Năm 2011, phóng viên tờ Daily Mail tự tiến hành một cuộc tìm hiểu về sự so sánh giữa Maradona và Messi tại Argentina. Và đây là kết quả: mọi cửa hàng bán đồ thể thao trên con phố mua sắm tại thủ đô Buenos Aires đều khẳng định họ phải bán được vài cái áo có tên Maradona thì mới bán được 1 cái áo của Messi.
Ngay ở Rosario – quê hương anh, tại lò đào tạo trẻ của Newell’s Old Boys – nơi Messi được khai quật tài năng trong số hàng trăm đứa trẻ đang tập luyện ở đây thâm chí còn không có ai mặc chiếc áo có tên Messi. Chưa hết, trong số 30 em bé 7 tuổi đang theo đuổi giấc mơ trở thành cầu thủ được hỏi thì có tới 1/3 không biết Messi là ai. Một điều khó tin, nhưng đó là sự thật. Câu hỏi đặt ra tại sao lại như vậy?
Câu trả lời rất đơn giản: bởi Maradona là người sinh ra trước. Maradona đã tạo ra một dấu ấn quá sâu đậm đối với người Argentina. Ở quốc gia Nam Mỹ này, ông là một tượng đài, là một biểu tượng, một huyền thoại sống. Để rồi tất cả những bậc hậu bối, trong đó có Messi đều bị mặc định sống dưới cái bóng của Maradona.
Cho dù chưa chắc nếu phải đặt lên bàn cân, đo, đong đếm về tài năng Maradona đã xuất sắc hơn Messi, hay nếu thi đấu ở thời đại này Maradona đã chinh phục được những chiến tích như Messi. Mà đúc kết như nhà văn Martin Caparros là: “Maradona có một lợi thế khổng lồ, đó là ông ấy không phải cố cho bằng ai cả. Còn với Lionel Messi, anh ta phải cố cho bằng Diego Maradona”.
Ở khía cạnh nào đó, câu chuyện Maradona và Messi cũng tương tự như những tranh cãi về các bình luận viên (BLV) ở nước ta. Tại kì World Cup 2014 lần này đã xuất hiện rất nhiều lời chỉ trích nhằm vào các bình luận viên trẻ của VTV. Họ bị so sánh với những người đàn anh như Quang Huy, Quang Tùng, Anh Ngọc…và bị kết luận là thảm họa.
Có thể thấy những Quang Huy, Quang Tùng, Anh Ngọc… có lợi thế tương tự như Maradona. Họ là những người khai phá, là thế hệ BLV đầu tiên trong giai đoạn bùng nổ của bóng đá quốc tế trên sóng truyền hình Việt Nam. Và tất nhiên là họ “không phải cố cho bằng ai cả”. Ngược lại, những BLV gạo cội này còn dễ dàng tìm được cho mình một chỗ đứng; một chất riêng đi vào lòng người.
Ngược lại những BLV trẻ hiện nay như Biên Cương, Việt Khuê, Khắc Cường… lại phải trưởng thành trong sự phủ sóng rất rộng của người đàn anh. Số đông đã coi phong cách của Quang Huy, Quang Tùng, Anh Ngọc… là chuẩn mực. Hệ quả là rất khó khăn để những BLV trẻ có thể tạo dựng được tên tuổi. Để không phải mãi sống trong cái bóng của người khác, Biên Cương, Việt Khuê, Khắc Cường… buộc phải có sự phá cách, đi tìm một phong cách riêng.
Mà dĩ nhiên không phải bao giờ cái mới cũng dễ dàng được chấp nhận (nên nhớ rằng, ngay cả Messi cũng bị người Argentina coi rẻ khi đặt bên cạnh Maradona), vì thế việc những BLV hiện nay bị ném đá cũng là điều dễ hiểu. Xét cho cùng, cũng giống như Messi, những Biên Cương, Việt Khuê, Khắc Cường… xứng đáng nhận được 1 cái nhìn tích cực hơn từ dư luận.
Họ có thể chưa khiến người ta thỏa mãn ở khía cạnh chuyên môn, nhưng ít nhất họ cũng đáng ghi nhận ở sự dũng cảm và tinh thần cầu tiến. Rõ ràng, thật không công bằng khi Maradona là mặc định xuất sắc hơn Messi và khác Quang Huy, Quang Tùng… thì là bỏ đi!