Theo số liệu được Mạng lưới hàng không Mỹ (ASN) đưa ra mới đây thì, trong năm 2013 ngành hàng không thế giới đã ghi nhận 2.836 vụ trục trặc kỹ thuật, tai nạn, hỏng hóc liên quan đến máy bay. Số người thiệt mạng trong các vụ tai nạn hàng không này là 350 người.
Trong khi đó, theo thống kê của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, năm 2013 cả nước đã xảy ra 29.385 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 9.369 người, bị thương 29.500 người. Tính bình quân, mỗi ngày có 26 người thiệt mạng về tai nạn giao thông.
Đem so sánh hai con số ở trên có thể thấy, số người thiệt mạng trong các vụ tai nạn hàng không trên toàn thế giới năm 2013 chỉ bằng số người thiệt mạng trong 13 ngày tai nạn giao thông ở Việt Nam trong cùng năm này.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, ông Khương Kim Tạo, Phó Chánh văn phòng Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho rằng, việc so sánh tai nạn giao thông hàng không với tai nạn giao thông đường bộ như vậy là khập khễnh.
"Mặc dù vẫn thể hiện số người thiệt mạng nhưng so sánh giữa tai nạn giao thông hàng không với tai nạn giao thông đường bộ là không đúng hay nói cách khác, hai loại hình này là khác nhau. Bởi lẽ, xưa nay, chúng ta vẫn thấy là tai nạn hàng không thường xảy ra hết sức hãn hữu và phương tiện hàng không vẫn được đánh giá là an toàn nhất nên người dân mới đi.
Trong khi đó, đối với phương tiện giao thông đường bộ thì bản chất đã là kém an toàn và khi tham gia giao thông bằng mô - tô, xe gắn máy lại càng kém an toàn hơn. Tham gia giao thông bằng ô tô thì an toàn gấp 5 lần so với xe máy, tham gia giao thông bằng đường sắt an toàn gấp 5 lần so với ô tô....
Ở mức độ điều kiện kinh tế hạn chế thì vẫn phải dùng loại phương tiện đường bộ còn đối với những người cần đi xa và có điều kiện kinh tế khá hơn thì mới sử dụng máy bay. Tuy nhiên, đi bằng phương tiện máy bay mà vẫn gặp tai nạn thì người ta cảm thấy rủi ro, vì lượng người đi máy bay so với lượng người tham gia đường bộ thì ít hơn rất nhiều.
Thêm vào đó, tai nạn do máy bay có thể số người thiệt mạng tính ra chỉ bằng vài ngày so với tai nạn đường bộ nhưng vì sự thiệt mạng đó là tập trung cùng lúc và như tôi đã nói là nó hãn hữu nên thường được đánh giá rất kinh khủng, thảm họa nên không thể đưa ra so sánh với đường bộ như vậy được", ông Tạo nhấn mạnh.
Ông Tạo cũng cho hay, thực tế, tai nạn giao thông đường bộ ở Việt Nam vẫn diễn ra rất phức tạp, tuy nhiên, đang có xu thế đẩy lùi:
"Với những biện pháp quyết liệt chúng ta đã kéo giảm tai nạn giao thông từ hơn chục ngàn người thiệt mạng mỗi năm ở các năm trước xuống còn hơn 9.000 người trong năm 2013 vừa qua.
Trong khi phương tiện tăng lên hàng chục lần và đến hiện nay, cả nước có khoảng 40 triệu phương tiện giao thông cơ giới, cường độ đi lại cũng rất cao... thì việc kéo giảm được tai nạn giao thông như vậy là rất tốt. Đồng thời cũng cho thấy, công tác đảm bảo an toàn giao thông của chúng ta đã phát huy tác dụng, đạt hiệu quả khá tốt.
Trong thời gian tới ngoài việc nâng cao văn hóa, ý thức của người tham gia giao thông thì việc tăng cường công tác quản lý giao thông cũng sẽ góp phần nâng mức độ an toàn giao thông lên cao hơn...", ông Tạo nói.
Đồng quan điểm với ông Tạo, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng cho rằng, có thể, số người chết do tai nạn máy bay năm 2013 trên toàn cầu chỉ bằng hơn chục ngày do với tai nạn giao thông ở Việt Nam nhưng sự so sánh như vậy là cọc cạch.
"Chúng ta không thể so sánh như vậy được. Bởi lẽ, hàng không họ có đường riêng, không va chạm vào ai và trong từng chuyến bay, có cả một đội ngũ để điều hành hay nói cách khác, ngành này, hội tụ tất cả những tiến bộ của khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới. Trong khi đó, đường bộ, nhất là ở Việt Nam thì cơ sở hạ tầng rất yếu kém, nhiều loại phương tiện cùng tham gia.
Chưa kể, đối với ngành hàng không, con người được đào tạo bài bản, chuẩn mực và có thể khẳng định, đây là loại hình an toàn nhất hiện nay. Nên so sánh số người chết vì máy bay toàn câu năm 2013 chỉ bằng hơn chục ngày tai nạn giao thông ở Việt Nam chẳng khác nào là sự so sánh giữ anh người lớn và trẻ con...", ông Liên bày tỏ.
Ông Liên cũng chia sẻ, thực tế, tai nạn giao thông ở Việt Nam vẫn đang diễn ra rất nghiêm trọng nhưng với việc đẩy mạnh nâng cấp, cải tạo, xây mới hạ tầng giao thông, kiểm soát chất lượng phương tiện và nâng cao văn hóa, ý thức, nhất là chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông sẽ góp phần quan trọng đẩy lùi tai nạn giao thông.
Theo báo cáo của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm (tính từ ngày 16/11/2013 đến 15/5/2014), cả nước đã xảy ra gần 13.000 vụ tai nạn giao thông làm chết gần 4.700 người và làm bị thương hơn 3.530 người (giảm 17% số vụ, 7,9% số người chết và giảm 19,7% số người bị thương.
Riêng trong tháng 7/2014, theo con số thống kê, cả nước đã xảy ra 1910 vụ tai nạn giao thông làm chết 699 người và làm bị thương 1497 người so với cùng kỳ năm năm 2013 thì giảm hơn 19% số vụ, hơn 3% số người chết và giảm hơn 30% số người bị thương.
Cũng theo số liệu từ Mạng lưới an toàn hàng không của Mỹ (ASN), từ đầu năm 2014 đến nay, ngành hàng không thế giới đã ghi nhận 1.813 vụ trục trặc kỹ thuật, tai nạn, hỏng hóc liên quan đến máy bay.
Về số vụ tai nạn hoặc trục trặc nghiêm trọng 7 tháng đầu năm nay cũng chỉ ngang bằng cùng kỳ năm ngoái. Nhưng xét về mức độ nghiêm trọng, năm 2014 có lẽ sẽ còn được người ta nhắc nhiều trong lịch sử hàng không.
Theo ASN, trong 7 tháng đầu năm 2014, có tổng cộng 83 vụ tại nạn máy bay nghiêm trọng cướp đi mạng sống của ít nhất 799 người, hàng chục người khác vẫn trong tình trạng nguy kịch.
Số người thiệt mạng trong 7 tháng vừa qua gấp 4 lần số người thiệt mạng cùng thời gian này năm ngoái. Thậm chí nó còn gấp đôi con số của cả năm 2013