2 máy bay VNA và nước ngoài suýt gặp nguy vì kiểm soát không lưu

lananh |

Cấp huấn lệnh bay không chính xác, khiến 2 máy bay của Vietnam Airlines và nước ngoài bay ngược chiều nhau cùng độ cao FL340.

Cấp huấn lệnh bay không chính xác, thụ động của kiểm soát viên không lưu thuộc Trung tâm kiểm soát bay đường dài Hà Nội đã khiến 2 máy bay của Vietnam Airlines và nước ngoài suýt gặp nguy khi bay ngược chiều nhau trên cùng độ cao FL340.

Thanh tra Hàng không Việt Nam đã ra quyết định tước bằng đối với 2 nhân viên không lưu thuộc Trung tâm kiểm soát bay đường dài Hà Nội vì để xảy ra sự cố nghiêm trọng, uy hiếp an toàn khi điều hành bay.

2-may-bay-vna-va-nuoc-ngoai-suyt-gap-nguy-vi-kiem-soat-khong-luu

Một máy bay của Vietnam Airlines đang bay - Ảnh minh hoạ

Trước đó, vào lúc 11 giờ 51 phút 11 giây ngày 14-10, chuyến bay số hiệu VN1511 của Hãng hàng không Quốc gia (VNA) cất cánh từ sân bay quốc tế Nội Bài đi Đà Nẵng được kiểm soát viên không lưu cấp huấn lệnh bay lên độ cao FL340.

Đến 12 giờ 8 phút 28 giây, đài không lưu nhận được tín hiệu liên lạc của 1 máy bay của hãng hàng không nước ngoài cũng đang bay bằng ở độ cao FL340 trên không phận Việt Nam. Kiểm soát viên không lưu thông báo đã nhận dạng bằng radar, chỉ định giữ nguyên độ cao, lấy hướng bay tới điểm VILAO (gần biên giới Việt Nam – Lào) và báo cáo khi qua điểm này.

Chưa đầy 3 phút sau, phi công lái máy bay của VNA phát hiện phía trước có máy bay ngược chiều ở cùng mực bay, cách nhau khoảng 10km trên hướng 9 giờ so với hướng bay của VN1511.

Tổ lái thông báo với đài không lưu và đề nghị xác nhận có nguy cơ xung đột không về quỹ đạo. Khi tổ lái nhắc lại một lần nữa theo yêu cầu, kiểm soát viên không lưu mới phát hiện ra tình huống nguy hiểm và liên tiếp yêu cầu máy bay của VNA giảm độ cao xuống FL320, sau đó tiếp tục giảm xuống độ cao FL240.

Đánh giá đây là sự cố nghiêm trọng, gây uy hiếp an toàn bay, Cục Hàng không Việt Nam đã khẩn trương lập đoàn kiểm tra.

Sau khi tổng hợp hồ sơ dữ liệu, nghe bằng ghi âm, xem lại bản ghi hình radar và kiểm tra thực tế, Cục Hàng không đã khẳng định nguyên nhân của vụ việc là do kiểm soát viên không lưu thiếu phân tích, quan sát và đánh giá không đúng về xu thế hội tụ của các máy bay liên quan nên cấp huấn lệnh không chính xác, có biểu hiện thụ động trong khi làm việc.

Bên cạnh đó, kíp phó (đang trực thay vị trí kíp trưởng) chưa giám sát đầy đủ nên không những không trợ giúp kịp thời cho kiểm soát viên trực chính mà còn rời vị trí khi chưa bàn giao lại việc phụ trách ca cho kíp trưởng. Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân khác như khi xảy ra sự cố, chức năng cảnh báo của radar giám sát không hoạt động do trước đó vừa bảo dưỡng nhưng nhân viên kỹ thuật không báo cáo cho các bên liên quan…

Thanh tra Hàng không đã tước bằng không thời hạn đối với kiểm soát viên không lưu trực chính, tước bằng 2 tháng đối với nữ nhân viên trực kíp trưởng và phạt hành chính 3 kiểm soát viên không lưu về hành vi thực hiện nhiệm vụ không đúng quy trình, gây uy hiếp an toàn bay.

Tại thời điểm xảy ra sự cố, kíp trực không đảm bảo nhân lực, các vị trí trực hiệp đồng 2, trực ghi chép băng, kiểm soát viên giám sát do kíp trưởng kiêm nhiệm đều không có mặt. Do đó, trưởng Trung tâm kiểm soát đường dài Hà Nội cũng bị xử phạt hành chính do không đảm bảo quân số kịp trực, vi phạm trách nhiệm của người đứng đầu.

Trước đó, ngày 16-4-2012, một sự cố tương tự cũng xảy ra gần mũi Cà Mau khi kiểm soát viên không lưu của Trung tâm Kiểm soát không lưu Đường dài - Tiếp cận HCM lúng túng trong điều hành bay, khiến 2 máy bay của Singapore Airlines và Hainan Airlines (Trung Quốc) có nguy cơ xung đột.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại