Loài thú lớn nhất thế giới cho đến thời điểm hiện tại vẫn là những con cá voi xanh. Nhưng nếu chỉ tính trên đất liền, danh hiệu ấy sẽ được trao cho loài voi của châu Phi.
Quả thực, voi đã luôn là những sinh vật to lớn, nhưng voi châu Phi nằm ở một đẳng cấp khác. Mỗi con voi có thể cao tới 4m, nặng hơn 10 tấn, trông không khác gì một ngôi nhà di động.
Vậy mà theo như kết luận của WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên) mới đây, khả năng rất lớn là những sinh vật khổng lồ này sẽ chính thức bị tuyệt diệt vào năm 2040. Nghĩa là, chúng ta chỉ còn khoảng 20 năm nữa mà thôi.
Cụ thể theo như số liệu của WWF đưa ra, số lượng voi châu Phi đã giảm tới 70% kể từ thập niên 1980, chủ yếu là do bị đuổi cùng giết tận để lấy đi cặp ngà. Dẫu hành vi săn trộm tại châu Phi đang giảm dần những năm gần đây, nhu cầu ngà voi quá lớn trên thế giới vẫn khiến nhiều kẻ sẵn sàng tước đi sinh mạng của chúng. Trung bình mỗi năm, có 20.000 con voi bị sát hại.
"Lũ săn trộm thường dùng súng trường hoặc tên tẩm độc. Những vũ khí dù có thể hạ gục một con voi to lớn, nhưng không khiến chúng chết ngay được," - trích lời Pauwel De Wachter, chuyên gia từ WWF Tây Phi.
"Khi một con voi bị hạ, những kẻ săn trộm lập tức cắt bỏ gân tứ chi để phế đi khả năng di chuyển của voi, và khiến chúng phải chịu cái chết đau đớn nhất. Để con voi nhanh mất máu mà chết, chúng chặt luôn cả vòi."
Cũng giống như bao sinh vật khác, sự biến mất của voi châu Phi sẽ tạo ra hiệu ứng liên hoàn đối với hệ sinh thái. Về cơ bản, voi vốn là một cỗtr máy "bón phân" khổng lồ cho thực vật trên toàn lục địa. Thậm chí những vết chân của chúng thôi cũng góp phần làm thay đổi địa hình, trở thành nơi trú ẩn cho vô số các loài vật khác.
Theo WWF, voi châu Phi thực chất có 2 loài: một là voi rừng (Loxodonta cyclotis) sống tại Tây Phi và lưu vực Congo; và hai là voi savanna hay voi bụi (Loxodonta africana) sống rải rác khắp lục địa. Trong 2 loài, voi bụi có kích cỡ lớn hơn, nhưng xét cho cùng thì số phận của cả 2 cũng chẳng khác gì nhau, đều bị thảm sát dưới tay con người.
Hiện tại, WWF tại Bỉ đang thành lập một chiến dịch để hỗ trợ bảo vệ cho voi châu Phi. Được biết, vị trí địa lý và lịch sử thuộc địa đã biến Bỉ trở thành nơi trung chuyển cho ngành buôn lậu ngà voi tồn tại suốt hàng thế kỷ qua.
Còn trên thế giới, các nước đang có những nỗ lực để giải quyết vấn nạn này. Nhiều quốc gia thậm chí đã ban hành lệnh cấm mới, siết chặt hơn dành cho tội phạm săn trộm, đồng thời đầu tư nhiều tiền bạc để hỗ trợ bảo vệ voi. Tuy nhiên, cuộc chiến ấy đang chưa cho thấy hiệu quả đủ lớn.
Sách Đỏ của IUCN hiện đang xếp cả 2 loài voi vào hạng nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng cao. Và nếu không sớm hành động, Trái đất sẽ vĩnh viễn mất chúng trong tương lai.
Tham khảo: IFl Science