7 nguyên tắc làm nên Steve Jobs

vytran |

7 nguyên tắc định hình nên con người Steve Jobs - CEO huyền thoại trong giới kinh doanh.

Tin Steve Jobs từ chức CEO đã gây chút bất ngờ cho những ai chưa kịp theo dõi tình hình sức khỏe của ông. Nhưng nó cũng đánh dấu sự kết thúc của một trong những sự nghiệp gây cảm hứng nhất trong lịch sử thế giới kinh doanh. Có rất ít người trên thế giới này có thể cách mạng hóa cả một nền công nghiệp. Còn Steve Jobs, ông đã làm điều đó với vài nền công nghiệp: điện toán, viễn thông, âm nhạc và phim ảnh. Do sức ảnh hưởng sâu sắc của Steve Jobs đối với thế giới, tôi nghĩ chúng ta cũng nên tự hỏi mình xem ông đã làm điều đó như thế nào, và chúng ta có thể giải phóng “Steve Jobs” trong mỗi chúng ta bằng cách nào để thúc đẩy sự nghiệp kinh doanh của chúng ta, cũng như cả thế giới.

Qua những nghiên cứu của mình trong vai trò tác giả của 2 cuốn sách viết về Steve Jobs, tôi đã phát hiện ra 7 nguyên tắc dẫn đường cho Steve Jobs và Apple đến với thành công.

Dưới đây là 7 nguyên tắc cải cách của Steve Jobs được đúc kết từ một buổi hội thảo tại châu Âu.

Nguyên tắc 1: Hãy làm những gì bạn thích.

Steve Jobs đã dạy chúng ta rằng bạn không thể mang đến những sản phẩm mới, cách tân và thú vị trừ khi bản thân bạn thấy có cảm hứng và đam mê đối với việc thúc đẩy xã hội tiến lên phía trước. Jobs từng nói “Những người có đam mê có thể thay đổi thế giới tích cực hơn.” Ông nói, cuộc sống quá ngắn ngủi để bạn có thể thực hiện giấc mơ của kẻ khác. Và nếu bạn không tìm thấy niềm đam mê của mình, thì hãy tiếp tục tìm kiếm, chứ đừng tự hài lòng và dừng lại.

Nguyên tắc 2: Hãy nhìn đến lõm cả vũ trụ.

Steve Jobs tin vào uy lực của tầm nhìn. Và ông đương nhiên có một tầm nhìn lớn. Vào giữa những năm 1970 khi máy tính vẫn chỉ phát triển giới hạn trong một nhóm người chung sở thích, Steve Jobs đã tin rằng ông có thể mang máy tính đến cho mọi người sử dụng hàng ngày. Và thế là ông đã thách thức người đồng sáng lập Steve Wozniak và nhóm làm việc Apple cùng tạo ra một chiếc máy tính mà mọi người cảm thấy thoải mái khi sử dụng hàng ngày. Kết quả của việc này là sự ra đời của một chiếc máy tính đã làm thay đổi tất cả - chiếc máy tính mang tên Macintosh. Art Levinson, Chủ tịch Genentech, thay mặt ban điều hành Apple, nói: “Tầm nhìn phi thường của Steve và sự lãnh đạo của ông đã cứu Apple và đưa đường chỉ lối cho hãng tới vị trí công ty công nghệ sáng tạo nhất và giá trị nhất thế giới”.

Nguyên tắc 3: Kết nối mọi thứ để khơi dậy sức sáng tạo của bạn.

Steve Jobs từng nói sự sáng tạo là kết nối mọi thứ. Ý ông là mọi người với đủ các kinh nghiệm sống thường có thể nhìn thấy những điều mà người khác bỏ lỡ. Jobs thường kết nối ý tưởng từ những lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, ông học thư pháp ở trường đại học. Thư pháp không có ứng dụng thực tế nào cho cuộc sống của ông. Nhưng ông rất thích thú và đam mê lĩnh vực này. Sau này, kinh nghiệm thư pháp của ông cũng đã tìm được con đường của mình khi đến với Mac, chiếc máy tính đầu tiên với những phông chữ đẹp mắt. Sáng tạo là kết nối những điều thuộc các lĩnh vực khác nhau.

Nguyên tắc 4: Nói “không” với 1000 điều.

Steve Jobs rất tự hào với những gì Apple làm được, song ông cũng tự hào bởi cả những gì Apple đã lựa chọn không làm. Steve Jobs từng nói rằng cải cách đến từ việc nói “không” với 1000 thứ. Tôi tin rằng câu này ám chỉ sự đơn giản. Trong thế giới của Apple, đơn giản có nghĩa là loại bỏ những thứ rườm rà. Bất cứ thứ gì gây loạn cho trải nghiệm của người dùng đều bị loại bỏ. Đó là lý do tại sao mặt trước iPad chỉ có đúng 1 nút bấm, hay tại sao iPhone không có một bàn phím thực nào. Các sản phẩm của Apple phổ biến bởi chúng đơn giản, trang nhã và dễ dùng. Nhưng tất cả những điều đó đều được bắt đầu từ một câu hỏi của Steve Jobs: Chúng ta có thể loại bỏ những gì?

Nguyên tắc 5: Hãy tạo ra những trải nghiệm khác biệt điên rồ.

Không chỉ tạo ra nhiều cải cách sản phẩm, Steve Jobs còn cải tiến nhiều trải nghiệm dịch vụ khách hàng, và tôi cho rằng đó là một phần gia tài của ông chưa được người đời đánh giá đúng mức. Các cửa hàng bán lẻ Apple kiếm được nhiều tiền trên mỗi m2 hơn mọi cửa hàng khác kể cả những thương hiệu xa xỉ, và lúc nào cũng đông khách từ sáng đến tối. Trung bình mỗi cửa hàng tiếp đón 17.000 lượt khách mỗi tuần! Khi Steve Jobs lần đầu thiết lập quan niệm cho các cửa hàng bán lẻ Apple, ông đã nói rằng chúng cần phải khác biệt bởi thay vì chỉ bán hàng, chúng còn phải làm cho cuộc sống của khách hàng thêm phong phú. Tất cả những gì bạn trải nghiệm khi bước vào cửa hàng Apple sẽ làm phong phú thêm cuộc sống của bạn và tạo ra sự kết nối cảm xúc giữa bạn và thương hiệu Apple.

Nguyên tắc 6: Làm chủ thông điệp.

Bạn có thể có ý tưởng tốt nhất thế giới, nhưng nếu bạn không thể truyền đạt ý tưởng đó, bạn sẽ chẳng làm được gì. Steve Jobs là người kể chuyện doanh nghiệp giỏi nhất thế giới. Thay vì chỉ đơn giản thuyết trình như hầu hết mọi người vẫn làm, ông thông báo, ông đào tạo, ông truyền cảm hứng và ông giúp mọi người giải trí, tất cả chỉ trong một bài thuyết trình. Nếu có điều gì bạn có thể làm được ngay hôm nay để trở nên “giống Steve Jobs”, thì đó là tư duy trực quan. Có rất ít chữ xuất hiện trên mỗi trang thuyết trình của Steve Jobs. Đó là triết lý mang tên “tính siêu việt của hình ảnh”. Mọi người thường ghi nhớ thông tin tốt hơn khi chúng được trình bày dưới dạng chữ và tranh ảnh thay vì chỉ có chữ. Tôi nghĩ hiếm có ai lại không tự nhìn lại bài thuyết trình của mình sau khi đã xem Steve Jobs thuyết trình. Hãy truyền đạt ý tưởng của bạn theo cách của Steve Jobs.

Nguyên tắc 7: Hãy bán ước mơ thay vì sản phẩm.

Steve Jobs nắm bắt được sự tưởng tượng của chúng ta bởi ông thực sự hiểu khách hàng của mình. Năm 1997, khi Apple suýt phá sản, Steve Jobs đã nói ông sẽ giảm chủng loại sản phẩm của Apple nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng cốt lõi của họ. Lúc đó, ông nói rằng “một vài người nghĩ rằng bạn thật điên khi mua một chiếc máy tính mac, nhưng trong sự điên rồ đó, chúng ta lại nhìn thấy những thiên tài, những người mà chúng ta làm ra máy tính cho họ.” Khách hàng của bạn không quan tâm đến sản phẩm của bạn. Cái họ quan tâm là chính họ, hi vọng của họ, tham vọng của họ. Steve Jobs đã dạy chúng ta rằng nếu bạn giúp khách hàng của mình đạt được ước mơ, bạn sẽ có được họ.

Có một câu chuyện mà tôi nghĩ có thể tổng kết lại sự nghiệp của Steve Jobs ở Apple. Một nhà điều hành với công việc tái phát minh cửa hàng Disney đã từng gọi cho Jobs để hỏi xin lời khuyên. Lời khuyên của Steve là gì ư? Hãy mơ ước lớn hơn. Tôi nghĩ đó là lời khuyên tốt nhất mà ông gửi tới chúng ta ngày hôm nay, cũng là lời khuyên mà ông sẽ tiếp tục đưa ra cho Apple trong vai trò chủ tịch của hãng. Hãy tìm thiên tài ngay trong sự điên rồ của bạn, hãy tin tưởng chính mình, tin tưởng tầm nhìn của mình, và luôn luôn sắn sàng bảo vệ ý kiến của mình. Bởi đó là những ý kiến rất có thể sẽ thay đổi cả thế giới.

Tác giả bài viết là Carmine Gallo, người đào tạo truyền thông cho nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới. Ông cũng là diễn giả nổi tiếng và là tác giả của một vài cuốn sách bán chạy nhất, trong đó có 2 cuốn viết về Steve Jobs là “Bí quyết thuyết trình của Steve Jobs” và “Bí quyết cải cách của Steve Jobs”.

Theo Cafe F

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại