World Cup 1974: Hà Lan và khởi nguồn của Tiqui-taca

Mặc dù không thể đánh bại Tây Đức trong trận chung kết, nhưng Hà Lan lại được nhiều người nhắc tới ở World Cup 1974 bởi cái cách mà họ đi đến trận đấu cuối cùng.

Cho đến giờ, mỗi khi nhắc tới kỳ World Cup 1974 dù Tây Đức mới là nhà vô địch thế nhưng nhiều người vẫn cho rằng Hà Lan mới là đội bóng xuất sắc và ấn tượng nhất. Dù chỉ mới trước đó đội tuyển Hà Lan không được đánh giá cao. Họ từng góp mặt ở 2 kỳ World Cup 1934, 1938, đều lập tức về nước sau 1 trận đấu. Nếu nói về thực lực Hà Lan cũng chỉ được đánh giá ngang với Bỉ hay Đan Mạch, thậm chí họ còn không thắng nổi Iceland hoặc Luxembourg trong các trận đấu quan trọng. Tuy vậy, chỉ cần một kỳ World Cup 1974 sáng ngời, Hà Lan nghiễm nhiên trở thành cường quốc bóng đá với lối chơi đầy mê hoặc dưới sự chỉ đạo của HLV Rinus Michels và đội trưởng Johan Cruyff.

Tại World Cup 1974, Hà Lan nằm ở bảng A cùng với Đông Đức, Brazil và Argentina. Tại bảng đấu này, Hà Lan đã thể hiện một lối chơi cực kỳ đáng sợ khi cho người hâm mộ trên đất Đức chứng kiến thứ bóng đá tấn mà người ta vẫn gọi là "Cơn lốc màu da cam". Lần đầu tiên trong lịch sử, đội tuyển Hà Lan đoạt vé dự trận chung kết ở một giải lớn. Đã vậy, đấy còn là một chiến thắng hoàn toàn thuyết phục về mặt chuyên môn, khi “Johan đệ nhất” Cruyff và “Johan đệ nhị” Neeskens ghi bàn đem về cho Hà Lan chiến thắng 2-0 trước ĐKVĐ Brazil trong trận quyết định ở giai đoạn 2 World Cup 1974.

Cho đến trước cuộc đụng độ lần đầu tiên trên sân cỏ World Cup ấy, như đã nói Hà Lan chưa hề có “số má”, còn Brazil thì đã vang danh khi là vô địch 3 trong 4 kỳ World Cup ngay trước đó. Thế nên, trận thắng Brazil tại World Cup 1974 được xem là một cột mốc quan trọng mở ra một tương lai hoàn toàn khác hẳn cho bóng đá Hà Lan.

Cruyff cùng dàn cầu thủ xuất sắc đã nâng tầm bóng đá Hà Lan

Dẫu vậy, mọi thứ sẽ trở nên hoàn hảo hơn nếu như họ đánh bại Tây Đức ở trong trận chung kết. Thế nhưng "Cơn lốc màu da cam" đã quá chủ quan và bị trả giá bởi lối chơi thực dụng của Tây Đức dưới tài chỉ huy của Hoàng đế Frank Beckenbauer.

Ở trận đấu này, Hà Lan vẫn là đội được đánh giá cao hơn, họ mở tỉ số ngay từ phút thứ 2 trên chấm phạt đền mà tác giả là Johan Neeskens nhưng công đầu thuộc về Cruyff khi số 14 đã có pha đi bóng đẹp mắt từ giữa sân trước khi bị Uli Hoeness truy cản trái phép trong vòng cấm. Lối đá có phần xem thường đối thủ của Hà Lan đã làm người Đức tự ái, Paul Breitner gỡ hòa bằng một bàn thắng cũng trên chấm 11m và Vua phá lưới của 4 năm trước, Gerd Muller nâng tỉ số lên 2-1 ở phút 43. Người Hà Lan hốt hoảng ào lên tấn công nhưng bức tường thép của Đức đã làm việc quá tốt, hiệp 2 không có thêm bàn thắng nào và Tây Đức lên ngôi trên sân nhà cùng chiếc cúp Vàng phiên bản mới của FIFA.

Bên cạnh sự tỏa sáng của Tây Đức, dấu ấn của Hà Lan, kỳ World Cup 1974 cũng đánh dấu nhiều sự kiện đọng lại trong lịch sử. Chẳng hạn, đó chính là việc 2 đội bóng của Đức gặp nhau trong cùng một bảng đấu. Trận đấu diễn ra vô cùng quyết liệt, tuy nhiên đội bóng Đông Đức đã giành chiến thắng tối thiểu trước Tây Đức trong những phút cuối cùng. Đây cũng là bàn thắng để đời cho đội bóng Đông Đức và nó đáng để đi vào lịch sử nước Đức sau này.

Trong khi Hà Lan thắng Brazil để vào chung kết trong trận quyết đấu, đẩy Brazil vào trận tranh hạng 3 thì ở bảng còn lại, CHLB Đức cũng thắng Ba Lan trong tình thế tương tự, để vào chung kết với Hà Lan. Ngày 3-7-1974 do vậy cũng có ý nghĩa lịch sử đối với đội tuyển Ba Lan khi họ lần đầu tiên lọt vào trận tranh hạng 3 ở World Cup.

Kỳ World Cup 1974 cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1950, thể thức chia thành các bảng không chỉ đóng khung trong các trận đấu thuộc vòng đầu. 16 quốc gia lọt vào vòng chung kết được chia làm bốn bảng đấu và 8 đội bóng xuất sắc nhất từ các bảng đấu này lại tiếp tục được chia ra thành hai bảng mới. Trận chung kết diễn ra giữa 2 đội bóng đứng đầu các bảng.

THÔNG TIN CHI TIẾT VỀ WORLD CUP 1974

Quốc gia đăng cai: Tây Đức

Thời gian: 13 tháng 6 đến 7 tháng 7

Số đội tham dự vòng loại: 99

Số đội tham dự vòng chung kết: Tây Đức, Đông Đức, Chile, Zaire, Australia, Brazil, Scotland, Nam Tư, Hà Lan, Bungari, Thụy Điển, Uruguay, Italia, Ba Lan, Argentina, Haiti.

Đội vô địch: Tây Đức

Hạng nhì: Hà Lan

Hạng ba: Ba Lan

Hạng tư: Brazil

Số trận đấu: 38

Số bàn thắng: 97 (2,55 bàn/trận)

Tổng số khán giả: 1.774.022 (46.685 người/trận)

+ Trận có khán giả nhiều nhất: Tây Đức - Chile (vòng 1), 83.168 người

+ Trận có khán giả ít nhất: Đông Đức - Australia (vòng 1), 10.000 người

Tổng số thẻ: 91 (86 thẻ vàng, 5 thẻ đỏ)

Vua phá lưới: Grzegorz Lato (Ba Lan - 7 bàn)

Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất: Teofilo Cubillas (Peru)

Tên linh vật: Tip và Tap, hai cậu bé trong trang phục đội tuyển Tây Đức với chữ WM (Weltmeisterschaft, World Cup) và số 74 trước ngực.

Trái bóng chính thức: Telstar Durlast Special Addition

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại