World Cup 1994: Ngỡ ngàng & bi kịch

Bảo Nam |

(Soha.vn) - Giải đấu World Cup trên đất Mỹ lẽ ra đã hoàn hảo nếu không có vài vết xước, mà khủng khiếp nhất là cú đá phản lưới định mệnh của Andres Escobar.

NƯỚC MỸ KHIẾN CẢ THẾ GIỚI NGỠ NGÀNG

Trong chiến dịch vận động giành quyền đăng cai World Cup 1994 có 3 đại diện lọt vào vòng chung kết: Mỹ, Brazil và Morocco (Ma Rốc). Tất cả đều nghĩ rằng, World Cup sẽ trở lại với Nam Mỹ. Brazil rõ ràng là ứng viên sáng nhất trong 3 cái tên cuối cùng. Bởi chẳng ai tin Morocco có thể đăng cai một kỳ World Cup và Mỹ, đất nước thậm chí còn không biết bóng đá là môn thể thao gì, lại càng không.

Nhưng một bất ngờ lớn đã xảy ra. Mỹ giành tới quá nửa số phiếu bầu từ hội đồng các thành viên Exco ngay từ vòng đầu tiên. Lẽ ra người ta sẽ tổ chức 2 vòng bầu chọn, nhưng chiến thắng tuyệt đối của người Mỹ khiến Brazil thua cũng tâm phục khẩu phục.

Sau bất ngờ đến sự tò mò. Mỹ sẽ tổ chức World Cup thế nào khi mà người dân của họ vốn không hề thích bóng đá. Nếu như cả thế giới gọi bóng đá là football (hoặc một cụm từ gì đó, nhưng kiểu gì cũng phải gắn từ ‘quả bóng’ vào) thì người Mỹ gọi bóng đá là soccer. Ở Mỹ, football là Bóng bầu dục.

Cựu tổng thống Mỹ, Bill Clinton, chỉ biết tới bóng bầu dục trước VCK World Cup 1994?

Cựu tổng thống Mỹ, Bill Clinton, chỉ biết tới bóng bầu dục trước VCK World Cup 1994?

Sự ngơ ngác của người Mỹ về bóng đá thể hiện qua 2 câu chuyện khôi hài diễn ra trong chính lễ khai mạc World Cup. Câu chuyện đầu tiên, dựa trên một lời đồn, cho rằng: Chính tổng thống Mỹ Bill Clinton đã nói trước mặt Thủ tướng Đức Helmut Kohl một câu đầy khôi hài: “Cho đến khi nước Mỹ tổ chức World Cup tôi mới biết quả bóng… hình tròn” (quả bóng mà người Mỹ biết đến từ trước đến nay hình bầu dục).

Kế đó, nữ danh ca Dinna Ross được bố trí sút quả bóng từ cự ly rất gần vào khung thành bỏ trống, coi như một nghi thức trong lễ khai mạc. Nhưng bà đã đá quả bóng ra ngoài. Chuyện vốn chẳng lấy gì làm vui. Nhưng khán giả Mỹ bỗng đứng dậy vỗ tay rầm trời. Với người Mỹ, cũng giống như chơi bóng bầu dục, trái bóng chỉ cần lăn qua một cái vạch màu trắng là điểm số đã được ghi.

Vậy đó, liệu người ta có thể trông đợi gì ở lượng khán giả tới sân?

Nhưng nước Mỹ đã khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng. Với lượng khán giả tới sân trung bình đạt 69.000 CĐV/trận, Mỹ 1994 đã phá vỡ kỷ lục về lượng khán giả tồn tại từ World Cup 1966 ở Anh. Theo con số của BTC, cả World Cup 1994 đã đón tổng cộng 3,6 triệu lượt CĐV tới sân xem bóng đá. Con số này cho đến tận bây giờ vẫn còn là một kỷ lục, dù World Cup năm đó chỉ có 52 trận đấu thay vì 64 trận như ngày hôm nay.

Nước Mỹ đi xem World Cup như trẩy hội

Nước Mỹ đi xem World Cup như trẩy hội

Với tiềm lực kinh tế vững vàng và thái độ làm việc nghiêm túc, nước Mỹ đã tổ chức một trong những kỳ World Cup quy củ và hiện đại bậc nhất thế giới thậm chí tính cả đến ngày hôm nay. Rất nhiều CĐV từ các quốc gia Nam Mỹ đã há hốc mồm khi thấy một chiếc xe chạy vào sân đưa cầu thủ chấn thương ra ngoài (trước đó họ chỉ dùng cáng).

Bóng đá với người Mỹ cũng dễ chịu hơn hẳn. Thay vì những màn la hét, chửi rủa lẫn nhau giữa 2 lực lượng CĐV, người ta thấy dân Mỹ đi xem bóng đá như thể đi… picnic. Họ mang theo đồ ăn thức uống vào sân. Họ ăn, uống và bình luận sôi nổi. Tuyệt đối không có tranh cãi (bởi người ta cũng chẳng biết gì về… luật bóng đá mà cãi nhau).

Một kỳ World Cup thưởng thức đúng nghĩa.

Bi kịch Andres Escobar

World Cup 1994 thực tế đã có thể kết thúc hoàn hảo y như cái cách nó bắt đầu. Đáng tiếc, sự kiện hậu vệ người Colombia Andres Escobar bị bắn chết chỉ 10 ngày sau khi vô tình đá phản lưới nhà trong trận đấu với chính đội chủ nhà Mỹ, đã phủ một bóng đen tang tóc vào một góc World Cup.

Pha đá phản lưới nhà đen tối của Escobar

Pha đá phản lưới nhà đen tối của Escobar

Escobar gần như đã bị xả cả một băng đạn vào người khi đang lấy xe sau khi dùng bữa ăn với gia đình tại quê nhà. Một vài người chứng kiến sự việc kể lại, họ nghe những tên bắn Escobar vừa bóp cò vừa gằn giọng về chuyện hậu vệ này đã đá phản lưới nhà ra sao. Chất giọng đầy sự hằn học và cái cách những tay xã hội đen này muốn xé tan cơ thể Escobar bằng những phát súng cũng cho thấy sự man rợ của vụ giết người này.

Lần theo cái chết của Escobar người ta phát hiện thêm ra những bí ẩn kinh hoàng. Hóa ra kẻ giết chàng hậu vệ tội nghiệp người Colombia (bị bắt và kết án 43 năm tù) là một tay giết thuê. Hắn làm việc cho một lực lượng mafia chuyên buôn bán ma túy và vũ khí.

Và anh đã phải trả giá bằng mạng sống của mình

Và anh đã phải trả giá bằng mạng sống của mình

Khi tên thuê sát thủ giết Escobar bị phanh phui, người ta mới biết gã này đã đặt cược một số tiền lên tới cả chục triệu USD vào trận đấu giữa Colombia và Mỹ. Hắn thua cuộc và Escobar phải đền tội vì đá phản lưới nhà.

Sự kiện này cũng đồng thời đánh dấu World Cup 1994 trở thành kỳ World Cup đầu tiên xuất hiện cảnh tượng những tên mafia ngang nhiên đặt vài chục triệu đô cho kết quả thắng-thua một trận đấu. Cảnh sát đã thử lật tung cả giải đấu xem có phát hiện trận nào khả nghi hay không, nhưng tài liệu điều tra vụ việc này mãi mãi không bao giờ được công bố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại