Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã đưa ra một số dự báo về các chỉ số kinh tế của Việt Nam trong năm 2016. Phần lớn các chỉ số này còn cách rất xa mục tiêu Quốc hội đề ra.
Cụ thể:
- Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam chỉ tăng trưởng ở mức 6%, không đạt mục tiêu 6,7% do Quốc hội đề ra.
- Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng ở mức 6,4%, không đạt mục tiêu 10% do Quốc hội đề ra.
Mức tăng trưởng xuất khẩu 6,4% trong 8 tháng đầu năm (so với cùng kỳ năm ngoái) tuy còn ở mức cao so với thương mại toàn cầu, nhưng theo tính toán của World Bank, đây là mức thấp nhất của Việt Nam kể từ năm 2009.
- Lạm phát (tính theo chỉ số giá tiêu dùng – CPI) ở mức 4%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (dưới 5%).
- Đáng lưu ý, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam năm 2016 được dự báo ở mức 64,1%, tiến sát trần 65% do Quốc hội đề ra.
Mất cân đối tài khóa vẫn tích tụ và gây quan ngại. Thâm hụt tài khóa, kể cả các khoản ngoài ngân sách chiếm 6% GDP trong năm 2015 và làm cho nợ công Việt Nam tăng lên 62,2% GDP, tăng gần 11 điểm phần trăm so với năm 2010 và nhanh chóng tiến gần tới mức Quốc hội cho phép là 65% GDP.
Xét theo giá trị tuyệt đối, dư nợ công tính đến cuối năm 2015 là 117 tỷ USD, tăng gấp đôi so với mức nợ công của năm 2011. Trong đó, nợ Chính phủ đã chiếm tới 50,3% GDP, vượt ngưỡng 50% do Quốc hội đề ra.
Kết quả tài khóa đầu năm 2016 cho thấy áp lực lên ngân sách vẫn còn tiếp tục do giá dầu giảm và hoạt động kinh tế yếu đi làm sụt giảm nguồn thu.
Theo World Bank, tỷ lệ nợ công/GDP được dự báo còn tiếp tục tăng và đạt mức 64,9% GDP vào năm 2018.
“Viễn cảnh trung hạn của kinh tế Việt Nam vẫn tích cực, nhưng cần phải thực hiện tái cơ cấu, cải cách tài khóa và cải cách ngân hàng quyết liệt hơn nữa thì mới có thể khắc phục được các yếu kém vĩ mô và tăng trường tăng trưởng trong trung hạn”, báo cáo của World Bank nhận định.