Các sân bay bị đóng cửa, các chuyến bay và tàu lửa bị hoãn, đường cao tốc bị nghẽn. Do đó, các dịch vụ xử lý tình trạng khẩn cấp đang vận động hết công suất để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt của người dân trở lại bình thường.
Tại Ý, bão tuyết rất mạnh đã khiến phà Sharden va vào đê chắn sóng ít lâu sau khi rời cảng Civitavecchia ở gần thủ đô Rome. 252 hành khách đã vô cùng lo sợ trước thảm kịch tàu du lịch tháng trước ở khu vực này có thể lặp lại.
Hiện tượng tuyết rơi nặng nhất ở Rome trong 27 năm qua đang khiến thủ đô nước này gần như tê liệt do taxi và xe buýt không thể thấy đường di chuyển. Một phần của Venice cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Đến nay, bảy người ở Ý đã thiệt mạng vì tuyết.
Rome (Ý) bị tuyết bao phủ - Ảnh: AFP
Tuyết rơi từ chiều 3-2 đến rạng sáng 4-2 tạo thành lớp tuyết dày trên 40cm đã gây gián đoạn giao thông tại thủ đô Rome. Các trường học, cơ quan nhà nước, các điểm du lịch nổi tiếng phải đóng cửa kể từ trưa 3-2; tàu hỏa, xe điện, xe buýt bị đình trệ, việc đi lại của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Những người vô gia cư ở Ba Lan tại một điểm sưởi ấm dưới lòng đất ở thủ đô Warsaw ngày 2-2-2012 - Ảnh: AFP
Ở Ba Lan, có ít nhất 45 người thiệt mạng khi nhiệt độ âm 27 độ C ở vùng đông bắc.
Ở Romania, người ta vừa tìm thấy thêm bốn nạn nhân, nâng tổng người chết lên 28 người.
Cơn giá lạnh cũng đang lấy đi sinh mạng người dân ở Bosnia, Latvia, Lithuania, Estonia, Bulgaria, CH Czech, Slovakia, Pháp, Áo và Hi Lạp.
Ở Serbia, một người đàn ông đã thiệt mạng ở thành phố miền nam Lebane khi chính quyền của 28 khu vực chủ yếu ở vùng núi phía nam và tây nam tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Khoảng 60.000 hộ dân bị cô lập vì tuyết.
Ở Montenegro, một người bị chết cóng, nhiều làng mạc ở các khu vực phía bắc bị cô lập. Đội cứu hộ đã sơ tán thành công 120 người, trong đó có 31 học sinh từ quốc gia láng giềng Albania đang đi thực tập.
Cơn bão tuyết cũng đã làm một số sân bay ở Đông và Trung Âu đóng cửa.
Tại Anh, sân bay Heathrow ở London, một trong những sân bay đông nhất thế giới, đã phải hoãn 30% chuyến bay vì sương mù và tuyết. Sân bay Amsterdam-Schiphol ở Hà Lan cũng có hàng chục chuyến bay bị hoãn và hủy.
Ở Pháp, tuyết đã rơi từ Lille ở phía bắc tới Marseille ở phía nam, nhưng phía tây và thủ đô Paris không rơi vào tình trạng này.
Các chuyên gia khí tượng cho rằng thách thức hiện nay với nhiều người là đợt lạnh đang diễn ra quá lâu.
Một người lái xe điện ở Sarajevo (Bosnia) phải dọn lớp tuyết hơn 1m ngày 4-2-2012. Tuyết và lạnh giá trong 36 giờ qua đã khiến Bosnia tê liệt - Ảnh: AFP
Trong khi dân châu Âu phải ở trong nhà để trốn giá rét, Công ty dầu khí Nga Gazprom cho biết họ không thể đáp ứng hết nhu cầu năng lượng của châu Âu.
Trước đó một ngày, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), cho biết các nước Áo, Bulgaria, Đức, Hi Lạp, Hungary, Ý, Ba Lan, Romania và Slovakia đều thông báo tình trạng sụt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga.
Theo Hạnh Nguyên
Tuổi Trẻ