"Không chỉ đề cập đến chủ nghĩa ngoại hình trong xã hội Hàn Quốc, Mask Girl còn đi sâu bản chất phức tạp, tính hai mặt của con người", đạo diễn Kim Yong Ho nói về cách khai thác bộ phim đề tài tình dục, bạo lực đang hút khán giả.
Bộ phim với tựa đề Cô gái mang mặt nạ, kể về câu chuyện của ngôi sao livestream Kim Mo Mi, người có gương mặt trái ngược với cơ thể hoàn hảo. Sau thời gian kiếm tiền nhờ khỏa thân trước màn hình máy tính, cô hẹn hò fan.
Điều đáng nói, kẻ cô hẹn hò thực chất là tên tấn công tình dục, tìm đến cô với ham muốn "thử xem khả năng của người xấu". Sau khi biết được mục đích của kẻ gian và bị chê bai ngoại hình, nữ chính phát điên, trong lúc giằng co khiến đối phương bất tỉnh.
Tự tin về chủ nghĩa ngoại hình, phẫu thuật thẩm mỹ để đổi đời, rơi vào bi kịch tù tội... Từ phim đến đời, xã hội Hàn Quốc luôn có những vấn đề kỳ thị, nạn tấn công tình dục khó giải quyết.
Cô gái mang mặt nạ thể hiện xã hội nhiều vấn đề của Hàn Quốc.
Chủ nghĩa ngoại hình độc hại
Theo Los Angeles Times, phần lớn người Hàn Quốc xem trọng vẻ đẹp thẩm mỹ và luôn bị ám ảnh ngoại hình. Mong muốn đạt được các tiêu chuẩn sắc đẹp của xã hội đã khiến nhiều người phải trải qua các phẫu thuật để tránh thành kiến.
Sự quyến rũ và độc đáo của mỗi người quan trọng, nhưng trong môi trường cạnh tranh như Hàn Quốc, nơi mọi người bị phân biệt đối xử khi tìm việc làm dựa trên ngoại hình, vẻ đẹp thẩm mỹ lên ngôi.
Điều đáng chú ý là tiêu chuẩn sắc đẹp ở Hàn Quốc có sự thống nhất. Đôi mắt to, mũi cao nhỏ, đôi môi căng mọng và khuôn hàm v-line đều được xem là mẫu mực về vẻ đẹp, chưa kể đến hình dáng. Có thể nói, những người không phù hợp với khuôn mẫu sẽ trở thành nạn nhân của miệt thị ngoại hình.
Hơn nữa, chủ nghĩa ngoại hình mang lại lợi ích kinh tế. Ngành công nghiệp thẩm mỹ của Hàn Quốc chiếm tỷ lệ khá lớn trong nền kinh tế quốc gia. Hàng ngàn người nước ngoài đổ xô đến Seoul mỗi năm để tham gia hành trình tìm kiếm vẻ đẹp được cho là hoàn hảo. Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nằm trong số những người có thu nhập cao nhất đất nước là minh chứng cho nhu cầu ngày càng tăng của ngành.
Chủ nghĩa ngoại hình khiến phụ nữ tự ti, tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ.
Các cuộc khảo sát cho thấy người cải thiện ngoại hình thông qua thẩm mỹ sẽ tự tin cao hơn. Rất nhiều người Hàn Quốc không hài lòng với ngoại hình của mình. Theo nghiên cứu của GfK, chỉ 34% phản hồi là “hoàn toàn hài lòng” hoặc “hài lòng”.
Số còn lại trả lời là “không hài lòng chút nào”, “không quá hài lòng” và “thấy bình thường”. Điều này giải thích tại sao người Hàn Quốc lại phải trả hàng nghìn USD để phẫu thuật thẩm mỹ và thẩm mỹ.
Nỗ lực cải thiện ngoại hình khiến nhiều cá nhân 'không hài lòng' cảm thấy tích cực hơn về bản thân. Không thể phủ nhận sự bất an cá nhân về ngoại hình tồn tại ở nhiều nền văn hóa. Những trở ngại cá nhân là trở ngại trong việc hoàn thành mục tiêu của một người. Nhiều người có lòng tự trọng thấp dựa trên ngoại hình của họ, thiếu tự tin, điều này ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp trong công việc và đời sống xã hội của họ.
