Khi Zhang Yiming - người sáng lập ByteDance, công ty mẹ của TikTok - đang ăn sáng tại nhà ở Bắc Kinh vào tháng 7 thì một thông báo xuất hiện trên màn hình máy tính. Một người bạn đã gửi một liên kết có nội dung về Tổng thống Trump, trong đó ông Trump nói rằng coronavirus đến từ Trung Quốc và như một phần của phản ứng của Mỹ, ông có thể cấm TikTok - ứng dụng video nổi tiếng mà công ty của Zhang tạo ra.
Zhang đã rất ngạc nhiên. "Virus Trung Quốc?", ông đã nói với những người xung quanh sau đó. Coronavirus đã làm gì với TikTok?
Từ cú sốc ban đầu đó, mọi thứ nhanh chóng trở nên tồi tệ.
Đầu tiên, ông Trump tăng áp lực bằng cách ra lệnh rằng công ty mẹ của TikTok phải bán hoạt động của ứng dụng tại Mỹ hoặc đối mặt với lệnh cấm của Mỹ, với lý do nó đe dọa an ninh quốc gia thông qua dữ liệu mà ứng dụng này thu thập được.
Tiếp theo, khi những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc chỉ trích ông Zhang trên mạng xã hội vì không chống lại lệnh của ông Trump, các nhà đầu tư phương Tây lại đang gây áp lực buộc ông phải làm điều ngược lại - chú ý đến lệnh cấm và nhanh chóng tìm người mua.
Ông Zhang đã phản pháo lại vào hôm thứ Hai tuần trước với một vụ kiện lên tòa án liên bang ở California để ngăn chặn sắc lệnh của Nhà Trắng. Sau đó, ông đột ngột mất đi CEO TikTok ở Mỹ của mình, Kevin Mayer, người vừa được đưa về từ Walt Disney chỉ ba tháng trước. Mayer đã đưa ra thông báo hôm thứ Năm tuần trước rằng ông sẽ từ chức CEO TikTok vì "hoàn cảnh chính trị đã thay đổi vai trò của ông trong công ty quá nhiều".
Do đó, nhà sáng lập người Trung Quốc của một ứng dụng dành cho thanh thiếu niên, chứa đầy video nhảy nhót và hát nhép ngốc nghếch, đã bị lôi kéo vào mối quan hệ địa chính trị căng thẳng Mỹ-Trung. Và người đàn ông 37 tuổi từng rất ngưỡng mộ Thung lũng Silicon này đã luôn muốn công ty do ông tạo ra được nhìn nhận trên phạm vi toàn cầu. Nhưng rõ ràng là không phải theo cách này.
Sau khi sắc lệnh được tổng thống Mỹ đưa ra, một loạt các ông lớn trong ngành công nghệ như Microsoft, Twitter và Oracle xuất hiện để đàm phán hoặc thăm dò giá thầu về hoạt động kinh doanh của TikTok ở nhiều khu vực. Hãng bán lẻ Walmart thậm chí cũng ngỏ ý muốn tham gia cuộc chơi với tư cách là đối tác tiềm năng của Microsoft.
Một tối hậu thư từ Nhà Trắng rõ ràng không phải là tương lai mà ông Zhang tưởng tượng khi còn là một kỹ sư phần mềm trẻ và có đầu óc kinh doanh ở Trung Quốc.
Ông khác với thế hệ những người sáng lập công ty công nghệ Trung Quốc trước đó, những người tìm kiếm sự ưu ái từ chính quyền. Người đàn ông này nghiêng về thiên đường công nghệ ở California hơn là Đại lễ đường Nhân dân Trung Hoa. Ông thích mặc áo phông và quần jean, ăn ở quán cà phê của công ty và thích trích dẫn các phương châm công nghệ như quy tắc "Luôn là ngày đầu tiên" của người sáng lập Amazon Jeff Bezos. Câu đó có hàm ý rằng một công ty không bao giờ nên ngừng hoạt động như một công ty khởi nghiệp.
