Á quân Olympia: Đừng ăn vạ như Chí Phèo, hãy như bà Tổng thống!

Đỗ Hồng Nhung |

Lương thiện tự mình, đừng đòi hỏi đời để thành kẻ rạch mặt ăn vạ như Chí Phèo. Hãy làm cho thế giới đẹp hơn như bà Tổng thống Tarja Halonen, 1 trong 10 người Phần Lan vĩ đại nhất.

“Đời” đã làm gì những đứa trẻ?

Trẻ con xứ ta đứa nào cũng hồn nhiên trong trắng, mà lớn lên thì không ít trôi theo cái chữ “đời” đang bị nói một cách trần trụi và đầy mỉa mai như bây giờ. Vậy đời là gì thế?

Câu nói đùa đầy tính đổ thừa “Tại dòng đời xô đẩy…” nghe ra đã quen thuộc. Ranh giới giữa một đứa trẻ đến một người lớn phải bước qua ngưỡng “đời”. Để rồi nó thành cái gì cũng đều do "đời" cả.

Vậy đời là gì mà nhiều người luôn tự hào khi được khen “quá hiểu đời, nếm đủ mùi đời”? Mấy cậu trai mới lớn thì thách nhau khám phá “mùi đời”, nhưng lại ngại ngần chẳng dám yêu, càng không muốn cưới cô gái nào có vẻ “trải đời”.

Cha mẹ la rầy nếu con không nghe thì đe “Chỉ có trong gia đình mới dạy bằng lời nói, sau này đời sẽ dạy con bằng cay đắng, tủi nhục thôi”. Mấy tay anh chị giang hồ thì chẳng biết bị đời hại kiểu gì mà rất thích xăm chữ “hận đời đen bạc”.

"Đời" thật là ghê gớm, thật là đáng sợ đến thế sao? Cứ vậy thì bao điều tốt đẹp ta hướng tới ở đâu, mà cứ sểnh ra cái lại đổ cho "đời"?

Á quân Olympia mùa thứ 2 Đỗ Hồng Nhung

"Đời" dường như đồng nghĩa với trải nghiệm, thường là những bài học chua chát, đau đớn, đắng cay; những kinh nghiệm “trầy vi tróc vẩy”… để qua đó người ta khôn ngoan hơn, khéo léo hơn, ứng phó giỏi hơn. Mọi người đang quan niệm thế.

Trong bối cảnh “thập diện mai phục” nguy cơ ở Việt Nam, trải đời nghĩa là biết “chạy” nhanh chạy đúng, lúng túng thì biết luồn, muốn trơn thì phải bôi, biết ngọt nhạt lấy lòng cấp dưới, bợ đỡ cấp trên…

Cái “khôn” ở ta đã rơi rớt mất phần “ngoan” và pha nhiều chất “gian”, khôn lỏi, khôn vặt thì dễ được việc. Nhiều người giỏi cả kiến thức lẫn kĩ năng làm việc nhưng không “khôn” được như thế, mãi chẳng chịu “hiểu đời” kiểu ấy thì cũng khó mà thành công.

Ai còn ngay thẳng, không chịu xuôi theo thời thế thì sẽ bị đời dạy bằng roi vọt, quăng quật đến tả tơi. Họ, nhẹ thì bị mỉa mai là tâm thần; nặng thì bị tẩy chay, trù dập, bức hại để loại ra khỏi cộng đồng của những kẻ khôn lanh.

Chị tiểu thương nào còn nghĩ đến sức khỏe khách hàng, chọn hàng sạch thì sớm muộn gì cũng phá sản vì không đua giá rẻ nổi với các đối thủ.

Khi không ai phun thuốc trừ sâu thì chẳng sao, nhưng nhà nhà người người phun mà anh không phun thì sâu bọ cả vùng sẽ bu vào luống rau nhà anh.

Tôi có người bạn trồng rau trên đất nhà, chịu không nổi cuối cùng cũng phải phun thuốc. Người ta khuyến cáo sau khi xịt thuốc 7 ngày mới được thu hoạch, bạn tôi đợi hẳn 10 ngày cho an toàn.

Kết quả: thương lái chê ỏng chê eo vì rau xấu quá, không bóng mượt tươi xanh như rau nhà người ta. Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt là vậy đó, tội gì mà không lập lờ lươn lẹo lẹ lên lương.


Điều gì đang chờ đợi những đứa trẻ ở phía trước? Tranh của họa sĩ Nop

Điều gì đang chờ đợi những đứa trẻ ở phía trước? Tranh của họa sĩ Nop

“Đời” đã làm gì những người tốt?

Làm người tốt khó lắm, muốn cũng đâu dễ mà làm được. Thời nay ra đường gặp đủ ngang trái, nhưng còn có ai dám ra tay nghĩa hiệp như chàng Lục Vân Tiên ngày xưa.

Đưa người gặp nạn đi cấp cứu thì bị đối xử chẳng khác nào kẻ gây tai nạn, nếu nạn nhân mà gật đầu xác nhận nữa thì thôi xong, khổ không biết để đâu cho hết.

May mắn không bị buộc tội thì cũng ăn gạch đá với bao nhiêu “chuyên gia” nhảy vào dạy dỗ là nâng đỡ không đúng cách sẽ làm nguy hiểm cho nạn nhân hơn vân vân và vân vân.

Không phải bây giờ lối sống vô cảm, thủ thân mới lên ngôi. Tuyến bài “Cái chết của Lục Vân Tiên” trên một tờ báo cũng đánh động nhân tâm sâu sắc. Rồi từ khi nghị luận xã hội có mặt trong đề thi Ngữ Văn, chưa bao giờ đề bài về “sự vô cảm” giảm bớt nhiệt.

Nhưng có vẻ như cái ác ngày càng bành trướng, lương tâm không bằng lương tháng, ai cũng chọn ngậm miệng bỏ qua cho yên ổn thân mình.

Có lần tôi chứng kiến một bà cụ bị giật vé số trên đường Võ Văn Tần, Sài Gòn. Cụ đã trên 70 tuổi, đi bước thấp bước cao, có lẽ do di chứng của một lần tai biến. Một gã trai tráng ngồi xe máy chạy vút qua, giật phắt xấp vé số còn dày của cụ.

Bà lão đáng thương mếu máo không thành lời, cố gắng bước nhanh theo phản xạ, nhưng làm sao mà đuổi kịp thằng khốn nạn kia.

Mấy chị bán thuốc lá gần đó mời bà ly trà đá, rồi hỏi mua vé số, nhưng bà khóc không thành tiếng, “Nó giật của bà hết rồi, còn đâu mà mua…” Tôi và mọi người ở đó chết lặng.

Thật cay đắng và bất lực trước cái ác. Nếu được thần đèn cho một điều ước, thì lúc ấy tôi chỉ ước có Lục Vân Tiên chạy theo bắt thằng cướp cạn đó, nện cho nó một trận nhớ đời, rồi trả lại xấp vé số cho bà cụ.

Nhưng dĩ nhiên thần đèn không có, chẳng ai dám đuổi theo thằng ăn cướp giữa đường sá hiểm nguy. Người ta nói thế gian này chỉ có hai chàng Lục Vân Tiên, một đã chết và một chưa sinh ra nên đời mới lắm nhiễu nhương như vậy.

Chúng tôi chỉ biết góp chút tiền cho bà lão tội nghiệp, chứ không thể thực thi công lý như nhân vật anh hùng của cụ Đồ Chiểu. Chúng tôi ray rứt rồi buông tiếng thở dài: “C’est la vie” – Đời là thế! (lại đổ thừa cho đời nữa rồi).


Từ một nam sinh ngây thơ trong sáng trở thành kẻ giết bạn tình đồng tính, là do sau nhiều năm bị ngược đãi, chứ đâu phải do đời? Ảnh: Người lao động

Từ một nam sinh ngây thơ trong sáng trở thành kẻ giết bạn tình đồng tính, là do sau nhiều năm bị ngược đãi, chứ đâu phải do đời? Ảnh: Người lao động

“Đời” đã làm gì niềm tin của người Việt?

Đại văn hào Shakespeare để lại châm ngôn sống nổi tiếng “Yêu mọi người, tin vài người và đừng xúc phạm đến ai”. Phiên bản Việt 2016 chắc phải sửa thành “Yêu vài người, tin mấy trang hứa tặng quà khủng và xúc phạm người khác thoải mái nếu họ không biết ta là ai”.

Bạn không tin ư? Chẳng phải người ta chỉ vun vén cho gia đình mình, mặc kệ xung quanh nhiễm độc, ung thư sao?

Chẳng phải ai cũng khuyên nhau là đừng tin kẻ khác, thậm chí anh em ruột, vợ chồng, cha mẹ con cái cũng chẳng nên tin 100% hay sao?

Lòng tin thời buổi này hiếm hơn kim cương, người thân quen còn hoài nghi, vậy mà ai cũng hào phóng rải like, rồi share, rồi bình luận trên những trang Facebook vớ vẩn chỉ vì lời hứa trúng thưởng điện thoại, xe hơi hào nhoáng.

Thậm chí khi có người khuyên can, họ còn biện bạch: Cứ cho là nó lừa đảo thôi, nhưng tôi cũng đâu có mất gì ngoài mấy cái tương tác ảo. Không mất gì thì tin được ư? Không mất gì thì cứ thoải mái tiếp tay cho kẻ xấu ư?

Từ bao giờ mà tiêu chí hành động của con người từ “làm điều tốt” đã hạ xuống còn “làm điều không gây hại cho mình”?

Không còn làm điều tốt nên có lẽ con người dễ “ngứa mắt” khi thấy ai ra tay nghĩa hiệp. Họ nghi ngờ, chê cười, chửi bới, làm ầm ĩ để che đậy nỗi xấu hổ sâu thẳm trong mình.

Ngoài đời thực thì những chê cười ấy còn dè dặt vì họ còn sợ bị người quen bắt gặp và đánh giá, còn trong thế giới ảo thì những lời chửi bới không còn giới hạn nào nữa.

Thấy một anh chủ salon tóc giúp bà cụ bán rong làm đẹp miễn phí thì bay vào chê kiểu ấy là thảm họa thời trang, thật không hợp với nghề nghiệp và tuổi tác của bà, rồi kết như đinh đóng cột là chiêu này PR khéo lắm, chứ chẳng phải từ tâm từ thiện gì đâu.

Ông Tango Hirosuke, doanh nhân người Nhật, thà mất tiền tỷ chứ không chi sai một đồng. Vị doanh nhân này đã quyết làm đúng, bảo vệ cái đúng ở nơi mà người ta cần sự khôn khéo, "hiểu đời" để được việc. Nguồn: Dân Việt

Ở khu công nghiệp Tân Đức (Long An) gần đây nổi bật hình ảnh ông Tango Hirosuke, Giám đốc Công ty Tango Candy. Ông lão 77 tuổi người Nhật dù bị gây khó dễ đủ kiểu vẫn khẳng khái: “Thà mất tiền tỉ, không chi sai một đồng”.

Người Việt “khôn ngoan” chắc sẽ cho rằng ông chủ này thật gàn dở, kinh doanh là để kiếm lời, phương án nào lợi cao nhất, hoặc thiệt hại thấp nhất, thì ta cứ làm.

77 tuổi, tất nhiên ông Tango đã lăn lộn thương trường và dày dặn kinh nghiệm, nhưng “trải đời” kiểu Nhật hẳn khác kiểu Việt, nên lão ông ấy vẫn còn trọn vẹn niềm tin ở công lý và quyết không thỏa hiệp với cái xấu.

Người Việt vẫn thường ngưỡng mộ nhân cách người Nhật, nhưng học theo thì khó thay. “Tin ở hoa hồng” chỉ là tên một vở kịch hay.

Muốn tin ở điều tốt đẹp thì con người từ nhỏ phải được cuộc sống chung quanh chứng minh như thế.

Khi học sinh Việt từ tiểu học đã bị bắt học thuộc bài mẫu để đạt điểm cao, đã thấy quây cóp không bị phạt mà chỉ toàn lợi thì làm sao còn niềm tin ở lòng chính trực?

