Đâu là bí quyết thành công của Ba Đẻn?
* Thường xuyên đi bóng với tốc độ cao, Ba Đẻn là mục tiêu "triệt hạ" yêu thích của đối phương. Nhưng lạ một điều, huyền thoại này rất ít khi chấn thương. Theo chính Ba Đẻn chia sẻ, bí quyết của ông là khéo léo tránh đòn mà khi có bị đốn cũng có thể đứng dậy ngay do cơ thể đã được rèn luyện cứng như đá.
Nhắc đến Ba Đẻn, người ta tung hô về rất nhiều tài năng. Ông có tốc độ tuyệt luân, chạy 30 mét chỉ mất hơn 3 giây, 100 mét thì mất hơn 11 giây. Điểm đặc biệt ở Ba Đẻn là ở chỗ chạy nhanh như vậy nhưng ông dừng lại thì cực nhanh, khiến rất nhiều cầu thủ đối phương bị vặn sườn. Từ đó đã có rất nhiều lần Ba Đẻn tạo ra những pha đi bóng "thần sầu", vượt qua hàng loạt cầu thủ đối phương.
Về độ dừng của mình, Ba Đẻn tỏ ra đặc biệt tâm đắc và khẳng định ở Việt Nam từ trước đến nay, khó có ai sánh bằng. Thậm chí theo Ba Đẻn, trên thế giới ông cũng không ngán ngại ai khi so sánh về độ dừng. Đây cũng là một điểm đặc biệt cho thấy sự khôn ngoan của Ba Đẻn khi chơi bóng. Ông đã biến khuyết điểm bé nhỏ của mình thành ưu điểm khi sử dụng lối đi bóng với nhiều động tác dừng, vốn rất thuận lợi với những cầu thủ nhỏ con và khó khăn cho các đối thủ to lớn.
Ngoài ra, ý chí chiến đấu và sự khôn ngoan của Ba Đẻn cũng là thứ vũ khí sắc bén. Ngày đó mỗi khi đá với Thể Công, đối phương chỉ chăm chăm "triệt hạ" Ba Đẻn, thậm chí sử dụng các cầu thủ phòng ngự cao to để theo kèm sát sạt. Nhưng Thế Anh đã làm kế sách của đối phương liên tục "phá sản". “Mình cứ va vào chân trụ của họ là sẽ chiếm được ưu thế thôi”, Ba Đẻn tiết lộ “mánh” ông vẫn thường sử dụng trong các cuộc đấu sức.
Ba Đẻn (ngoài cùng bên trái) được nhiều đồng nghiệp nước ngoài kính nể vì khả năng chơi bóng siêu phàm
Những tố chất kể trên đã có trong con người Ba Đẻn từ bé, giúp ông nổi tiếng trên sân phủi Long Biên. Nhưng chính huyền thoại này thừa nhận, điều làm nên một Ba Đẻn kiệt xuất là sự chăm chỉ, cần cù tập luyện ở Thể Công.
“Ngày xưa không vào Thể Công thì tôi không bao giờ vươn được tới đỉnh cao. Mình đá phủi hay rồi nhưng phải vào trường lớp đào tạo bài bản, phải chăm chỉ tập luyện. Đá bóng rất cần thể lực, nó là nghệ thuật sử dụng thể lực, thể lực kém là thua ngay”.
Ngày còn thi đấu, cuộc đời Ba Đẻn chỉ có ăn, ngủ và bóng đá. Sáng bảnh mắt dậy đã đi tập thể dục, ăn sáng rồi ra sân tập. Tập xong lại đá gôn nhỏ, đá “ma” rồi về ăn trưa, ngủ trưa. Đến chiều lại tập rồi đến tối lại tranh thủ tập thêm kỹ thuật với trái bóng tròn. Cứ như thế, bảo sao cơ thể Ba Đẻn không rắn chắc như đá còn kỹ thuật thì được ví với hậu bối Maradona sau này!
Bóng đá hiện đại, giờ ai được như Ba Đẻn?
Văn Quyến chơi hay nhưng theo Ba Đẻn thì đạo đức nghề nghiệp chưa tốt và vì thế đã nhanh chóng đi xuống
Nhắc về thế hệ cầu thủ hiện tại, Ba Đẻn tỏ ra ngán ngẩm. Theo huyền thoại này, bóng đá Việt Nam từ lâu đã mất đi những nhân tố có thể làm vỡ tung cầu trường, hay khiến khán giả cười cười, khóc khóc theo từng tình huống.
“Cầu thủ bây giờ hiếm người có nét độc đáo riêng. Ngày xưa, các danh thủ từng có những điểm nổi trội, như tạt, đánh đầu, đi bóng hay dứt điểm… Rồi ngày xưa các cầu thủ cũng chăm chỉ lắm, đầu óc chỉ tập trung vào trái bóng, một lòng chiến đấu. Bây giờ thì có cả anh giả vờ đá vào lưới nhà, rồi lung tung hết cả lên… trong khi mình thì chẳng có gì đặc biệt, cầm bóng không, chỉ có chuyền rồi chạy… Không có sự khéo léo, tốc độ…”, Ba Đẻn nhận xét.
Khi được hỏi về những cầu thủ xuất sắc bậc nhất bóng đá Việt Nam ít năm trở lại đây như Văn Quyến, Công Vinh, Ba Đẻn cũng không mấy tâm đắc.
“Văn Quyến thì đá tốt đấy, nhưng đạo đức nghề nghiệp chưa ổn. Còn Công Vinh đá cũng tốt nhưng so với các hộ công ngày xưa thì còn kém hơn ở khả năng cầm bóng. Nhìn những cầu thủ như Messi hay Cris Ronaldo là thấy khác ngay, khi cần họ có thể qua 2, 3 cầu thủ”.
Trong mắt Ba Đẻn, Công Vinh chơi tốt nhưng còn thiếu khả năng cầm bóng
Theo Ba Đẻn, đá bóng rất cần chiến thuật nhưng những nhân tố gây đột biến mới có thể tạo sức hút đến khán giả và làm đối thủ bất ngờ, qua đó giành chiến thắng. Điều này giờ đây ở bóng đá Việt Nam khá thiếu thốn.
“Ngày xưa, khi đội hay nhất ở Việt Nam đá với đội kém nhất, khán giả vẫn tới sân xem kín chỗ. Họ hò nhau đến để “xem Ba Đẻn nó thi đấu". Giờ muốn thay đổi được tình cảm của NHM với bóng đá thì khó lắm, trước hết là các cầu thủ phải có cái tâm trong sáng, rồi tập luyện chăm chỉ. Chứ giờ nhiều anh tập cho xong giáo án, rồi có tiền thừa ra đấy lại đi chơi…”
Nhờ khả năng chơi bóng siêu việt, Ba Đẻn (trái) rất được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ưu ái
* Trong một lần gần đây khi Hồng Sơn đàm đạo với các HLV ở trung tâm trẻ của Viettel cũng từng nói về vấn đề bóng đá Việt hiện tại không có còn ai đủ khả năng làm lay động khán giả, vỡ tung cầu trường. Rất nhiều ý kiến cho rằng khi những Hồng Sơn, rồi sau đó vớt vát là Văn Quyến đi qua, bóng đá Việt Nam đã thiếu những nhân tố kiệt xuất.
Trong làng bóng đá Việt Nam, Ba Đẻn không chỉ là huyền thoại hàng đầu mà ông còn có thời gian chơi bóng đỉnh cao thuộc loại dài nhất. Ông đã chiến đấu cho Thể Công tới tận năm 1984, khi 36 tuổi. Lúc bấy giờ, Thể Công một mực muốn giữ ông lại. Ba Đẻn đã phải dùng tới “kế sách” mới có thể thoái ẩn nhường chỗ cho thế hệ trẻ.
“Khi đó tôi đã phải xin chữ ký toàn đội mới xin nghỉ được. Mình lúc đó lớn tuổi rồi cũng cảm thấy mệt mỏi và nên nhường cho lớp trẻ”.
Một năm sau ngày giải nghệ, Ba Đẻn đến Từ Sơn, Bắc Ninh học làm HLV. Và từ đó, sự nghiệp bóng đá của ông lại sang một trang khác, cũng đầy thú vị. Suốt từ năm 1989 đến 2008, Ba Đẻn đã đào tạo ra nhiều thế hệ cầu thủ tài năng khác, trong đó có cựu danh thủ Hồng Sơn. Tìm ngược về chiều dài bóng đá Việt Nam, thật khó tìm được ai có quãng đời gắn bó với bóng đá dài và huy hoàng như Con sóc nhỏ châu Á!
Ba Đẻn cũng rất được lòng Bác Phạm Văn Đồng
* Ba Đẻn tự hào chia sẻ đại gia đình của ông hiện này có hẳn 1 đội bóng gọi là Nhà ông Thìn. Trước đây, lớp con cháu của Ba Đẻn (chủ yếu là con của các chị, các em gái) cũng vào Thể Công đào tạo trẻ. Song không có ai theo bóng đá chuyên nghiệp.
* Năm 1971/72, Thể Công của Ba Đẻn có nhiều trận đấu với các chiến sĩ đặc công giỏi võ. Có những pha bóng vô cùng kì quái, dù Ba Đẻn đã qua người, nhưng đối phương vẫn có thể nhào lộn trở lại lấy bóng. Trước những cầu thủ như vậy, Thế Anh đã gặp rất nhiều khó khăn song cuối cùng vẫn chiến thắng!
Mời độc giả theo dõi tiếp phần 3 "Chuyện tình Ba Đẻn: Cầu thủ, quân nhân hay thi sĩ mộng mơ" vào ngày 11/6.