Nổi tiếng trong giới cây cảnh Sài Gòn bởi độ “chịu chơi”, đầu năm 2013 ông Phàn Xuân Thông, chủ vườn mai Minh Thùy, Q.Thủ Đức tiếp tục “rước” về thêm 4 cây tùng từ Nhật Bản. Tính cả chi phí vận chuyển, 4 cây Tùng Vạn Niên (còn gọi là Tùng La Hán) của ông có giá lên đến 12 tỷ đồng.
Trong một chuyến sang Nhật tham quan, giao lưu với những nghệ nhân bonsai, ông Thông có duyên được gặp trưởng hiệp hội bonsai thành phố Osaka. Nhờ vậy, ông có dịp chiêm ngưỡng những cây tùng hàng trăm tuổi, quý hiếm. Sau 4 lần sang Nhật hỏi mua, quý trọng lòng “si mê” cây kiểng của vị khách đến từ Việt Nam, chủ nhân mới đồng ý bán 4 cây cho ông Thông.
“Trước đó, có nhiều khách Trung Quốc, Đài Loan hỏi mua nhưng ông ấy không bán vì họ muốn tỉa cây theo ý mình. Tôi thì giữ nguyên hiện trạng cây, phong cách bonsai của Nhật nên họ đồng ý bán”, ông Thông kể. Các cây tùng được vận chuyển lên container loại lớn, đi đường biển về Việt Nam.
Sau 20 ngày vượt biển, 4 cây tùng có tuổi đời gần 300 năm về đến vườn nhà chủ nhân mới. Những cây tùng này được nhiều người trầm trồ vì thế cây rất đẹp.
Bốn cây Tùng Vạn Niên của ông Thông cao vút, nổi bật nhất giữa vườn cây kiểng.
Mỗi cây có chiều cao từ 6 - 9m, khoảng 300 năm tuổi, xuất xứ Nhật Bản.
Sau 8 tháng trồng, chăm bón, cây trở nên xanh hơn.
Một cây tùng của Đài Loan "khiêm tốn" đứng cạnh cây tùng giá hàng tỉ đồng.
Giá trị của những cây tùng nằm ở dáng đẹp.
Để có thể mang cây từ Nhật về, ngoài sự kiên trì, lòng "si" cây kiểng, ông Thông còn phải chắc chắn giữ nguyên hiện trạng cây theo đúng phong cách nghệ thuật chơi cây kiểng của Nhật.
Theo ông Thông, chăm sóc cây Tùng không quá cầu kì, chỉ cần tưới nước đều là đủ.
Nhiều nhất trong vườn cây kiểng của ông là các loài mai. Có những chậu mai giá hàng trăm triệu đồng.
Ngoài chơi và buôn bán cây kiểng, ông Thông cũng mở một quán cà phê cho du khách đến tìm hiểu, giao lưu.