Các nhân viên của công ty mẹ TikTok, ByteDance, thường gọi ông bằng cái tên Yiming thay vì Zhang. Và ông cũng không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Sinh ra ở tỉnh Phúc Kiến, một tỉnh ở miền đông nam nước này vào năm 1983, thời kỳ Trung Quốc bắt đầu mở cửa, ông Zhang theo học ngành kỹ sư phần mềm tại một trường đại học ở phía bắc thành phố Thiên Tân, nơi ông gặp vợ mình. Ông sau đó đã làm việc tại nhiều công ty khởi nghiệp khác nhau và có cả một thời gian ngắn gia nhập văn phòng đại diện của Microsoft ở Bắc Kinh với tư cách là một kỹ sư vào năm 2008.
Nhưng chàng thanh niên này khi đó chỉ ở lại Microsoft chưa đầy một năm, và lý do ra đi được tiết lộ với truyền thông sau này là bởi cảm thấy công việc không quá phức tạp, đến mức ông đã dành nửa thời gian làm việc để đọc sách.
Trong những năm đó, Trung Quốc đã củng cố quyền kiểm soát của mình đối với Internet. Sau cuộc bạo động xảy ra ở Tân Cương vào năm 2009, chính quyền đã chặn một số trang web với lý do giảm thiểu tình trạng bất ổn trên mạng. Ông Zhang, khi đó đang làm việc cho một ứng dụng mô phỏng Twitter của Trung Quốc có tên là Fanfou, đã có các động thái phản đối những hạn chế này.
"Hãy ra ngoài và mặc áo phông ủng hộ Google", ông từng viết trong một bài đăng trên blog. "Nếu bạn chặn Internet, tôi sẽ viết những gì tôi muốn nói trên quần áo của mình."
Blog này hiện không thể truy cập trực tuyến được nữa. Google cũng đã rút các hoạt động của công cụ tìm kiếm khỏi Trung Quốc đại lục một năm sau đó.
Năm 2012, Zhang thành lập ByteDance, công ty mẹ của TikTok, tại một căn hộ ở Bắc Kinh. Ngay từ những ngày đầu, nó đã có tham vọng toàn cầu, mặc dù nhiều nhân viên của công ty chưa từng ra nước ngoài. "Phòng họp lớn nhất khi đó chỉ khoảng 10 mét vuông, nhưng ý tưởng của bạn có thể rất lớn", ông Zhang hồi tưởng quãng thời gian đó trong một video kỷ niệm vào năm ngoái.
Một trong những sản phẩm đầu tiên của họ là một ứng dụng tổng hợp tin tức có tên là Jinri Toutiao, hay "Tiêu đề của ngày hôm nay". Zhang khi đó là CEO đồng thời là người sáng lập của ByteDance, không có kiến thức về truyền thông, bởi chuyên môn của ông là lập trình. Ứng dụng đã sử dụng trí thông minh nhân tạo để cung cấp tin tức cho mọi người dựa trên thói quen đọc của họ: Họ có xu hướng nhấp vào gì? Họ đã nán lại bao lâu? Họ đã đọc hết bài báo chưa?
Ứng dụng này cũng nhận được hơn 100 đơn kiện và khiếu nại từ các cổng thông tin trực tuyến và nhiều tờ báo khác, một số cáo buộc nó đã thay đổi nội dung của họ. Trong một số trường hợp, ByteDance phải bồi thường cho người tạo nội dung vì đã sử dụng tác phẩm của họ mà không được phép. ByteDance cho biết công ty giống như các nền tảng khác trong ngành, đã "đối mặt với một số nhầm lẫn" về luật bản quyền ở Trung Quốc trong những năm đầu thành lập và kể từ đó đã hình thành quan hệ đối tác với nhiều trang web truyền thông.
Chuyến đi tới California vào năm 2014 đã củng cố quyết tâm xây dựng một công ty toàn cầu của Zhang. Cùng với một nhóm các nhà sáng lập doanh nghiệp trẻ tuổi khác của Trung Quốc, ông đã tham quan Facebook và Tesla, gặp gỡ những nhân vật như đồng sáng lập Yahoo là Jerry Yang. Ông đã bị thuyết phục rằng các doanh nhân công nghệ Trung Quốc có thể cạnh tranh trong các sân chơi lớn.
TikTok đã chứng minh rằng Zhang đã đúng. Được hỗ trợ bởi các thuật toán có thể khiến các nguồn cấp dữ liệu video trở nên gây nghiện, ứng dụng này đã trở thành một cơn sốt trên toàn cầu. Theo công ty nghiên cứu thị trường Sensor Tower, TikTok đã được tải xuống hơn 2 tỷ lần trên toàn thế giới. Công ty mẹ ByteDance được định giá 100 tỷ USD.
Bên cạnh việc là ứng dụng tiêu dùng đầu tiên của Trung Quốc có thể trở nên lớn mạnh ở phương Tây, TikTok đã không thành công giống như nhiều công ty khác trong quá khứ của Trung Quốc. Nó không thể bị buộc tội sao chép công nghệ phương Tây. Và TikTok hiện là nền tảng truyền thông xã hội chính cho hàng triệu thanh thiếu niên trên khắp thế giới.
Mặc dù công nghệ từng được coi là lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc có thể làm việc cùng nhau, nhưng theo kiểu các nhà đầu tư mạo hiểm của Mỹ đã thúc đẩy các công ty khởi nghiệp của Trung Quốc và các kỹ sư Trung Quốc chuyển đến Thung lũng Silicon. Và rồi TikTok xuất hiện theo một cách khác biệt. Nó nhảy vào giữa trung tâm của cuộc tranh cãi, cùng với Huawei và ứng dụng WeChat của Tencent, phải đối mặt với lệnh cấm sắp xảy ra ở Mỹ do chính quyền Trump áp đặt.
Ian Bremmer, chủ tịch công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, cho biết TikTok sẽ ngày càng được chính quyền Trung Quốc coi là một công ty quan trọng về mặt chiến lược. Ông nói, tầm quan trọng của nó nằm ở lượng dữ liệu người dùng khổng lồ mà nó thu thập, thúc đẩy quá trình "học sâu" và AI.
"Trung Quốc đột nhiên nhận ra rằng họ cần những khả năng công nghệ này trong nội bộ và họ cần chúng một cách nhanh chóng", ông Bremmer nói.
ByteDance ra mắt TikTok vào năm 2017, sau đó mua lại đối thủ có trụ sở tại Thượng Hải, Musical.ly, thứ đang thu hút được sự quan tâm của thanh thiếu niên Mỹ và hợp nhất nó vào TikTok. Năm 2018, chia sẻ trên một diễn đàn tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, Zhang nói rằng ông mong đợi TikTok sẽ có nhiều người dùng bên ngoài Trung Quốc hơn ở thị trường nội địa, trong vòng ba năm.
Vài tuần sau diễn đàn đó, chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa ứng dụng chia sẻ trò đùa ByteDance - có tên Neihan Duanzi - vì xuất bản nội dung "thô tục".
Lần này, thay vì tố cáo việc kiểm duyệt, ông Zhang đã đáp lại bằng một bài đăng dài trên mạng xã hội với nội dung xin lỗi và hứa sẽ tăng gần gấp đôi số lượng nhân viên kiểm duyệt tại công ty. Đại diện công ty sau đó cho biết cho biết lời xin lỗi nhằm giải thích với người dùng việc ông Zhang đã không bảo vệ nền tảng khỏi các nội dung không phù hợp với giá trị của họ.
Và khi TikTok mở rộng ra nước ngoài, lực lượng lao động trẻ của nó đã phải vật lộn để điều hướng để tránh các "bãi mìn" quy định. Các nhà chức trách ở Mỹ, Hà Lan và Pháp đã bắt đầu xem xét các hoạt động của công ty xung quanh việc bảo vệ dữ liệu người dùng. Vào tháng 6, TikTok nằm trong số các ứng dụng Trung Quốc bị cấm ở Ấn Độ, thị trường lớn nhất về lượt tải xuống vì lý do an ninh mạng. Cơ quan quản lý viễn thông của Hàn Quốc đã phạt TikTok vào tháng 7 vì xử lý sai dữ liệu của người dùng dưới 14 tuổi.
Một phân tích của Wall Street Journal trong tháng này cũng cho thấy trong hơn một năm, ứng dụng đã theo dõi người dùng bằng một chiến thuật bị Google cấm, cho phép nó thu thập các số nhận dạng duy nhất từ hàng triệu thiết bị di động mà không cho phép người dùng tùy chọn không tham gia.