Ở nhà được cấp dưới của ba mẹ lì xì tiền triệu, đi học được giáo viên ưu ái vì nể phụ huynh, thì làm sao đứa trẻ tin ở lẽ bình đẳng, công minh?

Chí Phèo và bà Tổng thống Phần Lan

Đúng là làm người tốt ở Việt Nam thời buổi này thật khó, nhưng đâu phải là không làm được. Người tốt thường âm thầm, người hạnh phúc thì im ắng nên xã hội chỉ nghe tiếng oán than của người hoạn nạn, bất hạnh mà thôi.

Anh hùng thật sự thì phải tạo ra thời thế. Bà Tarja Halonen, Tổng thống Phần Lan 2000 – 2012, rất được lòng dân và được chọn vào danh sách 10 người Phần Lan vĩ đại nhất, sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, tuổi thơ rất khó khăn.


Nếu cứ gào thét “Ai cho tao lương thiện?” thì chẳng mấy chốc bạn sẽ rạch mặt ăn vạ như Chí Phèo thôi.

Nếu cứ gào thét “Ai cho tao lương thiện?” thì chẳng mấy chốc bạn sẽ rạch mặt ăn vạ như Chí Phèo thôi.


Nữ Tổng thống Phần Lan Halonen, đi lên từ nghèo khó, trở thành 1 trong 10 người Phần Lan vĩ đại, từ lời dạy của mẹ: “Cuộc đời không phải lúc nào cũng công bằng, nhưng đó lại là lý do mà ta sinh ra. Để làm thế giới tốt đẹp hơn”.

Nữ Tổng thống Phần Lan Halonen, đi lên từ nghèo khó, trở thành 1 trong 10 người Phần Lan vĩ đại, từ lời dạy của mẹ: “Cuộc đời không phải lúc nào cũng công bằng, nhưng đó lại là lý do mà ta sinh ra. Để làm thế giới tốt đẹp hơn”.

Tuy nhiên, bà xem hoàn cảnh đó là bình thường vì sau thế chiến thứ hai chẳng mấy người dân Phần được giàu có. Bà luôn ghi nhớ lời dạy của mẹ: “Cuộc đời không phải lúc nào cũng công bằng, nhưng đó lại là lý do mà ta sinh ra. Để làm thế giới tốt đẹp hơn”.

Nếu cứ gào thét “Ai cho tao lương thiện?” thì chẳng mấy chốc bạn sẽ rạch mặt ăn vạ như Chí Phèo thôi.

Sao không noi gương bà Tổng thống Halonen, hay cụ Phan Bội Châu “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả/ Anh hùng hào kiệt có hơn ai?” để sống tốt hơn mỗi ngày?

Tất nhiên, một xã hội tốt đẹp phải tạo ra thể chế để bảo vệ và khuyến khích con người sống tốt, chứ không thể kêu gọi họ hy sinh cho lẽ phải.

Ví dụ đơn giản là phải ngưng gây khó dễ cho người đưa bệnh nhân đi cấp cứu, và cải tiến bảo hiểm y tế cách nào để thanh toán ban đầu trong tình huống ngặt nghèo.

Thực phẩm phải được kiểm định nghiêm ngặt, và món nào đã được công nhận là sạch thì phải được bảo hộ, thể hiện rõ “đẳng cấp” để người tiêu dùng nhận diện.

Rất nhiều, rất nhiều điều cần phải thay đổi, cải thiện để xã hội ta “thân thiện” hơn với lòng tốt”. Trong khi chờ đợi, tôi tìm chút an ủi khi thấy bạn bè mình lặn lội về quê săn nông sản sạch và bán lại cho người quen.

Bạn tôi không có cách gì chứng minh đó là hàng sạch, ngoài uy tín của bản thân. Người mua thì “tạm ứng” lòng tin cho kẻ bán, rồi sử dụng sản phẩm để kiểm định chất lượng, thấy tốt thì sẽ mua tiếp và giới thiệu cho bạn bè.

Vậy thôi, đơn giản lắm. Khi thành tâm trao đi và lòng tin nhận lại thì đời bỗng vui, lành và đẹp hơn một chút rồi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại