59 năm giữ bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tuấn Linh |

(Soha.vn) - Bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ông tự tay viết chữ và ký tặng đã được gia đình gìn giữ cẩn thận như báu vật vô giá…

Gần 60 năm giữ bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với gia đình chị, bức ảnh là một bảo vật lưu giữ những kỉ niệm vô giá, bức ảnh đó có cả niềm tự hào, đau thương và cả máu. Đó là câu chuyện của gia đình chị Nguyễn Thị Hoàn, 50 tuổi (trú tại số 136 Ngô Gia Tự, P.Đức Giang, Q.Long Biên, Hà Nội).

Nói về bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà gia đình hiện đang lưu giữ, chị Hoàn tâm sự: “Gia đình tôi đã giữ bức hình chân dung Bác Giáp đến nay đã được 59 năm. Tuổi của bức hình này còn nhiều hơn cả tuổi tôi. Cha tôi giữ và bây giờ cha tôi mất rồi thì trao lại cho tôi. Với gia đình tôi, bức ảnh là báu vật, là nơi lưu giữ lại những kỷ niệm, niềm tự hào và cả nỗi đau thương mất mát của gia đình…”.

Bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng bút tích của ông đề tặng đã được gia đình chị Hoàn gìn giữ suốt 59 năm qua.
Bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng bút tích của ông đề tặng đã được gia đình chị Hoàn gìn giữ suốt 59 năm qua.

Về nguồn gốc của bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà gia đình đang lưu giữ, chị Hoàn cho biết: “Gia đình ông bà nội tôi có 3 con trai. Bác tôi là Nguyễn Gia Thiêm, cha tôi là Nguyễn Gia Tham và chú tôi là Nguyễn Gia Chức.

Trong ngày Toàn quốc kháng chiến (1946), cả ba đều gia nhập tự vệ thành, sau đó chuyển lên chiến khu Việt Bắc. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cả ba người đều tham gia trận đánh lịch sử này.

Sau chiến dịch, chỉ có bố tôi là trở về nhưng bị thương nặng, còn bác và chú tôi thì đã không còn bao giờ trở về nữa, hai người đã nằm lại ở chiến trường Điện Biên. Đây là mất mát lớn nhưng cũng là niềm tự hào của gia đình chúng tôi.

Trước đó, trước Cách mạng tháng Tám, bố tôi và bác Giáp đã từng quen biết và hoạt động cùng nhau. Tháng 5/1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bố tôi đã có may mắn là gặp lại Bác Giáp – người đồng chí cùng hoạt động năm xưa, giờ đã là Đại tướng – chỉ huy chiến dịch ở ngay chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp lại nhau, hai người rất xúc động. Biết chuyện bác và chú tôi đã hi sinh ở trong chiến dịch, bác Giáp đã an ủi bố tôi, sau đó đã tặng bố tôi tấm ảnh chân dung của Bác (do một phóng viên chiến trường chụp cách đó không lâu) để làm kỷ niệm và nhớ về người đồng chí của nhau”.

Chị Nguyễn Thị Hoàn cùng người thân trong gia đình đã sao bức ảnh ra thành khổ lớn và đem đến viếng trong lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội.
Chị Nguyễn Thị Hoàn cùng người thân trong gia đình đã sao bức ảnh ra thành khổ lớn và đem đến viếng trong lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội.

“Phía dưới bức ảnh còn lưu lại bút tích do chính tay Bác Giáp khi đó đã đề tặng: “Bảo vệ Việt Bắc, tháng hè quyết liệt”. Ở đây, “bảo vệ Việt Bắc” là nói về những trận đánh, những chiến dịch từ những năm đầu kháng chiến khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội để lên Việt Bắc, còn “tháng hè quyết liệt” ở đây chính là nói về Chiến dịch Điện Biên Phủ - trận đánh cuối cùng”, chỉ vào dòng bút tích còn lưu dưới bức ảnh, chị Hoàn giải thích.

Chị Hoàn cho biết: “Bố tôi mất cách đây đã 29 năm, ông trao lại bức ảnh cho tôi và dặn tôi gìn giữ cẩn thận. Bố tôi là thương binh, còn mẹ tôi khi đó cũng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, bà là thanh niên xung phong và cũng là bệnh binh. Trong chiến thắng Điện Biên Phủ, gia đình tôi có rất nhiều kỷ niệm và cũng đã đóng góp một phần xương máu của mình.

Bức ảnh Bác Giáp tặng bố tôi và bố tôi giữ lại, và giờ đến lượt tôi giữ lại cũng là để giữ lại những kỷ niệm đó, có đau đón mất mát nhưng cũng cả niềm tự hào cho gia đình. Giữ bức ảnh chân dung Bác Giáp cũng là giữ lại những kỷ niệm, nhớ đến người bác ruột và chú ruột mình đã hi sinh”.

“Bức ảnh gốc hiện gia đình vẫn đang lưu giữ. Nếu như Bảo tàng lịch sử Việt Nam hoặc gia đình Bác Giáp muốn lấy lại thì gia đình tôi sẽ tặng lại. Đây là bức ảnh không bình thường như những bức ảnh khác, nó như một dấu ấn lịch sử. Bức ảnh là tài sản vô giá của gia đình tôi nhưng cũng lưu lại bút tích, là món quà mà Đại tướng đã tặng cho gia đình, cũng là tư liệu về Đại tướng”, chị Hoàn nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại