Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang tại chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” vào tối 3/3.
Theo Bộ trưởng Quang, đến nay đã có 18 tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc cấp GCN đối với các loại đất chính. Trong đó, có 7 tỉnh đã hoàn thành cấp GCN đối với tất cả các loại đất tại các tỉnh Đồng thuộc bằng sông Cửu Long, gồm Đồng Tháp, Long An, An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long và Bình Dương. Trong khi đó vẫn còn 45 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành chủ trương này, trong đó 11 tỉnh đạt tỷ lệ thấp.
Theo Bộ trưởng TN&MT, trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ cấp GCN trong năm 2013 theo Nghị quyết của Quốc hội, trước hết thuộc trách nhiệm của Lãnh đạo tỉnh và Sở TN&MT địa phương. Đồng thời, các Bộ mà trực tiếp là Bộ TN&MT, Bộ Tài chính và một số Bộ khác cũng có trách nhiệm trong việc này.
“Hết năm 2013 Bộ TN&MT sẽ đánh giá kết quả thực hiện, nếu không hoàn thành mục tiêu đề ra, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ quy rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý đối với các địa phương, các Bộ, trong đó có Bộ TN&MT”.
Nguyên nhân gây chậm trễ trong thời gian qua, theo Bộ trưởng Quang, chủ yếu do nguồn gốc đất phức tạp, thiếu nhân lực, thủ tục còn phiền hà và tình trạng nhũng nhiễu từ cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai. Bên cạnh đó vấn đề kinh phí cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ cấp GCN. Đặc biệt còn một nguyên nhân quan trọng khác là thiếu sự quyết tâm của Lãnh đạo các tỉnh và Sở TN&MT ở một số địa phương.
Về lý do gây nhũng nhiễu của cán bộ phụ trách, Bộ trưởng Quang cho rằng, việc thẩm định hồ sơ, cấp GCN là công việc phức tạp. Mặt khác, do thiếu cán bộ ở các Văn phòng đăng ký nên cán bộ phải gồng mình làm việc, song không có chế độ chính sách đãi ngộ gì nên dẫn đến thực trạng cán bộ kém nhiệt tình làm việc, ngâm hồ sơ để vòi vĩnh, gây nhũng nhiễu. Đây là một thực tế cần sớm khắc phục.
“Nên chăng cần có cơ chế cho sử dụng khoản thu từ lệ phí cấp GCN và dành một phần hỗ trợ cho người trực tiếp làm thủ tục thẩm định và cấp GCN. Đối với các trường hợp nhũng nhiễu, ngâm hồ sơ, Bộ đề nghị UBND các tỉnh và Sở TN&MT kiểm tra thường xuyên và kiên quyết xử lý, kể cả các trường hợp làm thủ tục chậm nếu không có lý do chính đáng cũng bị xử lý nghiêm” – Bộ trưởng Quang nêu quan điểm.
Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục yêu cầu các địa phương rà soát số lượng diện tích cấp giấy còn tồn đọng để giao chỉ tiêu đến từng huyện, xã. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục ban hành quy định giải quyết các trường hợp vướng mắc trong cấp GCN… Ngoài ra, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ dành một khoản kinh phí khoảng 3 nghìn tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh đo vẽ hồ sơ địa chính làm căn cứ cho cấp GCN.
Đối với thực trạng “dự án treo”, người đứng đầu Bộ TN&MT cho biết đến cuối năm 2012, các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Long An, Tây Ninh…đã xử lý thu hồi gần 25 nghìn ha của 500 tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là con số rất nhỏ so với diện tích chậm đưa đất vào sử dụng ở các địa phương hiện nay.
“Năm 2013 và những năm tiếp theo, Bộ vẫn yêu cầu các địa phương thực hiện Chỉ thị 134 của Thủ tướng Chính phủ. Có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này, trong đó giải pháp hiệu quả là sử dụng công cụ thuế đánh vào các trường hợp ôm đất” – Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.