Theo thông tin trên HNX ngày 14/4, Wincommerce có vốn chủ sở hữu tính đến cuối năm 2022 là 3.978 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 3,6 lần, tương đương 14.320 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu là 1,12 lần, tương ứng 4.455 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính cơ bản này cũng tiết lộ số lỗ lớn mà Wincommerce 'gánh' liên tiếp 2 năm. Trong đó, năm 2021 lợi nhuận sau thuế âm 147 tỷ đồng còn năm 2022 âm 445 tỷ đồng.
Chỉ tiêu tài chính cơ bản của Wincommerce.
Tại báo cáo thường niên 2022 mới công bố, Tập đoàn Masan - công ty mẹ của WinCommerce cho biết, doanh thu thuần năm 2022 của WinCommerce đã giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, từ mức 30.900 tỷ đồng xuống còn 29.369 tỷ đồng.
Sự sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận âm diễn ra trong bối cảnh chuỗi bán lẻ này không ngừng mở rộng về số lượng cửa hàng. Trong đó, năm 2022, chuỗi bán lẻ này mở thêm hơn 730 điểm mới.
Chuỗi bán lẻ với quy mô số cửa hàng rất lớn này từng thuộc sở hữu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Cuối năm 2019, thị trường bất ngờ với thông tin Vingroup rút chân khỏi ngành bán lẻ và "sang tay" cho Masan chuỗi Vinmart và Vinmart+.
Masan cho biết, với việc mua lại Wincommerce, tập đoàn này hiện là chuỗi bán lẻ hiện đại lớn nhất về số lượng điểm bán với 130 siêu thị WinMart và 3.268 cửa hàng WinMart+ tính đến cuối năm 2022.
Năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất của Masan Group cũng giảm 14% so với năm trước, đạt 76.189 tỷ đồng, thấp hơn so với mục tiêu đại hội đồng cổ đông thường niên đề ra là 90.000-100.000 tỷ đồng.
Nhiều nguyên nhân được tập đoàn đưa ra, trong đó có tâm lý thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng năm 2022. Theo Masan, tâm lý thắt chặt cũng được phản ánh ngay cả trong các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày.
Tăng trưởng của thực phẩm đóng gói và sữa có dấu hiệu "hạ nhiệt" bởi đây là những mặt hàng được người dân tích trữ nhiều nhất trong giai đoạn phong tỏa do dịch COVID-19.
Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của công ty ghi nhận trong năm 2022 là 3.567 tỷ đồng, giảm 58,3% so với mức 8.563 tỷ đồng năm 2021.
Về bảng cân đối kế toán hợp nhất, tổng nợ tài chính tăng 12.815 tỷ đồng lên 70.993 tỷ đồng tại ngày 31/12/2022 so với mức 58.178 tỷ đồng năm 2021. Việc tăng nợ chủ yếu là để mua lại Trusting Social, Phúc Long Heritage và Nyobolt trong năm 2022 cũng như trang trải chi phí đầu tư cao hơn.
Năm 2022, Masan có thêm 30.763 nhân viên mới và 30.238 nhân viên thôi việc. Số lượng nhân viên thôi việc phản ánh số lượng lớn nhân sự làm việc trong lĩnh vực bán lẻ tại các cửa hàng của doanh nghiệp này.
Về kế hoạch năm 2023, Masan đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất từ 90.000-100.000 tỷ đồng và lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho cổ đông thiểu số (không bao gồm lãi/lỗ một lần) từ 4.000-5.000 tỷ đồng.