An, anh Nguyễn Văn Sự (49 tuổi), người con thứ của mệ Quế cũng lăn đùng ra chết mà không kịp đưa đi bệnh viện. Anh Sự đi đơm đó cả đêm ngoài bờ sông, được ít cá mang vào để vợ đi bán chợ sáng. Xin vợ được 2.000 đồng, anh ghé vào cái quán nhỏ đầu làng mua cốc rượu uống. Khi chưa kịp về đến nhà thì anh ngã lăn ra đường chết.

Nhưng số phận nghiệt ngã vẫn không dừng lại ở đó, anh Nguyễn Văn Lý (45 tuổi) người con út của bà Quế cũng ra đi đột ngột, đúng vào ngày thứ 49 của anh Sự. Tang tóc bao trùm lên gia đình bà Quế. Vì quá sợ hãi trước những cái chết bất ngờ, hai người con dâu của bà Quế phải bỏ làng chạy về nương tựa nhà ngoại ở xã bên.

Chồng con lần lượt ra đi hết, ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo giờ chỉ còn lại bà Quế và 4 đứa cháu nội, là con của anh An nương tựa vào nhau. Những tưởng số phận nghiệt ngã đến thế là cùng, nhưng rồi nỗi đau cứ bám riết lấy bà Quế không tha.

Nguyễn Văn Quang, người con cả của anh An, trong một chuyến đi biển đánh cá thuê, bị chìm tàu chết mất xác. Mới đây là Nguyễn Văn Tùng, em kế của Quang, đi làm phụ hồ ở xã bên, trên đường về nhà, do đêm tối, gặp tai nạn giao thông, chết khi chưa kịp đưa đi cấp cứu.

Chỉ chưa đầy nửa năm, ông trời cướp mất của bà Quế 7 người thân, khiến gia đình trở nên kiệt quệ. Kể từ sau đám tang của anh An, những đám tang còn lại đều do bà con làng xóm góp tiền lo ma chay cho bà Quế. Giờ chỉ còn lại ba bà cháu trong ngôi nhà trống hoác lạnh lẽo đến rợn người. Nguyễn Văn Bình mới 19 tuổi đầu đã trở thành trụ cột gia đình, suốt ngày chui rúc trong rừng để kiếm cơm nuôi bà và em út Nguyễn Văn Luận đang học lớp 9…

Bỗng dưng anh An nhìn mẹ chằm chằm trong hai hàng nước mắt giàn giụa nói: “E con chết thôi mạ ạ! Con mà chết thì mạ khổ lắm, biết nương tựa vào ai đây?!” Nghe con nói vậy, nghĩ về những cái chết dồn dập trong gia đình khiến bà Quế thấy lạnh sống lưng nhưng vẫn cố gạt đi: “Chết răng được mà chết, đừng ăn nói bậy bạ”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại