Chúng tôi xin đăng nội dung giap lưu trực tuyến trong dịp mừng Đại Tướng Võ Nguyên Giáp 103 mùa Xuân.
Khách mời giao lưu gồm:
Trung tướng Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục tác chiến Bộ tổng tham mưu.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên UVTW Đảng, Tư lệnh Quân khu 4, ĐBQH.
Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, tác giả cuốn sách "Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ".
Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam.
Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Mai Năng, nguyên Tư lệnh binh chủng đặc công huyền thoại, người trực tiếp chỉ huy đơn vị giải phóng quần đảo Trường Sa năm 1975.
Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, ĐBQH;
Đại tá Nguyễn Huyên, trợ lý trọn đời cho Đại tướng.
Đại tá Trần Trọng Trung, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, tác giả cuốn sách "Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh".
Đại tá Trần Hồng, người cả đời chụp ảnh Đại tướng với kho ảnh vô giá 2.000 bức.
Nguyễn Hoàng Nam
Trong ngần ấy năm làm việc với Đại tướng, việc gì được Đại tướng giao mà ông cảm thấy khó khăn nhất? Đại tướng đã giúp đỡ ông như thế nào trong công việc của mình, hàng ngày?
Đại tá Nguyễn Huyên:
Nghĩ lại thì thấy chưa có việc gì tôi được giao mà chưa làm được. Có lẽ là Đại tướng cũng lượng sức tôi mà giao công việc phù hợp. Chính vì thế tôi cũng chưa bao giờ bị khiển trách vì không làm được việc.
Môi khi có tâm tư tiêng, lúc làm việc hoàn cảnh gia đình có vấn đề như những lúc vợ con ốm đau, Đại tướng rất quan tâm, Đại tướng nhắc nhở: Về xem tình hình sức khoẻ của chị ấy như thế nào. Những lúc như thế, tôi cảm thấy rất ấm lòng. Mình cũng cảm thấy vui vì được làm việc với một vị lãnh đạo luôn nghĩ tới cấp dưới như thế.
Mỗi khi giao việc, Đại tướng cũng trao đổi để giúp đỡ hoàn thành nhiệm vụ.
Đại tá Nguyễn Huyên cùng phóng viên Trí Thức Trẻ giao lưu trực tuyến với độc giả từ Văn phòng Đại tướng. Ảnh: Tuấn Nam
Lê Văn Hưng
Làm trợ lý của Tướng Giáp, điều gì khiến ông lo sợ nhất? Điều gì sướng nhất? Đại tướng có hay cười không? Có khó tính không?
Đại tá Nguyễn Huyên:
Tôi lo nhất công việc nhiều không biết làm có được hết không. Hồi anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) còn khoẻ, cứ mỗi kỳ họp, tài liệu Đảng rất nhiều, lo không đọc xuể để báo cáo Đại tướng. Mà mình cũng phải hiểu chứ vì mỗi khi như vậy, Đại tướng thường hỏi ý kiến của riêng mình như thế nào.
Tôi thấy có một niềm vui đặc biệt, không gì vui bằng là: Những ngày lễ tết, đồng bào, đồng chí đến thăm Đại tướng rất đông. Tôi cảm thấy mệt nhưng rất vui vì đó là tấm lòng của nhân dân. Được phục vụ một đồng chí được dân quý trọng như thế thật tuyệt vời.
Khi khoẻ mạnh thì Đại tướng hay cười lắm. Gặp khách thì cứ cười cái đã chứ không nghiêm nghị như mọi người vẫn tưởng. Cho nên người ta đặt cho Đại tướng danh là “Đại tướng Nhân dân”.
Đại tướng rất cẩn thận. Khi giao nhiệm vụ cho cấp dưới thì bao giờ cũng yêu cầu nhắc lại. Khi nhắc lại được rồi thì mới đồng ý cho đi. Với một người chỉ huy quân sự thì đó là điều rất quan trọng vì “sai một ly, đi một dặm”. Đó là tác phong của một vị chỉ huy.
Nguyễn Hương Giang
Thưa đại tá Trần Trọng Trung, là người đã viết hơn 1 nghìn trang sách về đại tướng, nếu phải chia sẻ một điều gì đó tới các bạn trẻ ngày nay về con người Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thì ông sẽ chia sẻ điều gì đầu tiên?
Đại tá Trần Trọng Trung:
Tôi năm nay đã 91 tuổi đời, 45 tuổi quân và 67 tuổi Đảng. Đại tướng đã dạy chúng tôi nhiều thứ lắm. Và không chỉ thế hệ chúng tôi, mà giới trẻ bây giờ cũng phải học tập Đại tướng nhiều điều.
Trước hết, đó là về đức tính giản dị và yêu thương đồng chí, thương dân. Đại tướng là người rất giản dị, giản dị từ cách ăn mặc đến lối sống. Sự giản dị khiến Đại tướng dễ gần và chính nhờ giản dị mà mới có thể gần gũi và hiểu được tâm tư của đồng chí, chiến sĩ và nhân dân.
Thứ hai, tôi muốn nói đến quan điểm “dĩ công vi thượng”, đưa việc chung của quốc gia, dân tộc lên trên trong tất cả mọi việc, gác lại chuyện tư, đây cũng là điều chúng ta cần phải học tập.
Đại tá Trần Trọng Trung đang ở Viện Quân y 108, Hà Nội cũng tham gia giao lưu với độc giả chào mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp 103 tuổi. Ảnh: Hoàng Sơn
Trần Thái - Email: quangthaikt@gmail.com
Nếu có thể, xin ông chia sẻ những gì mà ông biết về quan điểm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam?
Thiếu tướng Mai Năng:
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói về chủ quyền biển đảo: "Đây là vùng lãnh thổ của nhân dân Việt Nam, không chỉ hôm nay mà từ xa xưa đã có".
Đại tướng là người thầy của quân đội, cũng là lãnh tụ của lực lượng quân đội. Đây là lời nói chân tình nhất và có sức mạnh tạo niềm tin cho anh em khi tiến quân giải phóng Trường Sa.
Với quan điểm riêng của tôi: Chủ quyền biển đảo do ông cha để lại và đã thành di chúc. Muốn hay không muốn cũng phải giữ lại. Và giữ lại cũng là giữ cho chính mình, cho quê hương, đất nước mình.
Nguyễn Quang Thuận - Email: thuanqn@yahoo.com
Thưa ông, được biết ông là người trực tiếp thực hiện mật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa quân ra giải phóng Trường Sa tháng 4/1975. Xin ông cho biết mệnh lệnh đó, trận đánh đó có ý nghĩa như thế nào trong cuộc đời binh nghiệp của ông?
Thiếu tướng Mai Năng:
Mệnh lệnh của Đại tướng khi đó để lại suy nghĩ rất lớn trong tôi: Đây là chiến dịch Hồ Chí Minh và cũng là chiến dịch cuối cùng của Tổ quốc, được tham gia trận đánh này cũng là vinh dự nhất của cuộc đời binh nghiệp, góp phần cùng nhân dân giải phóng đất nước.
Đánh vào Trường Sa là tạo ra vùng lãnh hải lớn. Đây là vùng kinh tế mới, vùng kinh tế lớn có nguồn tài nguyên phong phú dưới đáy biển. Mệnh lệnh của Đại tướng có ý muốn ba vấn đề lớn:
- Tạo khả năng của quốc phòng có điều kiện phòng thủ đất nước từ xa.
- Về mặt kinh tế: Trường Sa là vũng lãnh hải tài nguyên phong phú tạo nền kinh tế mới của Tổ quốc.
- Mình cũng có cơ sở chính trị, có tiếng nói với cả quốc tế đặc biệt là vùng Châu Á -Thái Bình Dương.
Nhận được mệnh lệnh của Đại tướng, anh em không sợ và cảm thấy vui vì được tham gia vào trận đó, trận chiến quyết định của Tổ quốc.
Mai Ngọc Long - Email: longngoc@yahoo.com
Thưa Thiếu tướng - Anh hùng lực lượng vũ trang Mai Năng chắc hẳn bây giờ những ký ức về đoàn tàu không số vẫn còn trọn vẹn trong suy nghĩ của ông. Ông có thể chia sẻ lại những kỷ niệm sâu sắc nhất của mình về trận chiến đấu tại sân bay Cát Bi oai hùng được không ạ?
Thiếu tướng Mai Năng
Khi được Đảng và Trung ương khen ngợi các “dũng sỹ Cát Bi” có những anh em được huân chương nhưng cũng có những anh em phục vụ không được gì. Tôi cũng có băn khoăn, nhưng họ nói chiến đấu vì lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc, không vì ợi ích riêng của mình nên không có gì phải ân hận. Giành thằng lợi là mừng lắm rồi.
Tôi còn nhớ những kỉ niệm đẹp về lòng dân. Có những lúc tưởng như thiệt hại nặng nề, nhưng còn dân là còn tất cả. Như câu chuyện ở nhà bà Can, khi địch vây càn tới nơi bà bảo anh em lên nóc bếp để bà ra tiếp đãi ngụy quân, ngụy quyền. Khi chúng đi ta lại sống. Lòng dân quý hóa, còn dân là còn tất cả.
Hay như bà Sàn từng nói với tôi: Bây giờ địch càn quét nhiều, các con phải ra vùng tự do 1 thời gian rồi mới vào. Nhưng tôi nói: Con là con của mẹ, của Bác Hồ, vào đây làm nhiệm vụ giải phóng nhân dân nên không bỏ đi được. Bà Sàn khóc và nói: Nếu như thế các con cứ về đây đi. Sau 1 thời gian bà bảo, nếu cứ đi lại như thế này dễ bị lộ và bà cho đào hầm ngay nhà bà, rồi ngày đêm canh gác để đảm bảo an toàn cho lực lượng.
Có dân là có tất cả.
Lê Kim Cương
Nếu có thể quay ngược thời gian về thời điểm vẫn còn đang là trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá có muốn thực hiện điều gì đặc biệt dành cho Đại tướng?
Đại tá Trần Trọng Trung:
Khi tôi đến tuổi nghỉ hưu, Đại tướng nói là: “Nếu trên cho cậu về hưu thì cậu vẫn làm việc với mình, mình sẽ bớt lương ra bù cho cậu”. Tôi nói rằng: “Anh cứ yên tâm, tôi sẵn sàng giúp anh”. Tôi thấy anh nói rất thân tình và thật. Mình thấy mừng vì mình đã làm việc đáp ứng được phần nào mong muốn của anh Văn.
Nguyễn Việt Anh
Thưa ông, điều gì mà giới trẻ hiện nay cần phải học hỏi tướng Giáp thời trẻ? Kỷ niệm sâu sắc nhất của ông với Tướng Giáp?
Trung tướng Phạm Hồng Cư:
Thế hệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thế hệ của 1 lời thề - lời thề độc lập mà các tướng lĩnh được tham gia. Giới trẻ có thể thấy ở Đại tướng một tấm lòng yêu nước, quyết tâm dấn thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Các bạn trẻ ngày này phải cùng với toàn dân rửa cái nhục nghèo nàn và lạc hậu, đưa đất nước phát triển sánh vai cùng các cường quốc nam châu như điều Bác Hồ mong muốn.
Kỉ niệm với Tướng Giáp mà tôi luôn ghi nhớ đó là lần được Đại tướng giao mệnh lệnh, khi được là chính trị viên năm 1947. Khi giặc Pháp nhảy dù Bắc Cạn, trưa mùng 7 nhận lệnh do sĩ quan tham mưu đi ngựa đứng ở bìa rừng truyền rằng: "Tiểu đoàn trưởng Vũ Phương, chính trị viên Hồng Cư nhận lệnh. Tiểu đoàn 42, sống chết với con đường Bình Ca Thái Nguyên". Đó không chỉ là 1 mệnh lệnh mà là lời hịch của Tổ quốc, bởi sau lưng là Tân Trào, là Thủ đô, là Bác Hồ...
Chấp hành mệnh lệnh, tôi bàn với tiểu đoàn để đi động viên bộ đội, rất nhiều người bị sốt rét nhưng khi nghe lệnh vẫn chân run lẩy bẩy ra trận địa.
"Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh
Rét run ngời vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh ướt vai, quần tôi có vài miếng vá
Đêm nay rừng hoang sương muối
....
Đầu súng trắng treo"
Chúng tôi chiến đấu hết mình đánh bại quân địch ở bến Bình Ca và sau đó được Đại tướng khen thưởng.
Các vị tướng lĩnh đến Tòa soạn Trí Thức Trẻ từ rất sớm, khoảng 1 giờ trước khi buổi giao lưu diễn ra. Trong ảnh là cuộc trò chuyện vui vẻ của Trung tướng Phạm Hồng Cư, Đại tá Trần Hồng, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (từ trái sang). Ảnh: Hoàng Hiển.
Hoàng Tuấn Hải
Thưa đại tá Nguyên Huyên, trong thời gian rảnh, Đại tướng thường thích làm gì ạ?
Đại tá Nguyễn Huyên:
Đại tướng là người làm việc với cường độ cao. Thường 6 giờ sáng thức dậy là nghĩ đến công việc. Có thời gian quá nhiều công việc, sáng có lúc 6h30 ông đã gọi tôi vào làm việc. Lúc đó, Đại tướng vừa tập thể dục vừa nghe tin tức và sau đó trong thời gian làm việc thì không nghe tin tức nữa.
Trong lúc rảnh Đại tướng đánh đàn piano, thỉnh thoảng đi dạo vườn, ngắm cây cảnh. Đặc biệt trong vườn có nhiều hoa phong lan vì anh em bộ đội Trường Sơn từ chiến trường ra gửi tặng anh ấy.
Hoàng Hà
Xin hỏi Đại tá Trần Trọng Trung, quá trình đi tìm tư liệu để viết cuốn "Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh" ông có gặp khó khăn gì không? Ông có kỷ niệm nào đáng nhớ không ạ?
Đại tá Trần Trọng Trung:
Quyển sách dày 1.000 trang được viết trong 2 năm. Viết trong 2 năm nhưng thực ra là cả một quá trình thai nghén rất lâu rồi. Khó viết nhất là phần viết khái quát về Đại tướng. Trong cuốn sách tôi khái quát rằng: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cây đại thụ rợp bóng nhân văn”.
Đại tướng là “cây đại thụ”, nhưng không phải là cây đại thụ bình thường mà là cây đại thụ “nhân văn”. Đại tướng rất thương chiến sĩ, thương cán bộ cấp dưới lắm. Quan điểm của Đại tướng là chính trị phải đi trước quân sự, đây là một điểm mới.
Thường thì người làm quân sự chỉ biết đến quân sự, quân sự một cách thuần túy, song Đại tướng lại là người có tầm nhìn xa trông rộng, quan điểm của ông là chính trị phải đi trước. Bởi vì thắng lợi về chính trị sẽ hạn chế được xương máu của chiến sĩ phải đổ xuống trên chiến trường.
Còn có gặp khó khăn gì không thì tôi trả lời là có. Trong cuốn sách của mình, tôi chỉ tập trung khai thác vai trò của đại tướng Võ Nguyên Giáp và khái quát chung nhất về cuộc đời của Đại tướng còn thời kháng chiến chống Mỹ tôi viết rất ít.
Lý Minh Ngọc
Trong hơn 1.000 trang ông viết về Đại tướng, ông thích nhất đoạn nào? Nó có gắn liền với kỷ niệm của ông với Tướng Giáp không?
Đại tá Trần Trọng Trung:
Năm 1948, tôi cưới vợ. Đại tướng biết tôi cưới vợ nên nói với anh Lê Trọng Nghĩa, khi đó là Chánh Văn phòng: “Cho thằng Trung 200 bạc”. 200 bạc bấy giờ may được một bộ quần áo mới, có nghĩa là ngày cưới tặng cho chú rể một bộ quần áo mới.
Và nói là: “Ngày hôm sau tôi bận nên các cậu cứ vui vẻ đi”. Ngày hôm sau mà đại tướng Võ Nguyên Giáp nói bận chính là ngày ông được phong quân hàm Đại tướng theo công hàm 110 của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, đó là ngày 28/5/1948. Công hàm ký tháng Giêng, nhưng đến ngày đó mới phong. Khi đó Đại tướng mới 37 tuổi.
Ngoài ra, một điều đặc biệt nhất trong lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam và có lẽ cũng là lịch sử quân sự thế giới đó là suốt từ năm 1948 đến giờ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ được phong quân hàm duy nhất một lần và đó là quân hàm Đại tướng.
Nguyễn Quang Vũ
Trong những lần được chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá có thể chia sẻ về những kỉ niệm nào khi chụp Đại tướng mà ông nhớ nhất?
Đại tá Trần Hồng:
Nếu nói về những kỉ niệm của tôi về Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì rất khó để tôi có thể kể được hết. Vì với tôi, mỗi lần được gặp gỡ, tiếp xúc Đại tướng tôi đều cảm thấy rất xúc động.
Nhưng trong số những hình ảnh tôi may mắn lưu lại được, phải nói rằng tôi cảm thấy rất tâm đắc với các bức như Nhớ Bác, Nhập thiền, Bác chơi đàn piano, Trở về Mường Păng, Thăm bà con người Thái, Trở về khu rừng Trần Hưng Đạo, Thắp hương vái mẹ, Tập thể dục buổi sáng, Gặp lại bạn cũ...
Bên cạnh đó, tôi cũng có hai nguyên tắc bất di bất dịch trong công việc của mình.
Thứ nhất, điều tôi học được từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đó chính là phải biết tôn trọng sự thật. Tất cả phải dựa trên sự thật và sự thật. Tôi không bao giờ dùng đến bất kỳ sự hỗ trợ nào đến từ công nghệ vi tính như bây giờ. Hơn nữa trong mỗi bức ảnh, người cầm ống kính phải đảm bảo được tính chân-thiện-mỹ và gửi gắm được vào đó một câu chuyện, truyền tải đến cho người xem chứ không cứ đưa máy lên là chụp.
Thứ đến, trong 4 cuộc triển lảm của tôi, đã có rất nhiều nhà tài trợ ngỏ lời muốn giúp đỡ với những đề nghị rất hấp dẫn nhưng tất cả đã bị tôi từ chối. Vì dù ít dù nhiều gì khi có can thiệp của tài chính vào sẽ phần nào làm thay đổi ý nghĩa của buổi triển lãm. Dẫu cho có những lúc tôi hiểu rằng có những lời đề nghị không đáng bị chối từ.
Nguyễn Thanh Trà
Trong số gần 2 nghìn bức ảnh mà Đại tá đã chụp về Đai tướng thì có bức ảnh nào ông chưa từng công bố không? Vì sao Đại tá lại chưa công bố ảnh và nếu có Đại tá dự định sẽ khi nào công bố?
Đại tá Trần Hồng:
Có rất nhiều bức ảnh về Đại tướng mà tôi chưa từng công bố vì chưa có cơ hội. Đó là những bức ảnh về đời thường, công việc và những cảm xúc của Đại tướng.
Về dự định và thời gian công bố thì tôi cũng chưa biết. Nhưng chắc chắn những bức ảnh đó tôi sẽ công bố cho tất cả mọi người. Bởi những bức ảnh về người vĩ đại như Đại tướng thì mọi người đều có quyền biết và cần phải công bố để mọi người được biết.
Đức Minh
Xin chào Thiếu tướng - Anh Hùng Lê Mã Lương, anh từng khiến nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam ngưỡng mộ với câu nói “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay có rất nhiều thanh niên lại xem việc đi nghĩa vụ quân sự như một "cơn ác mộng" và tìm mọi cách trốn tránh. Bác suy nghĩ gì về một thế hệ thanh niên như vậy?
Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Mã Lương:
Đã là thanh niên thì cần phải thể hiện trách nhiệm công dân đối với đất nước. Đặc biệt, là thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tôi rất ngạc nhiên khi có 1 số thanh niên tìm mọi cách để trốn tránh nghĩa vụ quân sự của mình. Tôi cho đấy là 1 hành động thiếu đúng đắn, thiếu trách nhiệm đối với đất nước.
Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Mã Lương. Ảnh: Hoàng Hiển
Cao Thanh Loan:
Trong số những lần đi chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá đã từng gặp "tai nạn nghề nghiệp" chưa ạ? Chẳng hạn như máy ảnh bị hết pin, hết phim hay hư hỏng… Đại tá có thể chia sẻ về những lần tai nạn nghề nghiệp mà Đại tá nhớ nhất?
Đại tá Trần Hồng:
Tai nạn nghề nghiệp thì cũng có nhưng rất ít. Vì mỗi lần có cơ hội chụp Đại tướng là tôi thường chuẩn bị rất chu đáo, cả về thiết bị lẫn tinh thần để có thể ghi lại tốt nhất những khoảnh khắc, hình ảnh về Đại tướng.
Lần được coi là tai nạn nghề nghiệp mà tôi nhớ nhất là khi có đoàn cựu chiến binh từ Hà Nội vào thăm Đại tướng. Sau đó đoàn chụp ảnh lưu niệm thì tôi mở máy nhưng đèn không phát sáng để chụp. Trong phòng thiếu ánh sáng nên không thể chụp mà không có đèn. Sau đó tôi xin lỗi thì Đại tướng động viên là: “Đồng chí Trần Hồng không phải xin lỗi. Đây không phải là lỗi của đồng chí mà do cái đèn của cơ quan trang bị không tốt".
Sau đó Đại tướng cùng đoàn đã bảo tôi ra sân để chụp cho sáng. Qua đó có thể thấy Đại tướng là một người rất tâm lý, luôn tạo điều kiện để mọi người hoàn thành tốt công việc.
Lý Trung Hậu
Thưa ông, ông đã được Đại tướng cho dự hai cuộc gặp rất quan trọng, đó là gặp cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara và con trai cố Tổng thống Mỹ Kennedy. Họ gặp tướng Giáp vì điều gì thưa ông? Trong các cuộc gặp đó họ coi trọng tướng Giáp như thế nào và ông ấn tượng gì về thái độ của Đại tướng? 2. Ông đã từng nói rằng, lịch sử vẫn còn nhiều điều chưa tường tận về cuộc sự nghiệp của Đại tướng. Ông muốn nói đến điều gì?
Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc:
Hai lần ông Mc Nammara đến Việt Nam (1995, 1997) chỉ để gặp và trao đổi với Đại tướng một chủ đề: "Liệu có cơ hội nào bị bỏ lỡ" hiểu theo nghĩa là sự thiếu thông hiểu nhau đã dẫn đến cuộc chiến tranh lẽ ra có thể tránh được (?!). Tôi nhớ câu trả lời của Đại tướng là: "Việt Nam là một nước nhỏ, còn nghèo, không bao giờ bỏ qua những cơ hội để được sống hòa bình, chỉ có điều đó là một nền hòa bình của một dân tộc độc lập thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Vì thế, nếu mà Mỹ cũng như các nước khác tôn trọng nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi thì sẽ không bao giờ có chiến tranh, còn nếu không tôn trọng những mục tiêu ấy thì việc chúng tôi cầm súng là một lẽ đương nhiên".
Câu chuyện giữa hai vị tướng đề cập đến rất nhiều vấn đề nhưng theo tôi chứng kiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn đưa ra thông điệp về dân tộc Việt Nam là một dân tộc ưa hòa hiếu nhưng bất khuất.
Lần gặp con trai cố Tổng thống Mỹ Kennedy diễn ra cách hôm nay đúng 15 năm (23/8/1998). Điều muốn nói là con trai Kennedy đến Việt Nam với tư cách một nhà du lịch nhưng ông chỉ đi thăm 2 địa điểm: Hạ Long vừa được UNESCO công nhận di sản và Pắc Bó là chiến khu năm xưa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đáng chú ý là con trai cố Tổng thống Kennedy không chỉ đi thăm cảnh quan mà còn nghỉ lại một đêm tại đây để khi gặp Đại tướng, đặt câu hỏi rằng vì sao cái mảnh đất rất đẹp nhưng người dân còn rất nghèo lại là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm đại bản doanh cuộc cách mạng của mình?
Câu trả lời của Đại tướng tựa như một bài giảng về lịch sử chiến tranh và cách mạng Việt Nam. Tôi quan sát thấy anh ta ghi chép rồi đặt câu hỏi: Đại tướng nghĩ thế nào về người cha của anh ta - Tổng thống Kennedy? Tôi thấy câu trả lời của Đại tướng làm anh ta cảm động: "Tổng thống Kennedy là người đã đẩy nước Mỹ can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh Việt Nam nhưng dường như khi ông nhận ra những sai lầm và muốn điều chỉnh thì ông bị sát hại".
Nhưng điều sâu sắc nhất của cuộc gặp ấy là lúc Đại tướng chỉ lên tấm ảnh chụp chung với Bác Hồ treo trên tường nhà mình và nói với người bạn trẻ nước Mỹ (năm 1988, Đại tướng 88 tuổi, còn con trai cố Tổng thống Kennedy vừa tròn 38 tuổi, tức là cách nhau đúng nửa thế kỷ): "Bức ảnh này chính do một người bạn Mỹ chụp cho tôi".
Đó là những sĩ quan OSS (tiền thân của cơ quan tình báo trung ương Mỹ sau này), khi đó đang là đồng minh chống phát-xít cùng chúng tôi. Như thế có nghĩa là số đông các bạn trẻ chỉ biết đến cuộc chiến tranh khốc liệt mà không biết rằng đã từng có thời kỳ là đồng minh với nền độc lập Việt Nam, Tuyên ngôn độc lập Việt Nam trích dẫn Tuyên ngôn độc lập Mỹ. Các bạn trẻ Việt Nam và Mỹ có trách nhiệm viết tiếp những trang sử tốt đẹp từ những bài học của cuộc chiến tranh đã qua.
Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc đang trả lời câu hỏi của độc giả. Ảnh: Hoàng Hiển.
Nguyễn Minh Khanh - Email: khangnguyen@yahoo.com
Ông đã từng nói rằng, lịch sử vẫn còn nhiều điều chưa tường tận về cuộc sự nghiệp của Đại tướng. Ông muốn nói đến điều gì?
Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc:
Có rất nhiều chi tiết của cuộc đời, có rất nhiều góc khuất của lịch sử mà chỉ có thời gian mới có thể trả lời, đó là điều thường tình trong sử học.
Trần Gia Linh - Email: Forever07us@gmail.com
Khi đương chức, trên cương vị Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự, ông đã quan tâm thế nào đến việc sưu tập tư liệu, kỷ vật về tướng Giáp? Còn tư liệu, kỷ vật nào liên quan đến Đại tướng mà ông muốn nhưng chưa tìm được? Ngoài ra, ông có nhớ một kỷ niệm đặc biệt nào khi gặp Đại tướng?
Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Mã Lương:
Trong hơn 1 thập kỷ tôi làm công tác quản lý bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam – 1 trong 7 bảo tàng quốc gia Việt Nam – điều tôi quan tâm nhất là tập hợp, sưu tầm những hiện vật, tư liệu, hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có những hiện vật đã trở thành những bộ sưu tập như sách Đại tướng viết và sách viết về Đại tướng; hình ảnh Đại tướng với lực lượng vũ trang, hình ảnh Đại tướng với Bác Hồ…
Tuy nhiên, có 1 hiện vật mà cho đến hiện nay, bảo tàng vẫn chưa sưu tầm được đó là lá thư của bà Nguyễn Thị Quang Thái – vợ Đại tướng – gửi cho Đại tướng trước khi bước vào hoạt động bí mật. Lá thư đó hiện nay vẫn đang ở Văn phòng Đại tướng.
Về kỷ niệm với Đại tướng thì tôi còn nhớ: Tháng 4/1971 sau chiến dịch Đường 9 Nam Lào, tôi được điều về Bộ Tư lệnh mặt trận để báo cáo thành tích. Tại Sở chỉ huy, tôi đã được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp 10 phút. Cuộc gặp ấy đã để lại cho tôi ấn tượng suốt cuộc đời mình về 1 nhà cầm quân lừng danh thế giới, một nhà văn hoá lớn nhưng hết sức bình dị.
Ngô Thị Lan Anh - Email: ngolananh@yahoo.com
Ông có thể phân tích vai trò của đại tướng Giáp trong quyết định của bộ chính trị chuyển phương châm tác chiến từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc. Ý nghĩa của điều này đối với thắng lợi của chiến dịch?
Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc:
Đã có rất nhiều tài liệu viết về chi tiết quan trọng này. Tôi chỉ muốn nhắc đến một chi tiết có liên quan.
Khi Hội sử học tổ chức lễ tưởng niệm tướng Phạm Kiệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự và phát biểu về vị tướng của mình và nhắc đến chi tiết: Khi tướng Phạm Kiệt được giao nhiệm vụ đi kiểm tra trận địa pháo binh trước lúc nổ súng thì chính ông đã phát hiện và báo cáo với vị Tổng tư lệnh của mình nỗi lo lắng rằng, nếu bố trí trận địa pháo binh như thế này thì khi đối phương phản pháo sẽ dễ bị tổn thất. Từ chi tiết đó, Đại tướng quyết định xem xét lại toàn bộ, trong đó, có phương châm tác chiến.
Đánh nhanh thắng nhanh là phương châm đã được quyết định, lại có sự tham gia của các cố vấn Trung Quốc, thay đổi phương châm trước hết phải thuyết phục được những đồng đội của mình, cũng như cố vấn, bảo đảm phải chắc thắng. Đại tướng đã vượt qua cái khó khăn ấy, trước hết nhờ sự sáng suốt của Bác Hồ đã thay mặt Trung ương mà giao toàn quyền cho người chỉ huy mặt trận, thứ hai là quan điểm bám sát thực tiễn để thực hiện bằng được cái điều mà Bác Hồ đã căn dặn trước khi ra mặt trận: Chắc thắng mới đánh.
Trần Thị Hải
Có người nói ông chính là vị “Trợ lý trọn đời” của “Đại tướng Nhân dân”. Ông cảm thấy thế nào về tên gọi này?
Đại tá Nguyễn Huyên:
Cho đến giờ, tôi sẵn sàng phục vụ Đại tướng đến cùng. Đưa một người khác để thay thế tôi làm trợ lý cho Đại tướng thì cũng khó khi Đại tướng đã tuổi cao, sức đã không còn như trước. Tâm tư tôi thì cũng muốn làm trợ lý cho Đại tướng đến cùng.
Trần Kim Oanh
Thưa trung tướng Lê Hữu Đức, điều gì trong nghệ thuật quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà Trung tướng thấy có sức ảnh hưởng sâu rộng nhất?
Trung tướng Lê Hữu Đức:
Theo tôi, trong nghệ thuật quân sự của anh Văn điều có sức ảnh hưởng sâu rộng nhất chính là phương pháp luận hết sức trong sáng, sâu sắc và luôn luôn khoa học, không hề có chút mảy may nào là duy ý chí cả.
Trên chiến trường thực tế cũng như chiến lược, đồng chí luôn giữ vững điều đó. Khi quyết định kéo pháo ra khỏi Điện Biên Phủ, cả ngày, họp Đảng uỷ mặt trận Điện Biên Phủ, không ai đồng ý với ý kiến của Đại tướng. Ai cũng cho rằng, đã có điều kiện đầy đủ như vậy thì cần phải đánh ngay để giải quyết địch trong 13 cứ điểm trong 2 đêm 3 ngày.
Nhiều ý kiến cho rằng, đã động viên bộ đội kéo pháo vào nay lại kéo pháo ra thì nói thế nào với bộ đội, rồi lùi lại một tháng, mưa ập tới thì vận chuyện sẽ rất khó khăn...
Nhưng Đại tướng vẫn kiên trì thuyết phục mọi người. Đại tướng cũng nêu rõ: "Trước đây, mới chỉ đánh địch trong 1 tiểu đoàn còn ở đây tới tận 13 cứ điểm, thì liệu các đồng chí có đánh thắng được ngay không?"