TikTok cho biết họ không còn làm điều này nữa và đã hứa sẽ tạo ra một "bức tường lửa" giữa Trung Quốc và người dùng nước ngoài.
Chính quyền Trump lo lắng về khả năng chính phủ Trung Quốc tiếp cận dữ liệu người dùng của TikTok. Luật an ninh quốc gia của Trung Quốc yêu cầu các công ty Trung Quốc hỗ trợ điều tra liên quan đến an ninh quốc gia. "Điều này có nghĩa là", theo Fergus Ryan, một nhà phân tích tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, một tổ chức nghiên cứu độc lập, "ByteDance có thể sẽ gặp một số khó khăn trong việc đẩy lùi một số yêu cầu dữ liệu nhất định từ chính quyền Bắc Kinh."
ByteDance cho biết họ không chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc và sẽ không làm như vậy nếu được yêu cầu.
Cuối năm ngoái, khi Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ bắt đầu xem xét các hoạt động của ByteDance và TikTok để đảm bảo chúng không gây ra rủi ro an ninh quốc gia, ông Zhang đã liên hệ với Chủ tịch Microsoft, Brad Smith và CEO Satya Nadella để được tư vấn về cách giải quyết các mối lo ngại về bảo mật dữ liệu và giành được sự tin tưởng của các cơ quan quản lý.
Những nguồn tin thân cận cho biết điều này đã dẫn đến việc TikTok có kế hoạch mở một trung tâm ở Los Angeles nhằm cung cấp sự minh bạch hơn về hoạt động của ứng dụng ở nước ngoài. Các cuộc đàm phán được cho là đã phát triển thành các cuộc thảo luận về "một vụ mua bán".
Một người quen thuộc với vấn đề còn cho biết ông Zhang đã đọc một cuốn sách của ông Brad Smith về cách quản trị công ty công nghệ mang tên "Công cụ và vũ khí", sau đó đã dịch nó sang tiếng Trung Quốc và ra lệnh cho nhóm quản lý ở ByteDance phải đọc nó.
Cũng trong một cuộc trò chuyện với công ty, ông Zhang đã nhấn mạnh một đoạn trích trong cuốn sách về vụ thảm sát nhà thờ Hồi giáo năm 2019 ở Christchurch, New Zealand, mà kẻ bắn súng đã phát trực tiếp hành động trên Internet, dẫn đến sự chỉ trích vào các công ty truyền thông xã hội. Ông đã kêu gọi nhân viên của mình kiểm tra khả năng của ByteDance để phản ứng với tình huống như vậy.
Năm ngoái, ông Zhang thường dành nhiều thời gian của mình để ngồi trên máy bay phản lực. Còn năm nay, ông đang mắc kẹt ở Trung Quốc vì đại dịch Covid-19. Người đàn ông này vẫn đang giữ lịch sinh hoạt theo giờ Mỹ, thường xuyên gặp gỡ các nhà đầu tư trên khắp Thái Bình Dương để bàn bạc về số phận của công ty mình.
Ông hiện phải đối mặt với áp lực từ các nhà đầu tư muốn đồng ý bán hoạt động của TikTok tại Mỹ để làm hài lòng Tổng thống Trump. Nhưng sâu bên trong, ông Zhang đã hy vọng về một giải pháp khác. Một người thân cận cho biết ông đang ngày càng bị cô lập trong các cuộc đàm phán. Những người quen thuộc với vấn đề này nói rằng gần đây, ông đã có ý nghĩ rằng việc bán công ty là không thể tránh khỏi.
ByteDance từ chối bình luận về tình trạng của cuộc đàm phán. Trong một lá thư gửi cho nhân viên hồi đầu tháng này, ông Zhang đã khuyên mọi người về "chữ Nhẫn".
"Đã có một sự gia tăng trong tình cảm chống Trung Quốc ở nhiều nước", ông viết. "Đừng bận tâm đến bất kỳ lời khen ngợi hay mất mát ngắn hạn nào, và hãy kiên nhẫn làm những điều đúng đắn."
Tham khảo WSJ
*Đọc bài cùng tác giả Bảo Nam tại đây