1. "Trời ơi nó đã", Marcus Rashford viết trên Twitter sau khi lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác chơi bóng tại World Cup. Anh vào sân phút thứ 68 trận Anh ăn Tunisia 2-1. Nói chung là không làm nên trò trống gì, quan trọng là 3 điểm.
Anh trai của Marcus - Dwaine, tranh thủ tự hào ké: "Ngày tự hào. Hành trình 14 năm hôm nay đã cho quả ngọt. Giỏi lắm Marcus!"
Jesse Lingard, được suy tôn là Andres Iniesta của "Tam sư", viết trên Twitter: "Một trong những khoảnh khắc tự hào nhất cuộc đời, mang chiếc áo số 7 tại World Cup".
Ashley Young lẽ ra chỉ có thể xem World Cup ở nhà nếu không có sự xuất hiện của Jose Mourinho. Sự nghiệp của anh chàng tên là Young nhưng không còn trẻ tiếp tục đi theo những hướng ít ai ngờ tới. Sau khi đá ở mọi vị trí trên sân trừ thủ môn dưới thời Louis van Gaal, Young trở thành… hậu vệ trái không thể thay thế của Jose Mourinho.
Và thế là sau 4 năm vắng mặt trên đội tuyển (2013-2017), Young được HLV Gareth Southgate ném luôn vào cánh trái của đội tuyển, chuyên leo biên và thực hiện những quả đá phạt bay vọt xà.
Anh cũng bon chen viết trên Twitter: "Một khởi đầu mới tuyệt làm sao".
Đội tuyển Anh mặc áo đỏ giống Man United, và thế là họ đá cũng… khá giống Man United, cũng có chất "vô đối" trong đó. Đá không hay, nhưng quan trọng là 3 điểm. Phil Jones chưa ra sân, nếu anh đá chính có khi Tunisia không có nổi bàn gỡ. Chris Smalling không được gọi, nhưng anh cũng an ủi là được… sang Việt Nam du lịch và đá cầu với thanh niên Việt ở công viên.
Lịch sử chỉ ra: đôi nào muốn vô địch World Cup thì thường phải có bộ khung ở một CLB mạnh trong nước. Đức vô địch World Cup 2014 với đội hình chính có phân nửa là cầu thủ Bayern Munich. Với bộ khung Barcelona, Tây Ban Nha vô địch World Cup 2010. Bốn năm trước, Italia lên đỉnh với các trụ cột của Juventus.
2. Năm nay, có Man United cung cấp bộ khung, xem ra Anh có tương lai xán lạn. Ngoài bốn cái tên là Young, Lingard, Rashford, Phil Jones, họ còn có "cựu quỷ đỏ" Danny Welbeck. Khán giả hãy nhớ: tuyển Anh thắng được không phải nhờ vào tài săn bàn của Harry Kane mà nhờ vào "cái vía thần tài" của các cầu thủ Man United.
Romelu Lukaku, trung phong của Man United, là nhân vật chính giúp Bỉ thắng đậm Panama 3-0. Trước đó, anh có một bài viết hết sức cảm động cho tờ The Players’ Tribune.
Đại ý Lukaku kể hồi bé rất nghèo: mẹ phải pha sữa với nước, vay bánh mì của lò để cho anh em Lukaku đắp đổi qua ngày. Chuột cứ chạy đầy trong căn hộ, không có cả TV để xem bóng đá. Nên Lukaku thề độc là mình sẽ trở thành cầu thủ hay nhất lịch sử nước Bỉ cho gia đình bớt khổ. Và rốt cục thì anh đã làm được. Và vì cầu thủ hay nhất lịch sử nước Bỉ phải đá cho CLB hay nhất lịch sử thế giới nên Lukaku đã chọn Man United.
Đội tuyển Pháp đá rất dở trước Australia. Họ phải cần đến VAR mới có được bàn mở tỷ số của Antoine Griezmann từ chấm phạt đền. Nhưng chỉ mấy phút sau, Australia nhanh chóng gỡ lại cũng từ chấm 11 mét mà không cần VAR. Khi Pháp gần như bất lực hoàn toàn trước Úc thì một bàn thắng đập xà ngang đưa bóng qua vạch vôi giúp Pháp giành trọn 3 điểm. Ai là người sút quả ấy? Paul Pogba của Man United.
Thụy Điển chưa bao giờ biết thắng là gì trong một trận mở màn World Cup trong suốt 40 năm. May làm sao lần này họ có trung vệ Victor Lindelof. Anh này ngồi dự bị, nhưng khí chất tỏa ra cũng đủ giúp Thụy Điển đánh bại Hàn Quốc 1-0 vừa đủ.
Cũng là tỷ số mong manh mà Serbia hạ Costa Rica. Tất cả là nhờ Serbia có một điều Costa Rica không có: Nemanja Matic của Man United.
Như vậy, có thể thấy nguyên lý này rất rõ ràng. Cứ hễ đội nào có cầu thủ Man United là y như rằng kết quả hết sức khả quan. Lần sau có bắt độ, bạn đọc nên xem trong đội hình đội tuyển ấy có cầu thủ Man United không. Lỡ hai đội đều có cầu thủ Man United thì đội nào có nhiều hơn thì thắng. Nếu cả hai đều có một người của Quỷ đỏ thì ai đá chính sẽ thắng. World Cup đã bị chi phối bởi Đấng Vô Đối rồi.