1. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: "Việt Nam luôn đủ sức để bảo vệ lãnh thổ"
Trong cuộc trao đổi với báo điện tử Trí Thức Trẻ xung quanh việc Trung Quốc cho kéo giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhắc lại: “Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam và có đủ cơ sở pháp lý để chứng minh điều đó”.
“Dù còn yếu về nhiều mặt nhưng khi cần thiết, Việt Nam sẽ sử dụng sức mạnh tổng hợp để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Tôi tin Việt Nam có đủ sức mạnh tổng hợp để làm được việc đó”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh khẳng định.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh
2. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Nguyên Tư lệnh quân khu 4: "Trung Quốc vẫn cố ý làm càn, buộc chúng ta phải đối phó bảo vệ chủ quyền lãnh hải".
Việc Trung Quốc đặt giàn khoan không phải thuần tuý là vấn đề thuộc về kinh tế mà đây là âm mưu làm chủ Biển Đông của Trung Quốc, mà trong đó có vùng lãnh hải của Việt Nam. Đấu tranh với ý đồ này chúng ta phải kiên quyết, kiên trì không chịu lùi bước bằng sức mạnh của ta và bạn bè thế giới bằng các biện pháp tổng hợp để buộc Trung Quốc chấm dứt hành động này.
Quyết tâm của Đảng và Nhà nước của nhân dân ta vừa kiên quyết bảo vệ vùng lãnh hải vừa giữ được hòa khí với Trung Quốc. Nhưng nếu Trung Quốc vẫn cố ý làm càn, buộc chúng ta phải đối phó bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Đó là mục tiêu không thể thay đổi, mang tính sống còn đối với đất nước ta. Bạn cứ tin rằng Đảng và nhân dân ta có thể làm được, như những gì chúng ta đã làm được thông qua 2 cuộc kháng chiến trước đây.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trả lời độc giả Trí Thức Trẻ.
3. Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: "Không phải Trung Quốc muốn làm gì thì làm".
Là một quân nhân đã từng hoạt động trên biển, hành động đó của Trung Quốc là hành động xâm phạm đến lương tri của loài người, đồng thời là một hành động đe dọa và áp đặt.
Trung Quốc nhiều tàu, họ giàu, kinh tế đứng thứ 2 thế giới nhưng không phải họ muốn làm gì thì làm. Chúng ta cũng đủ sức để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của chúng ta trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế.
4. Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam - Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm: "Cảnh sát biển Việt Nam sẽ tiến hành mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền".
Thiếu tướng Đạm cho biết, hiện tại, phía Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tăng cường lực lượng như đưa thêm tàu quân sự, tàu hải giám, máy bay tới khu vực này, khiến tình hình có chiều hướng căng thẳng, phức tạp hơn.
“Cùng với các lực lượng khác của ta, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ tiến hành mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền, trước mắt là cương quyết cản phá không cho Trung Quốc có thể hạ đặt giàn khoan trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam”, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam khẳng định.
5. Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam: "Hoàn toàn đủ sức đánh bại bất kỳ kẻ thù nào xâm phạm vùng đất, vùng trời, biển đảo của Tổ quốc ta".
Tôi xin khẳng định, Bộ Quốc phòng, nhân dân Việt Nam đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Những năm qua, chúng ta đã bổ sung các phương tiện, trang bị chiến đấu rất mạnh, đặc biệt là những đầu tư nhằm nâng cao sức chiến đấu cho hải quân, không quân Việt Nam.
Vì thế, tôi khẳng định một lần nữa là chúng ta đủ sức để bảo vệ hiệu quả vùng trời, biển đảo của mình. Hiện nay, chúng ta đang đầu tư khá mạnh vào những khu vực phòng thủ dọc tuyến biển đảo. Với những phương tiện hiện đại ấy, với sức mạnh tổng hợp, sự đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân, Việt Nam hoàn toàn đủ sức đánh bại bất kỳ kẻ thù nào xâm phạm vùng đất, vùng trời, biển đảo của Tổ quốc ta.
Dù lực lượng tàu ngầm của chúng ta chưa nhiều, nhưng những tàu ngầm kilo ấy vẫn đủ sức phòng thủ dọc tuyến biển đảo Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta còn có những tàu chiến được trang bị rất hiện đại, không thua kém gì tàu của Trung Quốc. Có thể nói, chúng ta đang làm chủ một lực lượng máy bay Su 30 MK2 – loại máy bay có thể đối chọi ngang ngửa với những loại máy bay hiện đại nhất của Trung Quốc
6. Trung tướng Lê Nam Phong: "Hành động này của Trung Quốc rõ ràng ỷ nước lớn ăn hiếp nước nhỏ".
Trong cuộc trao đổi với báo điện tử Trí Thức Trẻ xung quanh việc Trung Quốc cho kéo giàn khoan HD-981 vào Biển Đông của Việt Nam, Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Tư lệnh quân đoàn 1, Tham mưu trưởng quân đoàn 4, Hiệu trưởng Trường sĩ quan lục quân 2 cho biết: “Dù đã về hưu và ở tuổi 88 nhưng khi nghe tin Trung Quốc kéo giàn khoan xâm phạm chủ quyền nước ta, lòng yêu nước trong tôi lại hừng hực", ông Phong nói.
Khi được hỏi mục đích đằng sau hành động ngang ngược của Trung Quốc, Trung tướng Lê Nam Phong cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách biến vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam thành vùng tranh chấp sau đó họ lại đưa ra giọng điệu cùng khai thác, chiến thuật của họ là “tranh chấp trước, khai thác sau”. Hành động này của Trung Quốc rõ ràng ỷ nước lớn ăn hiếp nước nhỏ. Chúng ta phải đấu tranh buộc Trung Quốc từ bỏ hành động xâm phạm chủ quyền nước ta.
Trung tướng Lê Nam Phong
7. GS Nguyễn Khắc Mai, Nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu - Ban Dân vận Trung ương, hiện là Giám đốc Trung tâm Văn hóa Minh Triết - Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: "Chúng ta đang đối phó với một siêu cường hãnh tiến vừa gian ác, vừa tàn bạo".
Hiện nay, giàn khoan HD-981 của Trung Quốc đang rắp tâm cố định vị trí mà các lực lượng của Việt Nam đang tìm cách ngăn cản. Nếu Trung Quốc biết điều, họ nên rút ngay giàn khoan HD–981 ấy ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Kể cả trong trường hợp họ cho là vùng biển đang bị tranh chấp thì họ cũng phải tuân thủ luật pháp để không phải ngang ngược như vậy.
Trung Quốc từng bị Việt Nam không cho phép đưa giàn khoan vào vùng biển chủ quyền và có quyền tài phán của Việt Nam và họ đã phải rút lui. Sự việc hiện nay nghiêm trọng hơn nhiều. Thật ra, khi bắt được quả tang họ cắm mũi khoan để thăm dò và khai thác, về nguyên tắc, Việt Nam có quyền bắt giữ những phương tiện phi pháp, những phương tiện đang hoạt động trong vùng chủ quyền của Việt Nam. Đây là vấn đề ta phải vừa cương quyết cũng phải thận trọng vì chúng ta đang đối phó với một siêu cường hãnh tiến vừa gian ác, vừa tàn bạo.
GS Nguyễn Khắc Mai
GS Nguyễn Khắc Mai trả lời trực tuyến độc giả.
8. Ông Nguyễn Văn Trung, Phó cục trưởng Kiểm ngư Việt Nam (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT): "Không để một “tấc biển” của ông cha ta để lại bị xâm lấn".
Trao đổi với phóng viên, ông Trung cho biết: Sau khi có sự va chạm với tàu Trung Quốc, lực lượng kiểm ngư Việt Nam vẫn tiếp tục phối hợp với Cảnh sát biển bám trụ ở hiện trường, kiên quyết với các hành động trái phép của phía Trung Quốc trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
“Với lực lượng kiểm ngư đang hoạt động trên biển, đây là giai đoạn thử thách. Những vụ việc vừa rồi cho thấy anh em rất kiên cường, không để một “tấc biển” của ông cha ta để lại bị xâm lấn, xứng đáng với niềm tin của toàn dân trao cho”- ông Nguyễn Văn Trung nói.
9. Hội nghề cá Việt Nam: "Yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan HD-981 khỏi biển Việt Nam".
"Hội nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động phía Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam. Ngoài ra, phía Trung Quốc còn dùng nhiều tàu ngăn cản, xua đuổi các tàu của ngư dân Việt Nam đang đánh cá trên vùng biển của Việt Nam đã trực tiếp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất khai thác hải sản của ngư dân Việt Nam. Yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam và không tái phạm", văn bản của Hội nghề cá Việt Nam nhấn mạnh.
10. Ông Vương Mạnh Hòa, đại diện Chi đội Kiểm ngư 3: "Không khoan nhượng trước hành vi xâm phạm chủ quyền".
Chi đội Kiểm ngư 3 (đóng tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, thuộc Cục Kiểm ngư Việt Nam) là đơn vị có kiểm ngư viên bị thương trong lúc làm nhiệm vụ đẩy đuổi tàu Trung Quốc cùng giàn khoan HD 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Phát biểu trước báo giới, ông Vương Mạnh Hòa, đại diện Chi đội Kiểm ngư 3 bày tỏ quyết tâm: “Xin báo cáo với nhân dân cả nước biết rằng lực lượng kiểm ngư không khoan nhượng trước hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc. Hiện tinh thần anh em vẫn luôn sẵn sàng, không bao giờ lùi bước”.
Một số diễn biến chính vụ giàn khoan HD 981 của TQ xâm phạm vùng biển chủ quyền của VN:
- 5h22’ ngày 1/5, cơ quan chức năng VN phát hiện giàn khoan nước sâu Hai Yang Shi You 981 (VN thường gọi là HD981) và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía TQ di chuyển từ tây bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN) xuống phía nam.
- 16h ngày 2/5, giàn khoan HD981 được thả trôi tại tọa độ 15029’58’’ vĩ bắc - 111012’06’’ kinh đông, phía nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của VN và huy động nhiều tàu bảo vệ đi cùng.
- 7/5: TQ huy động, lúc cao nhất 80 tàu các loại, trong đó có 7 tàu quân sự gồm tàu hộ vệ tên lửa 534 và tàu tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh; cùng 33 tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính và các tàu vận tải, tàu cá. Ngoài ra hàng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực.
- 8h10 ngày 3/5, tại tọa độ 15031’ N-111002’E (cách giàn khoan HD981 khoảng 10 hải lý), tàu hải cảnh 44044 của TQ chủ động đâm thẳng vào mạn phải tàu CSB4033, làm tàu 4033 bị rách, hư hỏng máy phải và các trang thiết bị khác.
- 8h30 ngày 4/5: Tàu hải cảnh 44103 của TQ chủ động đâm thẳng vào mạn trái tàu CSB2012; tàu VN tránh nên vết đâm chỉ bị ở chính góc đuôi tàu mạn phải.
Tàu TQ còn chủ động đâm va, phun nước vào hàng chục tàu Kiểm ngư và các tàu thực thi pháp luật khác của Việt Nam. Hậu quả làm hư hỏng các trang thiết bị trên tàu và làm bị thương cho một số thủy thủ Việt Nam.
- 12h ngày 7/5, tàu hải cảnh 3411 tiếp tục đâm vào tàu CSB8003. TQ sử dụng đồng thời máy bay số hiệu 8321 bay trên không phận tàu CSB8003 để uy hiếp các tàu VN. Các tàu TQ được trang bị vũ khí đều mở bạt che súng, pháo để sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào.
- Trong khi các tàu Kiểm ngư của VN (KN 761, 762, 763, 764, 765, 628, 629; 766, 767, 768, 769, 770) tiến hành tuyên truyền, ngăn cản, xua đuổi hành vi vi phạm chủ quyền thì TQ vẫn tiếp tục có nhiều hành động vi phạm, đồng thời tăng cường lực lượng xuống bảo vệ nhằm hạ đặt giàn khoan để khoan thăm dò.
- Từ ngày 2-7/5, TQ thường xuyên sử dụng từ 2-3 tàu kèm 1 tàu VN để ngăn cản, đâm húc và phun nước áp lực cao làm hư hại 8 tàu Kiểm ngư VN.
Theo bạn, phát ngôn nào có ấn tượng nhất?
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.