World Cup 1982: Chức vô địch đầy bất ngờ của ĐT Italia

ĐT Italia vô địch World Cup 1982, chiến thắng được nhớ mãi bởi 6 bàn của Paolo Rossi và màn ăn mừng ấn tượng của Marco Tardelli.

Những người yêu bóng đá lãng mạn có thể đã phải rơi nước mắt cho Brazil và Pháp, những kẻ thua cuộc không may ở hai trong số những trận đấu đẹp nhất của World Cup, nhưng họ hẳn cũng thừa nhận chiến thắng dành cho đội bóng của HLV Enzo Bearzot là xứng đáng, nhất là sau trận chung kết trên cơ mà họ thắng 3-1 trước một Tây Đức quá thực dụng. Bàn mở tỷ số ở trận đấu đó cũng giúp Rossi đoạt chiếc Giày vàng, một danh hiệu cá nhân thậm chí còn kịch tính hơn cả sự hồi sinh của tuyển Ý sau vòng loại đầy thất vọng.

Rossi chỉ mới trở lại sau hai năm bị cấm chơi bóng vì liên quan tới một vụ bê bối dàn xếp tỷ số. Khi giải đấu bắt đầu, ông không ghi nổi lấy một bàn trong cả 3 trận vòng bảng của Ý, tất cả đều kết thúc với tỷ số hòa. Trên thực tế, Italia chỉ giành quyền đi tiếp do xếp trên Cameroon nhờ ghi được nhiều hơn đúng 1 bàn. Tuy nhiên, càng vào sâu Azzurri chơi càng hay. Họ loại ứng cử viên số một Brazil ở vòng hai nhờ một hat-trick của Rossi, người sẽ ghi thêm 2 bàn nữa trong trận bán kết gặp Ba Lan.

Pha ăn mừng trở thành biểu tượng của Tardelli
  • Những người hùng khác của Italia là thủ thành đội trưởng khi đó đã 40 tuổi Dino Zoff cùng hậu vệ 18 tuổi Giuseppe Bergomi. Tuy nhiên, trong khi Bergomi là cầu thủ Ý trẻ nhất chơi bóng ở một kỳ World Cup thì Norman Whiteside của Bắc Ireland đã vượt qua kỷ lục trước đó của Pele để trở thành cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử giải vô địch thế giới khi anh trình làng lúc 17 tuổi 41 ngày. Và đội bóng của Whiteside đã gây nên một cú sốc ở giải lần này sau khi hạ TBN 1-0 và vào đến vòng hai.

World Cup lần thứ 12 cũng là kỳ World Cup cuối cùng chấm dứt sử dụng bóng hoàn toàn bằng da, nhưng lại là kỳ đầu tiên bao gồm 24 đội thay vì 16. Thể thức thi đấu do đó cũng thay đổi, bao gồm 3 giai đoạn: vòng bảng đầu tiên gồm 6 bảng, hai đội đứng đầu mỗi bảng đi tiếp. Vòng hai gồm 4 bảng, mỗi bảng 3 đội và đội đầu bảng vào bán kết theo thể thức knock-out.

Algeria hạ Đức

Hà Lan, đội á quân hai lần giải trước đó, là nạn nhân đáng chú ý nhất của vòng bảng bao gồm 6 đội lần đầu tiên góp mặt: Algeria, Cameroon, El Salvador, Honduras, Kuwait và New Zealand. Hai trong số đó gây ấn tượng mạnh ở vòng bảng bắt đầu bằng một bất ngờ cho đội ĐKVĐ Argentina khi họ thúc thủ 0-1 trước Bỉ ở Barcelona.

Algeria thậm chí còn gây ra một cú sốc lớn hơn khi đánh bại đội vô địch châu Âu Đức 2-1 trong trận đầu tiên. Rabah Madjer và Lakdar Belloumi, Cầu thủ châu Phi xuất sắc nhất năm, là những người ghi bàn. Mặc dù thắng cả Chile, Algeria vẫn bị loại sau khi Đức và Áo "diễn kịch" với chiến thắng dành cho Đức, đảm bảo hai đội châu Âu cùng được vào vòng sau.

Cameroon cũng có quyền than phiền về vận may sau khi phải về nhà dù bất bại ở vòng bảng, khi cầm hòa hai đội mạnh Ý và Ba Lan. Honduras cũng cầm chân đội chủ nhà gây nhiều thất vọng TBN, nhưng một gương mặt mới khác, El Salvador, ra về trong tủi hổ: trở thành đội đầu tiên để thủng lưới tới 10 bàn ở một kỳ World Cup: thua Hungary 1-10! Cũng trong trận đấu này, cầu thủ vào sân thay người Lazlo Kiss đã lập hat-trick nhanh nhất trong lịch sử giải VĐTG (từ phút 69 với phút 76).

Brazil mê hoặc

Những ngôi sao thực sự ở vòng một là đội Brazil của HLV Tele Santana. Được coi là đội bóng hay nhất Nam Mỹ kể từ năm 1970, sức mạnh của họ là ở hàng tiền vệ đầy tài năng bao gồm Zico, Falcao, Socrates và Eder. Eder và Scorates là những người đã đóng góp hai bàn thắng tuyệt đẹp khi đội bóng áo vàng lật ngược tình thế để thắng Liên Xô 2-1.

Brazil còn loại kình địch Argentina với tỷ số 3-1 trong trận đầu tiên ở vòng hai. Nỗi thất vọng của Diego Maradona nhân đôi vào cuối trận khi "Cậu bé vàng" đá nguội Batista và bị đuổi khỏi sân. Brazil bước vào trận đấu thứ hai ở bảng của mình chỉ cần một trận hòa là sẽ vào bán kết. Nhưng dù Socrates và Falcao ghi bàn, hat-trick của Rossi vẫn khiến họ phải khăn gói về nhà. Không có trong tay chân sút tài năng Zbigniew Boniek vì án treo giò, Ba Lan không thể chống trả các đợt tấn công của Ý trong trận bán kết, nhưng ở cặp đấu bên kia là một cuộc đọ sức sẽ trở thành sử thi của World Cup giữa Đức và Pháp ở Sevilla.

Một điểm nhấn đầu tiên của trận đấu là pha vào bóng ác ý của Harald Schumacher khiến Patrick Battison bất tỉnh nhân sự, nhưng thủ thành của tuyển Đức không hề bị trừng phạt. Đó cũng là trận đầu tiên ở World Cup được quyết định trên chấm phạt đền sau khi Đức gỡ hòa dù đã bị dẫn trước 3-1 trong hiệp phụ. Sau khi Schumacher đẩy bóng ra từ cú sút của Maxime Bossis, Horst Hrubech làm các con tim Pháp tan vỡ bằng quả phạt đền thành công hạ gục đội bóng của các nghệ sĩ bậc thầy Michel Platini, Jean Tigana và Alain Giresse, vốn lần đầu tiên vào đến bán kết từ năm 1958.

  • Thầy trò HLV Enzo Bearzot nâng cao chức vô địch lần thứ 3 của Italia

Kiệt sức sau trận quyết đấu, đội bóng của HLV Jupp Derwall không còn đủ thể lực cho trận chung kết với Italia ở Santiago Bernabeu. Azzurri nhanh chóng quên đi cú sút phạt đền hỏng ăn của Antonio Cabrini với 3 bàn thắng của Rossi, Marco Tardelli và Alessandro Altobelli ngay trong hiệp 1. Breitner gỡ lại một bàn an ủi, nhưng Tardelli đã kịp có pha ăn mừng trở thành biểu tượng cho người Ý năm 82: vừa chạy vừa giơ hai tay vừa hét vang chào đón cúp vàng thế giới.

Có thể bạn chưa biết

- Đây là World Cup đầu tiên có mặt đủ đội bóng đến từ 6 liên đoàn bóng đá khu vực.

- Algeria trở thành đội châu Phi đầu tiên đánh bại một đội bóng châu Âu khi thắng Đức 2-1 ở vòng 1.

- Đội vô địch Italia không thắng nổi một trận nào ở vòng bảng. Chiếc giày vàng Paolo Rossi thì không ghi nổi bàn nào trong 4 trận đầu tiên. Tuy nhiên sau đó họ đã thắng 3 nhà vô địch trước đó là Argentina, Tây Đức và Brazil để giành cúp vàng.

- 16 bàn của tuyển Pháp ở TBN năm 1982 được ghi bởi 10 cầu thủ, một kỷ lục mới. Năm 1958, 23 bàn của Les Bleus được ghi bởi 6 cầu thủ khác nhau.

- Liên Xô có hai anh em ruột Viktor và Vyacheslav Chanov, đều là các thủ môn dự bị. Rinat Dassaiev là người bắt chính.

- Tim, một cầu thủ Brazil từng tham dự World Cup 44 năm trước, dẫn dắt tuyển Peru ở giải lần này.

- Norman Whiteside, 17 tuổi 41 ngày, trở thành cầu thủ trẻ nhất tham dự một kỳ World Cup khi anh ra sân trong màu áo Bắc Ireland trận gặp Nam Tư.

- Laszlo Kiss trở thành cầu thủ vào thay người đầu tiên ghi một hat-trick ở World Cup và đó cũng là hat-trick nhanh nhất lịch sử World Cup trong trận đấu kỷ lục, Hungary thắng El Savador 10-1.

- Giống như các giải đấu trước đó, số áo của các cầu thủ Argenitna được xếp theo thứ tự ABC. Nhưng Maradona đã thực hiện một ngoại lệ khi đổi số áo cho Patrico Hernadez để mặc chiếc áo số 10, sau đó trở thành huyền thoại.

Tổng kết World Cup 1982

Quốc gia đăng cai: Tây Ban Nha

Thời gian: 13 tháng 6 đến ngày 11 tháng 7

Số đội tham dự vòng loại: 109

Số đội tham dự vòng chung kết: 24

Đội vô địch: Italia (vô địch lần 3)

Hạng nhì: Tây Đức

Hạng ba: Ba Lan

Hạng tư: Pháp

Số trận đấu: 52

Số bàn thắng: 146 (2.81 bàn/trận)

Tổng số khán giả: 2.109.723 (40.571 người/trận)

+ Trận có khán giả nhiều nhất: Argentina - Bỉ (vòng 1), 95.000 người

+ Trận có khán giả ít nhất: Cameroon - Peru (vòng 1), 11.000 người

Tổng số thẻ: 103 (98 thẻ vàng, 5 thẻ đỏ)

Quả bóng vàng: Paolo Rossi (Italia)

Chiếc giày vàng: Paolo Rossi (Italia - 6 bàn)

Cầu thủ trẻ nhất: Norman Whiteside (Bắc Ai len, 17 tuổi 41 ngày)

Cầu thủ già nhất: Dino Zoff (Hà Lan, 40 tuổi 133 ngày)

Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất: Manuel Amoros (Pháp)

Giải Fair Play của FIFA: Brazil

Tên linh vật: Naranjito, một trái cam - loại trái cây tiêu biểu ở Tây Ban Nha trong trang phục đội tuyển nước chủ nhà. Cái tên này xuất phát từ naranja - có nghĩa là trái cam trong tiếng Tây Ban Nha và hậu tố ito - có nghĩa là nhỏ.

Trái bóng chính thức: Tango Espana

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại