Phạm Hương Trà - Nữ 33 tuổi
Thưa Đại tá Trần Trọng Trung, được biết ông đã viết hơn 1.000 trang sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vậy trong số tất cả các thông tin, sự kiện, câu chuyện ông đã viết về Đại tướng, ông tâm đắc nhất với câu chuyện nào?
Đại tá Trần Trọng Trung:
Rất nhiều, nhưng tâm đắc nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhớ và vận dụng đầy đủ hai lời dạy của Cụ Hồ: dựa vào dân và dựa chắc vào dân thì không kẻ thù nào làm gì được. Cái đó bây giờ có ý nghĩa rất quan trọng.
Thứ hai, “dĩ công vi thượng”. “Công” ở đây là việc chung, lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, không phải việc tư. “Dĩ công vi thượng” là đặt việc chung lên trên việc tư. Đại tướng đã vận dụng lời dạy trên vào việc họp và triển khai đường lối. Nhờ đó mà nội bộ đoàn kết vì việc chung, nếu không thì dễ sinh ra mâu thuẫn, thậm chí rạn vỡ, mà khi đó kẻ địch sẽ lợi dụng. Đại tướng đã biết đặt cái chung lên trên, cái gì có lợi cho kháng chiến, cho dân tộc thì làm.
Ví dụ, quan điểm của đại tướng, mà như ông vẫn thường hay nói đó là “không giấu dốt”. Khi tác chiến, nếu phát hiện chủ trương tác chiến mà sai thì lập tức phải sửa ngay. Trong chiến dịch Việt Bắc cuối năm 1947, khi phát hiện kế hoạch chuẩn bị sai, sửa ngay. Hay như trong chiến dịch Điện Biên Phủ, phát hiện kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” không khả thi, Đại tướng đã sửa ngay cho phù hợp, chuyển sang kế hoạch “tiến ăn chắc, đánh ăn chắc”.
Trong quan hệ với nhân dân, cái gì có lợi cho dân thì làm, chính vì vậy mà dân tin và yêu. Đại tướng có uy tín với nhân dân chính là chỗ ấy. Đại tướng đi đến đâu là giải quyết những vấn đề cho dân ở chỗ ấy. Ngay cả những năm trước khởi nghĩa, giai đoạn 1941 – 1945, đại tướng được Cụ Hồ giao cho nhiệm vụ làm công tác vận động quần chúng, ông đã cùng ăn với dân, cùng ở với dân, làm với dân, học tiếng của các đồng bào dân tộc thiểu số để mà nghe, hiểu và nói với dân.
Lưu Thị Hoan - Nữ 60 tuổi
Có một chi tiết đặc biệt về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là: Đại tướng chưa từng trải qua trường lớp đào tạo nào về quân sự, ngay cả lần Bác Hồ định cử sang Diên An, Trung Quốc học năm 1941 nhưng cũng phải hủy vì tình hình thế giới có nhiều biến đổi phải thay đổi sách lược. Ở góc độ nghiên cứu lịch sử, ông đã từng biết vị tướng lừng danh nào chưa từng qua trường lớp tương tự chưa, và theo ông thì thiên tài quân sự mà Đại tướng có được là do đâu?
Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc:
Những đạo quân xâm lược thường là những đạo quân nhà nghề được đào tạo bài bản và những người chỉ huy cũng thường là những quân nhân chuyên nghiệp. Quân đội ta là quân đội nhân dân mà ngay khi mới thành lập Bác Hồ đã nhấn mạnh đến sức mạnh chính trị của nó gắn liền với mục tiêu chính nghĩa, cho nên tên gọi của tiền thân quân đội ta là Tuyên truyền Giải phóng quân.
Trong lực lượng vũ trang của ta thưở ban đầu cũng có một số người được đào tạo trong các trường quân sự hoặc của Pháp hay từ Trung Quốc nhưng về căn bản là những người hoạt động chính trị và trưởng thành nhờ đường lối chính trị đúng đắn và những trải nghiệm của thực tiễn. Có một chi tiết khi Bác đặt bí danh cho người đứng đầu lực lưỡng vũ trang là "Anh Văn", có lẽ cũng là lời nhắc nhở cái nguyên lý ấy. Nói như vậy không có nghĩa những tài năng quân sự như Võ Nguyên Giáp và nhiều vị tướng lĩnh khác chỉ là bản năng mà còn là kết quả của một quá trình học tập không ngừng từ những tri thức quân sự của ông cha ta, cũng như của thế giới.
Chúng ta biết rằng, khi cuộc kháng chiến chống Pháp mới bùng nổ, trong lực lượng vũ trang của chúng ta có những quân nhân người Nhật, những hàng binh của quân đội Pháp cũng giúp chúng ta nhiều kiến thức quân sự của một lực lượng vũ trang xuất thân hoàn toàn từ những người dân chưa bao giờ cầm súng. Cùng với quá trình xây dựng lực lượng tiến hành chiến tranh ngày càng chính quy hiện đại, tuy chúng ta có được đào tạo ở các trường quân sự của các nước xã hội chủ nghĩa, kể cả có sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài thì yếu tố quyết định vẫn là cách đánh của Việt Nam.
Hồ Hữu Ninh - Nam 34 tuổi
Tướng Giáp là một vĩ nhân tôi được biết không chỉ qua những chiến công hiển hách mà cả vì nhân cách của một "Con người" hết lòng vì đồng bào mình. Tôi đã từng chứng kiến ông dừng xe thăm hỏi một cụ già chăn trâu ngay gần nhà tôi trong chuyến về thăm quê hương Quảng Bình năm 1993. Hành động rất nhỏ nhưng thể hiện nhân cách vĩ đại. Kính chúc ông trưòng thọ để tiếp thêm niềm tin cho lớp trẻ chúng tôi trước cuộc sống hiện đại ngày nay đây cám dỗ và xô bồ. Nhân đây xin hỏi Đại tá Trần Hồng, ông đã từng chụp bức ảnh nào Đại tướng tiếp xúc với người dân chưa và ghi nhận, cảm xúc của Đại tá khi đó là như thế nào?
Đại tá Trần Hồng:
Cảm ơn sự nhìn nhận tinh tế của anh Ninh.
Nếu anh có cơ hội được tiếp xúc nhiều hơn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp chắc chắn anh sẽ thường xuyên được bắt gặp những hình ảnh xúc động như vậy từ Đại tướng. Khi nào có cơ hội gặp mặt, tôi sẽ chia sẻ cho anh xem một số những bức ảnh mà ai xem xong cũng phải cảm thấy ngưỡng mộ những cử chỉ của Đại Tướng.
Ví dụ: Trong chuyến thăm Điện Biên Phủ nhân kỉ niệm 50 năm chiến thắng, trên đường ra thăm Nghĩa trang đồi A1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cúi xuống nhặt 1 thẻ hương mà ai đó đã vô tình đánh rơi. Tay Đại tướng cầm hương nhưng mắt ông rớm lệ.
Trong số ảnh mà tôi chụp được, đã rất nhiều lần đại tướng đã khóc vì khi ông có hội tiếp xúc với đồng bào, ông thấy người dân Việt Nam còn quá khổ và cảm thấy vô cùng thương sót trước những hoàn cảnh éo le.
Những lần ông trở về thăm Việt Bắc, Tây Bắc, ông đều nói bằng tiếng dân tộc nên tất cả những ai có cơ hội được tiếp xúc cùng Đại tướng đều cảm thấy rất gần gũi và xúc động.
Chính tôi cũng đã phải rơi nước mắt khi chứng kiến bữa ăn vô cùng đạm bạc của Đại tướng cùng với người dân nơi đây.
Nguyễn Minh Khanh - Nam 27 tuổi
Trong những ngày chiến đấu với quân thù, những người lĩnh các ông thường kể chuỵện gì, nghĩ điều gì về Đại tướng?
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương:
Những giờ phút chiến đấu căng thẳng với quân thù, những giờ phút hiếm hoi ở hậu cứ hay chuẩn bị cho 1 trận đánh lớn thì 1 trong những điều đầu tiên mà chúng tôi thường trao đổi với nhau là đánh chắc thắng trận này, giảm thiểu xương máu. Chính điều đó một cách tự nhiên đã đưa chúng tôi đến với tư tưởng quân sự lỗi lạc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi đã thực hiện những điều này trong mỗi trận đánh, trong mỗi chiến dịch cho đến khi kết thúc chiến tranh. Đó là tư tưởng nhân văn cực lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nguyễn Minh Khanh - Nam 27 tuổi
Thưa nhà sử học Dương Trung Quốc, nếu chỉ nói ngắn gọn 3 điều làm nên tên tuổi Tướng Giáp thì đó là những điều gì?
Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc:
Ba điều? Tại sao không phải là 1 điều hay nhiều điều? Riêng tôi thấy ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một con người có học, biết phát huy được những hiểu biết về quá khứ (ông thầy dạy sử), lại sớm tiếp cận được những tri thức hiện đại (một cử nhân luật) và đương nhiên, cái làm nên sự nghiệp của ông chính là cái thời đại mà ông được sống, được trải nghiệm cùng với thế hệ của mình, trong đó nổi bật là ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trịnh Xuân Tuân - Nam 26 tuổi
Qua một số cuốn sách, cháu được biết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất thần tượng Napoleon. Thưa bác Dương Trung Quốc, chiến thuật quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Napoleon có nhiều nét tương đồng không ạ?
Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc:
Tôi chưa đọc ở đâu thấy Đại tướng coi Napoleon là một thần tượng nhưng ông nghiên cứu rất kỹ về nhân vật lịch sử này khi còn là một sinh viên luật hay là ông thầy dạy sử. Tài năng quân sự của Napoleon thì cả thế giới đều biết nhưng sự khác biệt nhất giữa Napoleon và Võ Nguyên Giáp là một bên là viên tướng của những cuộc viễn chinh xâm lược, còn một bên là một vị tướng của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của mình.
Thứ Hoàng - Nam 21 tuổi
Thưa Thiếu tướng Lê Mã Lương, nếu có ý tưởng về việc lập một bảo tàng riêng về sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thì với cương vị từng là GĐ Bảo tàng Lịch sử VN, ông thấy có đủ lượng tư liệu lịch sử để thực hiện việc này không và có khả thi không?
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương:
Ý tưởng của bạn rất hay. Tôi cũng đã từng nghĩ đến bảo tàng Võ Nguyên Giáp. Những tư liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng khá phong phú, đa dạng. Có thể lập 1 bảo tàng riêng về Đại tướng với hàng vạn hiện vật.
Ánh Nga - Nữ 33 tuổi
Thiếu tướng Lê Mã Lương từng nổi tiếng với câu nói “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù”, còn với Thiếu Tướng, câu nói nào của Tướng Giáp khiến ông khắc cốt ghi tâm? Tại sao?
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương:
Năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trong một cuộc gặp với các cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại thành phố Điện Biên, Đại tướng nói: “Hôm nay chúng ta gặp được nhau tại đây là quý lắm rồi!”. Tôi rất tâm đắc với câu nói của Đại tướng. Nó thể hiện tính nhân văn quân sự, văn hoá của một nhà cầm quân lỗi lạc. Điều đó chứng tỏ Đại tướng rất quan tâm đến sinh mệnh chính trị, đến giá trị sống của con người.
Hồng Dương - Nam 30 tuổi
Trong số hàng nghìn bức ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có bức ảnh nào ông cảm thấy không ưng ý vì không lột tả hết được thần thái của Đại tướng không? và đó là bức ảnh chụp trong hoàn cảnh nào?
Đại tá Trần Hồng:
Trước tiên, tôi xin cảm ơn câu hỏi của bạn!
Trong số gần 2000 bức ảnh mà tôi lưu giữ, tôi phải nói rằng tôi yêu mến và coi trọng từng bức ảnh. Nhưng bên cạnh đó, rất khó để có thể tránh khỏi những lúc lơ đãng khiến cho bức ảnh không được sắc nét như ý hay bối cạnh chưa thực sự hợp lý... Đó chính lúc tôi cảm thấy căm giận bản thân nhất.
Dẫu vậy, tôi vẫn luôn lưu giữ, trân trọng từng bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vì với tôi, những hình ảnh này là một kho tàng vô giác. Cũng có những người bạn nói với tôi rằng, họ không thích một số bức ảnh do tôi chụp. Nhưng với tôi, nó là lịch sự, nó là những khoảnh khắc tuyệt vời nhất và luôn dành cho những từng bức ảnh một tình cảm đặc biệt.
Nguyễn Văn Tình - Nam 25 tuổi
Thưa bác Trần Hồng, bác là người chụp ảnh cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vậy bác có thể nói cho cháu biết được, những khoảnh khắc nào trong công việc, cũng như trong cuộc sống của Đại tướng là khó nắm bắt nhất? và bác đã phải làm cách nào để có thể nắm bắt được những khoảnh khắc đó?
Đại tá Trần Hồng:
Tôi đã có nhiều năm chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mỗi lần tôi được gặp mặt Đại tướng, tôi đều cảm thấy rất xúc động.
Đối với tôi, hình ảnh của Đại tướng quá lớn, xét ở góc độ nào thì Đại tướng cũng là một đại diện vĩ đại cho dân tộc ta. Và dù bằng cách nào đi chăng nữa, có những lúc ống kính của tôi bất lực trước một nhân vật quá đồ sộ về mọi phương diện. Vì ở góc độ nào, Đại tướng cũng là một con người rất tiêu biểu.
Tuy nhiên, tôi vẫn luôn tự tin về sự hiểu biết của mình về Đại tướng và kiên nhẫn chờ đợi khoảnh khắc bộc lộ những phẩm chất mà tôi ao ước từ Đại tướng. Như vậy cũng đã đủ để khiến tôi cảm thấy bằng lòng.
Đoàn Lê Huy - Nam 47 tuổi
Trong lời kể của Trung tướng về chiến dịch Điện Biên Phủ có nêu, sau khi quyết định chuyển từ Đánh nhanh thắng nhanh sang Đánh chắc thắng chắc thì chính Đại đoàn 308 (khi đó có Trung tướng) làm nhiệm vụ nghi binh di chuyển sang Luông Phabang. Xin Trung tướng kể lại: Khi đó Trung tướng đảm nhiệm cương vị gì, tiếp nhận chỉ thị có "hẫng hụt" không (vì khí thế tấn công ĐBP lên cao); và quá trình Đại đoàn của ông thực hiện nhiệm vụ đánh đBP như thế nào?
Trung tướng Phạm Hồng Cư:
Nếu Đại tướng Võ Nguyên Giáp không thay đổi cách đánh từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc thắng chắc thì thế hệ của tôi, nhiều người đã nằm lại cánh đồng Mường Thanh. Đó là câu chuyện kéo pháo vào kéo pháo ra, quyết định khó khăn nhất trong đời chỉ huy của Đại tướng.
Khi đó, Đại tướng nhận thấy chiến lược đánh nhanh thắng nhanh không phù hợp vì quân đội chúng ta chưa có đủ năng lực và thời gian chuẩn bị. Đại tướng đã thuyết phục cố vấn Trung Quốc và Đảng ủy mặt trận, đưa ra quyết định phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Quá trình thuyết phục cũng rất công phu. Khi đó, Đại tướng đã chia sẻ lời căn dặn của Bác Hồ "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh". Đảng ủy sau đó cân nhắc rồi quyết định thay đổi cách đánh.
Khi Đại tướng hạ quyết định thay đổi cách đánh, một mặt thay đổi cho pháo binh, bộ binh, đại đoàn 308 hành quân sang Lào, thực hiện nghi binh chiến lược, đánh lừa quân Pháp.
Khi nhân được lệnh, chúng tôi dù có người chưa hiểu rõ nhưng vẫn nhanh chóng chấp hành, vì quân lệnh như sơn và tuyệt đối tin tưởng ở cấp trên. 14h nhận lệnh thì 16h xuất phát.
Chúng tôi chia làm 2 nhánh khác nhau, nhờ người dân dẫn đường vượt qua biên giới Lào, bắt đầu đánh sông Nậm Hu trong 10 ngày rồi vượt sông Mê Kông. Sau khi hoàn thành nhiệm, nhận lệnh Đại tướng quay về 13/3/1954, trông thấy Him Lam bốc cháy pháo binh ta đang công đồn, bộ đội hân hoan mừng chiến thắng.
Nguyễn Văn Dũng - Nam 18 tuổi
Thưa nhà sử học Dương Trung Quốc, đánh giá Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những vị tướng lừng danh nhất trong lịch sử nhân loại thì đã nhiều người nói và nói nhiều. Nhưng để tóm gọn lại về những giá trị nghệ thuật quân sự tiêu biểu nhất của Đại tướng thì đó là gì, thưa ông?
Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc:
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị Tổng tư lệnh của 2 cuộc kháng chiến chống "hai đế quốc to" và chúng ta cũng hiểu rằng tên tuổi của ông không thể tách khỏi với sự nghiệp chung của dân tộc.
Nếu phải nói về nghệ thuật quân sự tiêu biểu nhất của Đại tướng, người ta có thể nhắc đến hai thời điểm quyết định, đó là việc thay đổi cách đánh ở Điện Biên Phủ và tinh thần thần tốc trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong hai lần Đại tướng gặp cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Nammara, khi trả lời yếu tố quyết định thắng lợi của Việt Nam thì yếu tố hàng đầu được nhắc đến là "chiến tranh nhân dân". Ví như khi trao đổi về tính cơ động trong chiến tranh, Đại tướng nói rằng Mỹ có đủ các phương tiện hiện đại để hành quân nhanh nhất nhưng lực lượng của Việt Nam thì có mặt ở tất cả những nơi nào quân Mỹ tới. Do vậy, tất cả những ưu thế của đối phương đều không sánh nổi với thế trận của chiến tranh nhân dân.
Đương nhiên, chúng ta hiểu rằng chiến tranh nhân dân cũng là một truyền thống đã làm nên chiến thắng của nhân dân ta trong trường kỳ lịch sử mà thời đại này chúng ta đã kế thừa trên những tư tưởng mang tính thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tất cả những điều viết ra, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh là vì thế.
Đỗ Thu Hiền - Nữ 24 tuổi
Nếu có thể so sánh Đại tướng Võ Nguyên Giáp với một danh tướng khác của Việt Nam ở các thời kỳ lịch sử trước đây, theo ông, đó có thể là vị nào? Và tại sao có thể so sánh như vậy?
Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc:
Tôi thấy không nên so sánh, lịch sử là một dòng chảy liên tục mà thế hệ sau có thể kế thừa những thành tựu và cả những bài học không thành công của thế hệ trước. Bởi vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người có may mắn "đứng trên vai những người khổng lồ" là những anh hùng dân tộc trong quá khứ để cùng thế hệ của mình tạo ra những chiến công mới, những sáng tạo mới.
Nguyễn Bình Minh - Nam 24 tuổi
Thưa Thiếu tướng, đã có khi nào Đại tướng tới thăm binh chủng đặc công chưa? Kỷ niệm đáng nhớ nhất lần thăm đó (nếu có) là gì?
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Mai Năng:
Tôi cũng có lần được gặp Đại tướng tại binh chủng đặc công nhân dịp kỉ niệm ngày thành lập của Binh chủng đặc công,nhưng chưa một lần nào gặp riêng. Đó là lần duy nhất.
Gặp rồi thì thấy đây đúng là người thầy của Quân đội nhân dân Việt Nam: sống chân thành, thân thương với anh em, nhẹ nhàng, giọng nói có tính thuyết phục lòng người làm cho lòng tin của tôi cũng như anh em càng vững vàng hơn.
Tôi luôn mong một ngày được gặp lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp để thăm anh, thăm người cha già của Quân đội nhân dân Việt Nam. Mọi thành công của đặc công chính là lời nói của Đại tướng năm xưa và đã tạo thành sức mạnh thực hiện các nhiệm vụ thắng lợi.
Tôi nhớ nhất là câu nói: “Thần tốc, thần tốc”, và đây cũng là điều chúng tôi cùng đồng đội đã đi nhanh và thực hiện thắng lợi giải phóng Trường Sa góp phần cùng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Nguyễn Ngọc Linh - Nữ 24 tuổi
Thưa Thiếu tướng, khi chỉ thị ông ra giành lại chủ quyền Trường Sa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói gì với ông và câu nói nào khiến ông ghi nhớ nhất?
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Mai Năng:
Tôi không được nghe trực tiếp mà qua Phó Tư lệnh quân chủng Hải quân có nhắc lại chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Hải quân phải tập trung mọi khả năng, mọi biện pháp đánh chiếm và giải phóng mọi các đảo do quân ngụy Sài Gòn chiếm giữ trên quần đảo Trường Sa, không cho bất cứ kẻ nào được xâm chiếm các nơi đó”.
Sau khi nghe chỉ thị này, anh em mới bàn nhau: “Xa mấy cũng đi, khó mấy cũng đến, đến là đánh và quyết đánh thắng ngay trận đầu”.
Có cái khó là anh em hầu hết là dân không đi biển, xuống say sóng.Nhưng khi có lệnh chuẩn bị chiến đấu, tất cả đều vùng dậy và muốn được tham gia và đi đánh ngay trận đánh.
Câu nói nhớ nhất: “Đặc công là công tác đặc biệt, nhưng trước hết là đặc biệt trung thành với Đảng và nhân dân. Nhiệm vụ khó khăn đặc biệt nào cũng hoàn thành đặc biệt cao”. Đó là kỉ niệm không chỉ với tôi mà với tất cả anh em đặc công. Đây là câu nói của Bác Hồ và được đại tướng truyền Võ Nguyên Giáp “truyền lửa” cho anh em đặc công trong trận giành lại chủ quyền Trường Sa tháng 4/1975.
Và chính câu nói đó đã trở thành tiềm thức, suy nghĩ, lý trí và quyết tâm của mỗi người luôn luôn suy nghĩ và sáng tạo để thực hiện nhiệm vụ thắng lợi.
Quang Hà - Nam 40 tuổi
Theo Trung tướng, nếu chỉ nói ngắn gọn 3 điều làm nên tên tuổi Tướng Giáp thì đó là những điều gì?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước:
Chỉ có 3 điều mà nói về Đại tướng thì quá khó. Cả một bộ tổng tập về Đại tướng chắc cũng chưa thể nói hết. Sau này chắc còn nhiều tổng tập về Đại tướng nữa.
Tuy nhiên, với lòng chiêm ngưỡng với Đại tướng xin mạo muội đôi điều về Đại tướng: Nói về Đại tướng, trước hết là nói về một vị tướng đích thực của nhân dân, một vị tướng đã đánh bại tất cả các vị tướng đã từng đưa quân sang xâm lược Việt Nam. Thứ 2, là vị tướng anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, vị tướng của tất cả các tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thứ 3, vị tướng - người học trò đích thực của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trọng Hoàng - Nam 33 tuổi
Thưa đại tá Nguyễn Huyên, trong thời gian làm trợ lý cho Đại tướng, ông có sợ Đại tướng không? Đã bao giờ ông bị Đại tướng mắng chưa?
Đại tá Nguyễn Huyên:
Tôi có khoảng thời gian gần 40 năm giúp việc cho đại tướng. Tôi thấy Đại tướng là người rất dân chủ, thương yêu cán bộ chiến sỹ, thân thiện với cấp dưới, gần gũi và kính trọng đồng bào. Tôi thích nhất đó là "có suy nghĩ gì thì nói cái ấy" với Đại tướng. Đại tướng thích người có chính kiến và phát biểu ý kiến của mình.
Tôi chưa bao giờ bị Đại tướng mắng. Tôi cũng chưa bao giờ thấy Đại tướng cáu gắt với con cháu trong gia đình. Khi có việc gì đó không bằng lòng thì Đại tướng không mắng mà chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng thôi.
Hoàng Mai Nhung - Nữ 32 tuổi
Thưa Đại tá Nguyễn Huyên, ông có thể chia sẻ về kỷ niệm lần đầu tiên gặp Đại tướng Võ Nguyễn Giáp? Khi biết được làm trợ lý cho một vị tướng huyền thoại như Đại tướng, cảm giác của ông thế nào ạ? Hồi hộp, lo lắng, hãnh diện?
Đại tá Nguyễn Huyên:
Tôi làm cán bộ nghiên cứu trong quân đội, khi được lệnh của cấp trên điều về làm việc với Đại tướng, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì được tiếp xúc với Đại tướng, được học hỏi nhiều điều, còn lo vì không biết có làm được việc không. Nhưng tôi có niềm tin vào bản thân vì đã trải qua thời kỳ làm công tác nghiên cứu nên tin là có thể giúp Đại tướng.
Lần đầu tiên gặp Đại tướng, tôi được gọi là anh Văn một cách rất thân thiết. Bình dị và gần gũi là những ấn tượng đầu tiên của tôi về con người Đại tướng.
Lúc chưa gặp Đại tướng, tôi nghĩ rằng chắc Đại tướng là nghiêm nghị lắm và sợ Đại tướng hỏi mà không trả lời được. Nhưng cảm giác khi gặp thì lại trái ngược so với trước khi gặp.
Hoàng Hải Hà - Nam 28 tuổi
Thưa Đại tá Trần Hồng, được biết Đại tá là một người dành nhiều tâm huyết để chụp ảnh về Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, vậy Đại tá có thể chia sẻ về duyên cơ nào ông lại có cơ hội được chụp ảnh và được gắn bó nhiều về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như vậy?
Đại tá Trần Hồng:
Sau khi về làm tại báo Quân đội nhân dân, tôi luôn ước mong có cơ hội được chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và cơ hội đó cũng là may mắn.
Vào một chiều thu, tháng 10/1994, tôi đến nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp để xin trình bày nguyện vọng của mình thì gặp thư ký ở vườn nhà và họ không đồng ý. Lúc đó tôi đang đứng ở vườn thì gặp Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đi tới.
Sau khi biết tôi có nguyện vọng như vậy thì Đại tướng có chất vấn tôi mấy câu và sau đó thì nói với anh thư ký là: “Để cho cậu nhà báo này vào gặp tôi bất cứ lúc nào”.
Cũng từ đó, ngoài viêc phải hoàn thành nhiệm vụ thì tôi luôn mong muốn được ghi lại những hình ảnh, khoảnh khắc về người mà tôi và cả nước luôn luôn kính trọng. Tôi muốn ghi lại tất cả những khoảnh khắc từ công việc rồi cuộc sống đời thường của Đại tướng.
Nguyễn Văn Lập - Nam 28 tuổi
Các tài liệu về cuộc đời và công lao của Đại tướng thì có rất nhiều. Theo bác, cuốn sách nào đầy đủ nhất và hữu ích nhất để người ta tìm hiểu về Đại tướng?(Bác Dương Trung Quốc)
Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc:
Đến hôm nay, Đại tướng vẫn đang sống với chúng ta, một công trình tổng kết toàn bộ cuộc đời của ông chắc chưa phải là bây giờ, nhưng những công trình đã được công bố của các tác giả nước ngoài và nhiều nhà nghiên cứu trong nước, theo tôi mới chỉ là những phác thảo ban đầu.
Vả lại, với những nhân vật gắn liền với lịch sử như Đại tướng, phải có độ lùi của thời gian mới có thể nhận thức được đầy đủ, trọn vẹn. Dẫu sao, tôi rất trân trọng những công trình đã được công bố vì nó cho thấy phần nào tầm vóc của ông đối với thời đại ông sống. Tôi muốn nói thêm là Đại tướng rất quan tâm đến việc nghiên cứu và tôn vinh những người đồng đội của ông, trong đó, có nhiều vị tướng lừng danh, xứng đáng được lưu danh lâu dài trong lịch sử dân tộc.
Hoàng Hải - Nam 32 tuổi
Thưa Thiếu tướng Lê Mã Lương, biết ông từng làm Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam rất nhiều năm trước khi về nghỉ hưu. Vậy trong bảo tàng hiện nay có còn lưu giữ kỷ vật gì gắn liền với ngày thành Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của vị Đại tướng yêu quý của chúng ta ạ?
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương:
Trong số hàng vạn hiện vật ở bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam thì có hàng chục hiện vật liên quan đến 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và hiện vật liên quan đến trận đánh Khay Phắt 23/12/1944 và trận Nà Ngần 25/12/1944. Trong đó, có những khẩu súng kíp, thanh mã tấu, nồi cơm, bát ăn… của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và những khẩu súng mà Đội thu được trong 2 trận đánh Phay Khắt, Nà Ngần.
Nguyễn Trọng Phú - Nam 53 tuổi
Thưa nhà sử học Dương Trung Quốc. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi cách đánh, từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc thắng chắc". Có phải tư tưởng quyết thắng đồng thời tiết kiệm sinh mạng của người lính đã đưa Đại tướng đến quyết định quan trọng này? và theo nhà sử học thì tính thời đại của quyết định đó như thế nào?
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương:
Theo tôi đó là 1 quyết định chính xác. Nhưng phải là những con người có tầm vóc lịch sử, có trí tuệ cao siêu, bản lĩnh kiên cường, tính độc lập cao và dám chịu trách nhiệm trước sinh mệnh của những người lính mới thể hiện được 1 quyết định sáng suốt như vậy. Đó chính là bài học cho thế hệ chúng tôi, những người trưởng thành trong chống Mỹ. Khi bước vào những trận đánh, điều trước tiên là quyết tâm giành chiến thắng và tiết kiệm xương máu người lính đến mức tối đa. Đó chính là bài học mà chúng tôi đã rút ra được từ Đại tướng.
Mai Đức Tiến - Nam 30 tuổi
Xin hỏi vị Tư lệnh binh chủng đặc công huyền thoại Thiếu tướng Mai Năng, khi quân đội ta vào giải phóng quần đảo Trường Sa, quân trang của chúng ta có những gì mà khiến cho đế quốc Mỹ phải đầu hàng?
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Mai Năng:
Khi đánh vào đó chủ yếu mình có nội dung kĩ thuật đặc biệt của bộ đội đặc biệt: Trung với Đảng hiếu với dân cũng là ở đây.
Khi tiến quân giải phóng Trường Sa chúng ta chỉ có vũ khí thô sơ: súng chỉ có tiểu liên, súng hỏa lực dùng chủ yếu B41 vì tiện nhất, bắn chính xác nhất; cũng có trang bị cối, DKZ nhưng đó chỉ là dùng cho phòng thủ chứ không phải dùng cho tấn công.
Trang phục chủ yếu quần áo lót để tiện cho bơi. Phao bảo hiểm luôn ở trong người nhưng khi nào cần mới bật lên.
Hải quân đưa vào chiến trường miền Nam trên 5000 quân được huấn luyện ngoài Bắc đưa chi viện chiến trường sông biển miền Nam. Đây cũng là thành công của Bộ tư lệnh đặc công đã suy nghĩ, nghiên cứu và xây dựng lực lượng đặc công của Hải quân.
thuyhoang - Nữ 21 tuổi
Thưa Thiếu tướng Lê Mã Lương, xin ông chia sẻ một vài câu chuyện thú vị trong quá trình bảo quản và trưng bày các hiện vật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN? Ông có kỷ niệm nào đặc biệt với các vị khách tham quan những hiện vật này không?
Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương:
Ở bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam trong số hàng vạn hiện vật thì có hàng chục hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong đó đặc biệt có khẩu súng ngắn mà Bác Hồ đã tặng cho Đại tướng năm 1945 và chiếc áo khoác Đại tướng đã dùng suốt từ năm 1946. Với những hiện vật này, việc bảo quản gặp rất nhiều khó khăn. Vì khí hậu Việt Nam độ ẩm cao, trong khi đó hiện vật đã có tuổi thọ đến nửa thế kỷ. Tuy nhiên bảo tàng đã khắc phục những khó khăn, bằng những thiết bị kỹ thuật bảo quản mới nên những hiện vật của Đại tướng vẫn giữ được nguyên trạng và được khách tham quan ghi nhận.
Năm 2005, trong một lần tiếp xúc với nhà sử học người Mỹ, ông vốn là 1 lính thuỷ đánh bộ Mỹ mà tôi đã từng chạm trán đơn vị của ông ở Quảng Trị năm 1968. Khi tôi giới thiệu những hiện vật của Đại tướng, ông rất ngạc nhiên là những hiện vật này vừa có giá trị cao về mặt văn hoá về khoa học, vể lịch sử và nhân văn vẫn còn nguyên vẹn.
Phương Hồng - Nữ 28 tuổi
Ông gặp tướng Giáp lần đầu tiên khi nào và ấn tượng trong lần đầu tiên gặp gỡ đó như thế nào ạ?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước:
Nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp không riêng gì quân đội nhân dân Việt Nam mà toàn thế giới đều biết đến với lòng ngưỡng mộ sâu sắc. Bản thân tôi sau 25 năm trong đời quân ngũ, vào những năm tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ mới có điều kiện trực tiếp gặp và làm việc với Đại tướng.
Cảm nhận đầu tiên về Đại tướng khi gặp Đại tướng chưa biết tôi liền hỏi: "Cậu vào chiến trường miền Nam đã lâu chưa?", tôi trả lời: "Tôi vào từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, sau 10 năm mới được ra gặp Đại tướng tại miền Bắc". Đại tướng hỏi tôi: "Thế sau 10 năm đã được về thăm gia đình mấy lần rồi và tình hình vợ con thế nào?", tôi trả lời: "Thưa Đại tướng, đây là lần đầu tiên tôi được ra miền Bắc sau 10 năm. Đại tướng hỏi: "Sao lại lâu thế?", tôi trả lời: "Những cán bộ chỉ huy đánh giặc giỏi luôn được chỉ huy cấp trên quan tâm giữ lại và động viên để chỉ huy chiến đấu giành thắng lợi cho chiến trường". Với tính hài hước, tôi đọc 4 câu thơ cho Đại tướng được lưu lại trên chiến trường: "Bộ vào rồi bộ lại ra, Các em ở lại xông pha chiến trường, Bộ rằng bộ nghĩ cũng thương, Nhiệm vụ chiến trường bộ biết nói sao?" Đại tướng cười và nói gọn: "Thôi lần này chịu khó trở lại chiến trường, ít nữa sẽ được trở về với gia đình lâu hơn."
Câu chuyện thứ hai, Đại tướng hỏi tôi: "Vũ Lăng, tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, người đồng chí thân cận của Đại tướng vào trong đấy có khỏe không?". Tôi trả lời: "Vào được 10 ngày thì bị sốt rét nặng nhưng vẫn ngồi bên bản đồ trong cơ quan chỉ huy tác chiến". Đại tướng nói: "Lính cậu vào Tây Nguyên sốt rét là phải. Cậu vào nói với Vũ Lăng cố gắng lên, chiến thắng rồi sẽ ra miền Bắc chữa bệnh."
Hai câu chuyện nhỏ đó toát lên tình cảm của Đại tướng dành cho những người đồng chí đồng đội ở chiến trường. Lần này, 25 năm trong đời quân ngũ, 10 năm liên tục trong chiến trường may mắn cho tôi được ra miền Bắc trong một thời điểm lịch sử đặc biệt của đất nước: Chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công giải phóng miền Nam. Tôi thay mặt Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên lần này ra nhận lệnh trực tiếp của Đại tướng trong một tình hình vô cùng đặc biệt. Sau khi Bộ Chính trị hạ quyết tâm về chiến cuộc 1975-1976, sau khi làm việc với Bộ Tổng tham mưu và nhận lệnh trực tiếp của đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi được sang trực tiếp nhận mệnh lệnh chính thức của Đại tướng tại nhà riêng ở đường Hoàng Diệu. Tôi được biết Đại tướng vừa đi điều trị tại Liên Xô về sức khỏe rất yếu nên cứ 30 phút làm việc lại phải để Đại tướng nghỉ ngơi một lần. Biết tình hình sức khỏe Đại tướng, tôi báo cáo rất ngắn gọn, rành mạch tình hình chiến trường và nhiệm vụ đã nhận của đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng.
Sau khi nghe báo cáo xong, Đại tướng khen tôi: "Cậu trông có vẻ thông minh, chắc được học nhiều." Tôi trả lời: "Nhờ ơn cha mẹ tôi được học đến bằng thành trung (Diploma)". Đại tướng liền hỏi: "Thế thì tiếng Pháp giỏi lắm! Thế là tốt! Đồng chí vào nhớ giúp đồng chí Vũ Lăng để hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến trường".
Hai ngày sau, tôi chuẩn bị vào chiến trường lại được Đại tướng gọi vào lần thứ 2 làm việc, tôi không hiểu có tình hình gì đột xuất hay sao? Vào gặp Đại tướng liền nói: "Mọi nhiệm vụ và ý định tôi đã nói cả rồi, hôm nay nhắc lại một vấn đề hết sức hệ trọng: Cậu vào báo cáo với Vũ Lăng tình hình có thể sẽ diễn biến hết sức nhanh chóng. Người chỉ huy chiến trường phải nắm bắt thời cơ, nhanh chóng hạ quyết tâm hành động không chờ lệnh của cấp trên. Vấn đề thứ hai đánh vào thành phố lớn Ban Mê Thuật phải tổ chức một mũi thọc sâu bằng bộ binh cơ giới, thọc ngay vào sở chỉ huy của địch". Đại tướng có nói thêm bằng tiếng Pháp: "Detachment Avancé Motorisé".
Hai nội dung đó là tư tưởng chỉ đạo chủ yếu của chiến dịch. Và thực tế khi chiến dịch xảy ra 10/3/1975, mũi thọc sâu đã nhanh chóng đè bẹp các lực lượng của địch, nhanh chóng thọc sâu vào bên sườn sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy tạo điều kiện cho các mũi nhanh chóng giải phóng Ban Mê Thuật trong ngày 11/3/1975.
Sau khi Ban Mê Thuật bị ta đánh chiếm, thế trận của địch trên chiến trường Tây Nguyên bị vỡ. Tập đoàn chiến lược của quân đoàn 2 Ngụy bị vỡ, toàn bộ lực lượng của địch ở Tây Nguyên tháo chạy. Nắm vững tư tưởng chỉ đạo của Tổng tư lệnh, bộ Tư lệnh Tây Nguyên hạ lệnh cho các lực lượng bằng 3 mũi phát triển theo đường 19, đường 7, đường 21 xuống phối hợp với lực lượng địa phương giải phóng 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, giải phóng hoàn 4 tỉnh Tây Nguyên và 3 tình miền Trung Trung Bộ tạo ra đột biến chiến lược tiếp tục phát triển cuộc tổng tấn công giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4/1975. Thế mới biết tài năng của vị Tổng tư lệnh có một không hai. Nếu chiến dịch Tây Nguyên không giành được thắng lợi vang dội như đã diễn ra thì có lẽ chưa có ngày 30/4/1975.
Bế Huy Dưỡng - Nam 26 tuổi
“Võ Nguyên Giáp thời trẻ” được đánh giá là cuốn sách đầy chân thực và xúc động về thời trẻ của Đại tướng. Lý do nào thôi thúc ông viết cuốn sách này và cảm xúc khi ông hoàn thành nó ra sao?
Trung tướng Phạm Hồng Cư:
Lý do để ra đời cuốn sách "Võ Nguyên Giáp thời trẻ" là từ khi Đại tướng gặp Bác Hồ năm 1940 cho tới Điện Biên Phủ, mùa xuân 1945, hồi ức do đại tướng kể, nhà văn Hữu Mai, nhà tuyên huấn kể lại.
Nói chung chỉ có những tư liệu rải rác, hoàn thành từ năm 1994 đến năm 2004, kỷ niệm 25 năm thành lập quân đội. Mất 10 năm vì sưu tầm tư liệu rất công phu, được đánh giá là một tư liệu lịch sử chính xác, không kém phần sinh động.
Khi hoàn thành cuốn sách được sự giúp đỡ của mọi người trong gia đình, đặc biệt là Đại tướng, sau đó phải tìm gặp phu nhân đại tướng là Đặng Bích Hà, em trai Đại tướng là Võ Thuần Nho.
Sau khi hoàn thành bản thảo được Đại tướng sửa lời văn, được NXB Thanh Niên xuất bản. Một tờ báo của Pháp có dịch 1 đoạn về cuộc bãi khóa 1927, được người Pháp đánh giá cao.
Bùi Vân Trang - Nữ 27 tuổi
Là người viết cuốn sách Thời trẻ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nếu có thể xin ông rút ra 3 từ chính xác nhất nói về chí khí - trí tuệ - và dũng khí của Đại tướng thời trẻ?
Trung tướng Phạm Hồng Cư:
Nếu để nói tóm tắt về tuổi trẻ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong 3 từ thì đó là một tuổi trẻ đầy lòng yêu nước, thông minh và dấn thân vào con đường đấu tranh cách mạng. Đại tướng tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi. Từ năm 1936 đến 1940, Đại tướng vừa là nhà báo, thầy giáo vừa là sinh viên trường Luật.
Phạm Văn Thái - Nam 24 tuổi
Là một nhà sử học, nghiên cứu rất nhiều về lịch sử cũng như các vị anh hùng của dân tộc, bác có thể cho biết có điểm gì đặc biệt của bác Võ Nguyên Giáp khác biệt với các vị anh hùng dân tộc khác?
Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc:
Trước khi trở thành một Đại tướng, Võ Nguyên Giáp là một ông giáo dạy sử trường Thăng Long. Hơn thế nữa, những chương trình ông học ở nhà trường thực dân cũng truyền đạt không ít những kiến thức lịch sử thế giới. Chính những tri thức lịch sử ấy đã trở thành một phần những yếu tố để ông dấn thân vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chắc chắn không chỉ những tấm gương của những người anh hùng cứu nước như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung... mà cả những bài học thành bại trong lịch sử dân tộc sau này cũng trở thành một phần hành trang trong cuộc chiến đấu của mình.
Ông thường nói với chúng tôi khi còn trẻ học ở trường Bưởi, hàng ngày ông và các bạn học của mình đều đi ngang qua thành Cửa Bắc, nhìn vết đạn của thực dân mà nuôi lòng cứu nước. Khi đã trở thành một nhà hoạt động chính trị, cũng như một vị tướng, ông viết rất nhiều công trình mang tính chất tổng kết lịch sử. Ví như, cùng với Trường Chinh, ông viết cuốn "Vấn đề dân cày" để tổng kết lịch sử về người nông dân Việt Nam. Ông là một nhà sử học thực thụ với những công trình tổng kết về lý luận, đặc biệt là những tập hồi ức của ông, có thể nói là những kho sử chứa đựng rất nhiều chất liệu để cho đời sau.
Vì thế, riêng tôi luôn nghĩ về ông như một người làm nên lịch sử, hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Từ hơn hai chục năm nay, ông là Chủ tịch danh dự của Hội Sử học Việt Nam và tham gia rất nhiều hoạt động sử học như một người thầy thực thụ của giới sử chúng tôi.
Lại Văn Quyết - Nam 30 tuổi
Trong số hàng nghìn bức ảnh đã chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá có thể chia sẻ cho mọi người biết ông cảm thấy tâm đắc nhất là bức ảnh nào được không ạ? Và vì sao ông lại thích bức ảnh đó nhất?
Đại tá Trần Hồng:
Với tôi thì bức ảnh nào chụp về Đại tướng, tôi cũng cảm thấy tâm đắc và thích cả. Đó là một tài sản quý đối với tôi.
Có những bức ảnh mà tôi thấy lột tả cảm xúc trọn vẹn nhất là bức ảnh “Nhớ bác”. Lúc đó là Đại tướng đang đứng suy tư bên tượng "Chân dung Bác Hồ đang làm việc" ngay tại phòng của Đại tướng. Lúc đó, tôi thấy mắt Đại tướng đang rớm lệ và tôi bấm máy chụp luôn.
Bức ảnh thứ hai mà tôi thấy trọn vẹn là lúc Đại tướng đang thiền tại nhà riêng.
Những bức ảnh tôi chụp về Đại tướng, tôi rất thấy thỏa mãn. Bức ảnh nào tôi cũng thấy có sự giao cảm giữa tôi và Đại tướng. Còn những bức ảnh có chất lượng lan tỏa đến đâu thì tôi không thể đánh giá được.
Khách mời giao lưu gồm:
Trung tướng Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục tác chiến Bộ tổng tham mưu.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên UVTW Đảng, Tư lệnh Quân khu 4, ĐBQH.
Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, tác giả cuốn sách "Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ".
Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam.
Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Mai Năng, nguyên Tư lệnh binh chủng đặc công huyền thoại, người trực tiếp chỉ huy đơn vị giải phóng quần đảo Trường Sa năm 1975.
Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, ĐBQH;
Đại tá Nguyễn Huyên, trợ lý trọn đời cho Đại tướng.
Đại tá Trần Trọng Trung, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, tác giả cuốn sách "Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh".
Đại tá Trần Hồng, người cả đời chụp ảnh Đại tướng với kho ảnh vô giá 2.000 bức.
Đúng 9h00 sáng, các vị khách mời đã có mặt tại toà soạn để tham gia giao lưu.
Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc thay vì giao lưu trực tiếp tại điểm cầu Đà Nẵng thì đêm qua ông đã đổi vé để bay sớm ra Hà Nội để kịp có mặt ở toà soạn.
Vì huyết áp lên cao đột ngột, nên anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên tư lệnh binh chủng Đặc công huyền thoại, Thiếu tướng Mai Năng không thể lên Hà Nội mà nằm giao lưu ở nhà riêng tại Hải Phòng.
Khi nghe tin toà soạn tổ chức giao lưu, có độc giả là giáo viên dạy sử ở Nghệ An đã quyết định vượt 300km ra Hà Nội ngay trong đêm, đến kịp toà soạn chỉ để được nhìn và gặp trực tiếp các vị tướng lừng danh, các nhà nghiên cứu nổi tiếng.
Nhiều độc giả khác tại Hà Nội cũng đã gửi thư đến toà soạn mong được có mặt tại buổi giao lưu để gặp được các vị khách mời.
Nhà báo Bùi Ngọc Hải: Kính thưa các vị tướng lĩnh, các nhà nghiên cứu.
Năm 2004, tôi có một cơ hội tuyệt vời là được dự cuộc gặp có một không hai giữa Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam và 300 chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa tại thành phố Điện Biên.
Hôm ấy, là một cảnh tượng huy hoàng. Vị thống soái tóc bạc phơ 94 tuổi, chậm rãi bước đi giữa hai hàng chiến sĩ năm xưa tóc cũng đã bạc trắng. Cả hội trường im phắc nghe từng tiếng bước chân ấy.
Trên ngực áo vị tướng già không một tấm huân chương, còn trên ngực áo của các cựu chiến binh, huân chương che lấp áo. Nhưng tôi hiểu, những ánh mắt xúc động đến rơi lệ nhìn vị Tổng tư lệnh, tiếng vỗ tay như trào sôi mỗi khi ông phát biểu giống như ngàn vạn tấm huân chương mà chiến sĩ trao tặng ông trong một niềm ngưỡng vọng vô bờ.
Hôm ấy, Đại tướng đã nói rất giản dị mà sâu sắc: "Gặp lại nhau đây là quý lắm rồi". Chiến tranh bom đạn, bệnh tật rủi ro đời thường đã cướp đi bao nhiêu đồng chí đồng đội.
Hôm nay đây, tôi xin được nhắc lại lời của Đại tướng hôm đó. Gặp lại các vị tướng lĩnh, chuyên gia ở đây là quý lắm rồi. Tôi xin gửi lời chúc sức khoẻ tới các vị tướng lĩnh, chuyên gia.
Kính thưa các vị tướng lĩnh, các chuyên gia!
Báo điện tử Trí Thức Trẻ rất vinh dự được đón tiếp những con người với tư cách là những chứng nhân quan trọng của lịch sử Việt Nam hiện đại. Không chỉ thế, nhiều vị ngồi đây còn trở thành một phần của lịch sử hào hùng của dân tộc thế kỷ 20.
Điều tuyệt vời hơn là những chứng nhân của lịch sử ấy lại tụ họp trong một ngày để kể nhiều câu chuyện, nhiều hồi ức về một con người huyền thoại - một trong những nhân tố trọng yếu kiến thiết nên một Việt Nam chiến thắng, một Việt Nam oai hùng trên trường quốc tế. Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhân dịp Đại tướng bước vào tuổi 103, tất cả chúng ta cùng chúc Đại tướng Vạn thọ vô cương, tiếp tục dõi theo và đóng góp tâm trí cho sự nghiệp phát triển đất nước, dân giàu nước mạnh.
Xin các vị tướng lĩnh, các chuyên gia bắt đầu kể chuyện cùng độc giả về Đại tướng huyền thoại của chúng ta.