4 nguyên nhân dẫn đến những hành động tiêu cực của trẻ em

kimngan |

“Trẻ mầm non cần học kỹ năng sống để tự xúc ăn, thay quần áo và hiểu các giá trị về yêu thương, tình bạn”.

Đó là ý kiến của Tiến sỹ Tâm lý học Nguyễn Kim Qúy – giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm, là cố vấn đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em của Cục Bảo vệ Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Trong tháng 10 vừa qua, hai học sinh cấp 3 uống thuốc sâu tự tử vì làm mất 500 – 600 nghìn đồng tiền quỹ lớp; một học sinh giỏi cắt tay tử tự để phản đối cách dạy của cô giáo gây rúng động xã hội. Điều đó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc học sinh Việt Nam hiện nay thiếu kỹ năng sống và cần thiết Bộ GD phải vào cuộc mạnh mẽ trong việc xây dựng phòng tư vấn tâm lý học đường ở trong trường.

4 nguyên nhân dẫn đến những hành động tiêu cực của trẻ em 1
Bức thư tuyệt mệnh của em L lớp 10, Trường THPT Tiền Phong (Mê Linh) sau khi uống thuốc sâu tự tử.

Mỗi trường nên có một phòng tư vấn tâm lý

TS. Kim Quý cho rằng có 4 nguyên nhân dẫn đến hành động tìm đến cái chết đầy dại dột, thiếu suy nghĩ ở lứa tuổi học sinh, đó là:

Về góc độ gia đình: có thể do sức ép từ phía gia đình về học hành, áp đặt con cái hoặc kỳ vọng quá lớn hoặc có thể do cha mẹ mẫu thuẫn, xung đột, ly hôn khiến chúng thất vọng về gia đình dẫn đến khủng hoảng tâm lý.

Về góc độ nhà trường: các thầy cô giáo không hiểu được tâm lý của chúng, mắng mỏ, áp đặt suy nghĩ dẫn đến lòng tự trọng của trẻ bị tổn thương hoặc thất vọng bạn bè, xu hướng hành động “theo đàn”.

Về góc độ xã hội: do mặt trái của truyền thông, công nghệ thông tin, phim ảnh bạo lực…cũng tác động mạnh đến tâm lý của trẻ.

Về bản thân: lứa tuổi này dễ mâu thuẫn, khủng hoảng, khó kiềm chế được bản thân và thiếu kinh nghiệm sống.Thực chất, tự tử là cơ chế tự vệ của chúng.

Nhấn mạnh vai trò của việc thiết lập phòng tâm lý trong trường học, TS. Kim Qúy nói: “Nhà nước, Bộ GD phải thông suốt vai trò của tư vấn học đường. Hiện nay, đời sống tâm lý học sinh phức tạp, dậy thì sớm, nhiều biến động nên cần phải được giải đáp, tư vấn. Tối thiểu mỗi trường phải có một nhà tâm lý học đường. Nếu làm được, hiệu quả sẽ rất tốt”.

Theo TS, hiện nay chỉ có một số trường dân lập mới “dám” xây dựng phòng tư vấn học đường cho học sinh như THPT DL Đinh Tiên Hoàng; THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm… còn lại nhà trường công lập đưa vào chính khóa thì “ngại” Bộ và kêu rằng không có đủ kinh phí.

Đề cập đến vấn đề này, TS. Kim Qúy nói: “Bộ GD phải có quyết định chính thức. Khoa Tâm lý, ĐH Sư phạm đã nhiều lần hội thảo, kiến nghị lên Bộ GD nhưng vẫn không có động tĩnh gì”.

Cần đẩy mạnh việc dạy kỹ năng sống cho trẻ

Bộ GD& ĐT bắt đầu lồng ghép chương trình học Kỹ Năng Sống vào tiểu học từ năm học 2011 – 2012. Sau hơn một năm áp dụng, rất ít trường thực hiện bởi lý do: chương trình học của Bộ quá nặng nề, không có thời gian lồng ghép rồi thiếu giáo viên…

4 nguyên nhân dẫn đến những hành động tiêu cực của trẻ em 2
Lứa tuổi học sinh có nhiều biến động tâm lý, áp lực thi cử, bạn bè dễ đến hành động thiếu kiềm chế.

Lý giải điều này, TS. Kim Qúy cho hay: “Bộ GD đưa vào nhưng không tổ chức, hướng dẫn tập huấn. Thực tế, đội ngũ giáo viên tiểu học chưa thể đáp ứng được, dạy kỹ năng sống cho trẻ đâu phải dễ, có thể đó là những người dạy môn Giáo dục công dân nhưng cần phải được tập huấn, bồi dưỡng”.

TS. Kim Qúy đánh giá, việc dạy làm người là quan trọng, phải bắt đầu từ trẻ mẫu giáo. “Trẻ mẫu giáo cũng có những biến chuyển tâm lý ví dụ như ám ảnh, áp lực khi không có bạn chơi cùng, tâm lý sợ nhà vệ sinh, sợ đi học….Trẻ học kỹ năng để tự xúc ăn, tự mặc quần áo hay trẻ hiểu được quan tâm đến ông bà, bố mẹ như thế nào, tình bạn đối xử ra sao…”.

"Bộ GD cần phải xây dựng hệ thống, chương trình như một môn học Toán, Văn. Phân tách từng các cấp, từng lớp về học cái gì, một tuần bao nhiêu tiết, tài liệu như thế nào”, TS. Kim Qúy đưa ý kiến.

Mong muốn của TS. Kim Quý cũng là nguyện vọng của đông đảo các bậc phụ huynh hiện nay. Trang bị đầy đủ kiến thức tâm lý và kỹ năng sống cho trẻ là góp phần nâng cao sức mạnh nội tại của trẻ trước tác động tiêu cực của cuộc sống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại