1. Cho đến khi vòng bảng khép lại, có thể khẳng định World Cup 2014 đã thành công rực rỡ về mặt chuyên môn, nó làm lu mờ hoàn toàn những rắc rối bên lề vẫn đang diễn ra song hành cùng giải đấu.
SỐC. Có thể nhận thấy điều đó qua các trận đấu vòng bảng khi những cú sốc cứ nối tiếp nhau càng khiến cho World Cup 2014 thêm kịch tính và hấp dẫn. Bất cứ đội bóng nào cũng có thể mất điểm trước bất cứ đội bóng nào.
Ghana buộc Đức chia điểm, Costa Rica quật ngã cả Anh lẫn Uruguay, Mexico cầm chân Brazil, Chile thắng thuyết phục Tây Ban Nha… Những kịch bản mà không nhiều người nghĩ đến trước khi bóng lăn xuất hiện đầy rẫy trên các sân cỏ xứ Samba trong những ngày qua.
Song sau khi đã xác định rõ 8 cặp đấu ở vòng 1/8, có thể nhận thấy một điểm nổi bật nhất: các đội bóng châu Âu đang tỏ ra lép vế trước các đại diện châu Mỹ nói chung và Nam Mỹ nói riêng. Trong quá khứ, các đội bóng cựu lục địa thường thi đấu không thành công ở châu Mỹ và cái dớp ấy có xu hướng lặp lại ở World Cup 2014.
2. Châu Âu có tới 13 đội bóng góp mặt ở World Cup 2014, nhưng cho đến khi loạt đấu cuối cùng của vòng bảng khép lại, hơn một nửa đại diện của cựu lục địa rơi rụng. Từ con số 13, giờ chỉ còn 6 đội châu Âu giành quyền đi tiếp. Hãy nhớ, kỳ World Cup gần nhất tổ chức ở châu Âu (2006), có tới 10 đại diện cựu lục địa góm mặt ở vòng đấu knock-out.
Nếu như những cái chết của Bosnia, Croatia hay rạng sáng nay là Nga không gây ngạc nhiên, thì việc Anh, Italia, Tây Ban Nha rồi Bồ Đào Nha phải cay đắng về nước ngay sau vòng bảng thực sự là những cơn địa chấn.
Có thể ĐT Anh không được đánh giá cao trên đất Brazil bởi đang trong quá trình chuyển giao giữa những cựu binh và dòng máu trẻ. Song cần biết rằng, kể từ World Cup 1958, Tam sư chưa bao giờ chia tay ở vòng bảng ngày hội bóng đá thế giới, nên kỳ World Cup 2014 tệ nhất trong lịch sử cũng khiến NHM Anh không khỏi choáng vàng.
Tương tự là cú ngã cay đắng của Italia trước Uruguay, trận đấu để lại scandal đáng xấu hổ bậc nhất lịch sử khi Suarez cắn vào vai trung vệ Chiellini và nhận án phạt kỷ lục. Còn sau loạt đấu đêm qua, đến lược Bồ Đào Nha của Quả bóng vàng 2013 Cris Ronaldo ngậm ngùi xách vali về nước.
Nhưng thất vọng nhất chắc chắn phải là Tây Ban Nha, thầy trò Del Bosque hành quân sang xứ Samba với vị thế nhà ĐKVĐ và luôn được xem là đối thủ nặng ký nhất ở bất kỳ giải đấu lớn nào họ góp mặt. Không chịu thay đổi, tiqui-taca đã lỗi thời… là lý do được đưa ra giải thích.
Song có lẽ, sự khác biệt về địa lý và cái dớp trong quá khứ mới được xem là câu trả lời thích hợp nhất cho cái chết chung của các đội bóng châu Âu trên đất châu Mỹ.
3. HLV Roy Hodgson từng kêu trời vì cái nóng ở Manaus và hình ảnh trợ lý Neville phải xúm vào kéo những thùng nước tăng lực trong mỗi buổi tập của Tam sư cho thấy rõ sự khắc nghiệt của thời tiết. Tất nhiên, không thể lấy lý do đó ra để bào chữa. Nhưng rõ ràng sự khác biệt về khí hậu đã giúp các đại diện Nam Mỹ nói riêng và châu Mỹ nói chung chơi thăng hoa ở World Cup 2014.
Chỉ tính riêng Nam Mỹ, khu vực này có 6 đại diện tham dự thì 5 trong số đó giành quyền vào vòng knock-out, chỉ duy nhất Ecuador bị loại. Nếu tính thêm cả khu vục CONCACAF, tức cũng thuộc châu Mỹ, có thêm 3 đội bóng nữa là Costa Rica, Mỹ và Mexico, nhiều hơn 2 so với châu Âu.
Theo cách phân nhánh của FIFA, cuộc chiến giữa châu Mỹ và châu Âu, 2 nền bóng đá mạnh nhất thế giới hứa hẹn sẽ còn rất nhiều điều bất ngờ ở chặng đường còn lại. Cũng có thể là một trận chung kết toàn châu Mỹ, cũng có thể là toàn châu Âu hoặc một lần nữa một đại diện châu Âu sẽ đầu đại gia Nam Mỹ như Brazil hay Argentina chẳng hạn.
Hãy cùng chờ xem!