Hơn nữa, nhiều người bị bắt nạt vì ngoại hình lại tìm giải pháp bằng cách phẫu thuật thẩm mỹ, khiến xã hội trở thành vòng lặp khó giải quyết.
Khó tìm công bằng cho phụ nữ bị tấn công tình dục
Trong cuộc phỏng vấn của Korea Times, Flower (tên nạn nhân đã thay đổi) cho biết có rất nhiều phụ nữ là nạn nhân của tấn công tình dục nhưng không dám báo cáo.
"Nhiều bạn bè nói với tôi rằng cô bị nhiều gã trung niên sờ mông trên tàu điện ngầm, có tên chụp ảnh. Họ thường không lên tiếng vì sợ mất việc, bị người khác chê cười", cô nói.
Jeong Jae Hyung, thanh tra bộ phận tội phạm vị thành niên và bạo lực trên cơ sở giới tại Cơ quan Cảnh sát Quốc gia (NPA), cho biết nhiều nạn nhân không muốn trình báo vì không muốn mất việc. Việc thiếu bằng chứng cũng khiến họ khó có thể kêu gọi trợ giúp. Một số phụ nữ nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc lại sợ bị điều tra nên khó cầu cứu.
“Những rào cản này khiến phụ nữ trở thành mục tiêu tấn công tình dục một cách dễ dàng và bị thủ phạm lợi dụng”, ông nói.
Tội phạm tấn công tình dục luôn rình rập phụ nữ Hàn Quốc.
Theo dữ liệu do Cơ quan Thông tin Thống kê Hàn Quốc (KOSIS) cung cấp, năm 2020 có tổng cộng 2.036.075 người nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc - 909.103 trong số đó là phụ nữ. Nhưng số cuộc gọi đến Đường dây trợ giúp Danuri liên quan đến tấn công tình dục vào năm ngoái là 55, chỉ bằng 0,5% tổng số cuộc gọi nhận được - một dấu hiệu cho thấy những tội ác như vậy chưa được báo cáo đầy đủ. Chỉ có 747 trường hợp trong số 39.296 vụ tấn công tình dục được báo cáo vào năm 2020 liên quan đến nạn nhân nước ngoài.
Tình trạng phụ nữ trong nước bị tấn công tình dục cũng không khả quan hơn bao nhiêu. Dù được cảnh báo, yêu cầu gọi điện cho cơ quan chức năng khi bị tấn công tình dục, nhiều phụ nữ vẫn im lặng.
Dù báo chí, phim ảnh liên tục cảnh báo về tình trạng tấn công tình dục, luật pháp Hàn Quốc lại khá thờ ơ với vụ việc. "Vấn đề lớn nhất với điều tra bạo lực tình dục là nạn nhân thường bị bỏ qua sau khi họ nộp đơn tố cáo. Vụ án hình sự được xử lý bởi cơ quan tư pháp quốc gia, do đó, bang có quyền quyết định số phận của kẻ tấn công hay không", Choi Seung Ho, luật sư tại Ondam Law, Seoul nói.
Theo luật sư, lời buộc tội của nạn nhân chỉ đóng vai trò bằng chứng, không phải một phần của thủ tục tố tụng. Điều đó khiến nạn nhân không có bất kỳ thông tin cập nhật nào về cuộc điều tra.
Ngay cả khi nạn nhân trình bày vụ việc trước tòa, việc thực hiện thủ tục pháp lý cũng không dễ dàng. "Tjaajt khó biết chính xác nơi người bị tấn công tình dục tìm đến. Quyền của phụ nữ bị tấn công tình dục là vấn đề quyền cơ bản. Nhưng với xã hội hiện tại, Hàn Quốc khó có thể tìm được sự công bằng cho nạn nhân", luật sư nói với Korea Times.