Đại tướng cũng nhấn mạnh, động viên tinh thần bộ đội và các vấn đề khác đều quan trọng nhưng phải đảm bảo đánh thắng thì mới đánh. Sau đó, tất cả đều đồng ý với quyết định kéo pháo ra của Đại tướng.
Sau này, khi tổng kết lại chiến dịch Điện Biên Phủ tại Hội trường Câu lạc bộ quân đội, đồng chí Phạm Hùng nói rằng, khi nghe thấy điện của Đại tướng nói rằng, kéo pháo ra, tôi đã thở phào, nhẹ người và sau đó, kéo pháo vào thì tôi tin chắc thắng.
Còn đồng chí Lê Trọng Tấn sau này nói với Tổng tư lệnh rằng: "Nếu lúc đó đánh nhanh, giải quyết nhanh thì chắc chúng tôi không còn để hôm nay đánh Pháp, đánh Mỹ với Tổng tư lệnh."
Sự dân chủ quân sự là rất quan trọng. Càng dân chủ bao nhiêu thì càng tập hợp hết ý kiến của quần chúng, mới thấy được sức mạnh, nhược điểm của ta để khắc phục, để tránh.
Trung tướng Lê Hữu Đức giao lưu với độc giả từ nhà riêng. Ảnh: Thành Chung.
Bế Huy Hoàng
Thưa Đại tá Nguyễn Huyên, bản thân ông trong làm việc và cuộc sống, ông học được điều gì lớn nhất từ Đại tướng?
Đại tá Nguyễn Huyên:
Tôi học được rất nhiều từ Đại tướng. Tôi học đạo đức của Đại tướng để tự rèn luyện mình. Đại tướng thường hay nói với chúng tôi những lời dạy của Bác Hồ. Chúng tôi rèn luyện theo tinh thần đó. Đại tướng là người thực hiện theo những lời dạy đó. Chúng tôi học một tấm gương lớn như Đại tướng - không hề có mảy may ích kỷ mà chỉ vì cái chung.
Là người trí thức, Đại tướng hiểu rộng nhưng không bao giờ thoả mãn mà luôn tích cực học hỏi, nghiên cứu để rút ra kết luận chỉ đạo công việc. Đó là tinh thần tự học tập. Tiếp nữa là tác phong thực tiễn. Đại tướng đi nhiều địa phương đơn vị chứ không chỉ nghe báo cáo.
Mai Lan
Ông rất ít xuất hiện trên báo chí, mặc dù nhiều người luôn muốn ông xuất hiện để kể những câu chuyện về Đại tướng. Tại sao vậy ạ?
Đại tá Nguyễn Huyên:
Tôi chỉ có ý nghĩ là lo làm việc, báo chí để tuyên truyền. Tôi ngại báo chí nói về mình. Nhưng khi có dịp báo chí nói về Đại tướng thì tôi cũng sẵn sàng nói. Tôi nghĩ rằng, làm việc với các đồng chí lãnh đạo nên mình nên giữ gìn.
Đại tướng ít nói về gia đình với tôi. Còn về việc nước, Đại tướng hay trao đổi với tôi. Những lần đi địa phương hay Đại hội Đảng, Đại tướng muốn có thông tin. Với Đại tướng, mỗi người phải có ý kiến, có chính kiến. Điều gì đồng ý thì Đại tướng tán thành. Tôi thấy cách làm việc như thế dân chủ và thân tình. Đại tướng là người chỉ huy nhưng không nặng về mệnh lệnh, áp đặt.
Nam Phong
Thưa tướng Thước, ông đánh giá thế nào về quan điểm của Đại tướng: Tham nhũng là nội xâm?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước:
Trong cuộc đời binh nghiệp, đánh giặc ngoài đã vô cùng khó, biết bao nhiêu xương máu của chiến sĩ và đồng bào đổ xuống mới giành được thành quả như hôm nay, đó là một chiến công vĩ đại của dân tộc. Về những năm hoạt động trên chính trường và nghị trường, ngẫm lại câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nội xâm còn nguy hiểm hơn nhiều đối với ngoại xâm, vì một lẽ nó phá ta từ bên trong. Những giặc nội xâm đó cũng chính là những người đang có chức quyền, là ta nhưng lại là địch. Đánh như thế nào để rồi chúng ta quét được giặc nội xâm đó mà vẫn giữ gìn được lực lượng, tổ chức của chúng ta như một câu người ta nói: Đánh một con chuột trong bình pha lê mà không làm vỡ bình pha lê mới là nghệ thuật của Đảng ta của Bác Hồ. Làm sao làm trong sạch được nội bộ Đảng và Nhà nước ta, để thực sự là người công bộc của nhân dân, vì nhân dân.