WHO thử nghiệm thuốc trị Covid-19

Xuân Mai |

Cuộc thử nghiệm quy mô toàn cầu sẽ cung cấp bằng chứng rõ ràng về tính hiệu quả cũng như an toàn của các loại thuốc

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 27-3 thông báo chính thức thử nghiệm 4 loại thuốc điều trị Covid-19 trên những bệnh nhân đầu tiên tại Na Uy và Tây Ban Nha. Bốn loại thuốc này gồm thuốc trị sốt rét chloroquine và hydroxychloroquine; hợp chất kháng virus Remdesivir; hỗn hợp thuốc điều trị HIV Lopinavir và Ritonavir; hỗn hợp thuốc gồm Lopinavir, Ritonavir và bổ sung thêm interferon beta. Bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của WHO, nhấn mạnh cuộc thử nghiệm chung quy mô toàn cầu mang tên "Solidarity" (tạm dịch "Đoàn kết") này sẽ cung cấp "bằng chứng rõ ràng" về tính hiệu quả cũng như an toàn của các loại thuốc. Cũng tại cuộc họp báo của WHO, Bộ trưởng Y tế Na Uy Bent Høie cho biết người đầu tiên tham gia cuộc thử nghiệm nói trên là một bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Oslo.

Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, cuộc thử nghiệm hiện có sự tham gia của ít nhất 45 quốc gia này sẽ giúp giảm đáng kể thời gian cần để thu thập những bằng chứng nói trên. "Càng có nhiều nước tham gia thử nghiệm, chúng ta sẽ càng nhanh chóng có kết quả" - ông Ghebreyesus nhấn mạnh và nhận định điều này đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh phải mất ít nhất từ 12-18 tháng nữa mới có vắc-xin phòng bệnh hiệu quả. Từ giờ cho đến lúc đó, ông Ghebreyesus khuyên không nên ngừng sử dụng những loại thuốc chưa được chứng minh là có hiệu quả trong việc điều trị bệnh này nhưng từ chối cho biết thêm chi tiết. Bà Maria Van Kerkhove, người đứng đầu đơn vị nghiên cứu các bệnh mới tại WHO, nói thêm rằng hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị Covid-19 nhưng nhiều cuộc thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra.

Theo trang Bloomberg, trong số những nước tham gia cuộc thử nghiệm Solidarity có Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Argentina, Bahrain, Canada, Iran, Na Uy, Nam Phi, Thái Lan… Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) hôm 27-3 cho biết nước này sẽ tham gia cuộc thử nghiệm sau khi nói không vào tuần rồi. Sự đổi ý này diễn ra giữa lúc số mắc Covid-19 tại Ấn Độ tăng vọt lên ít nhất 933 ca và 20 trường hợp tử vong.

Cùng ngày, Hội đồng An ninh Quốc gia Malayia (NSC) cho biết WHO đã chọn nước này là nơi tiến hành thử nghiệm về tính hiệu quả của thuốc Remdesevir trên bệnh nhân Covid-19. Theo giới chức y tế Malaysia, nước này sẽ giám sát mọi tác dụng phụ và hiệu quả của thuốc trong cuộc thử nghiệm. "Đây là một nỗ lực chưa từng có nhằm thu thập dữ liệu khoa học nhanh chóng trong đại dịch" - Tổng Giám đốc Cơ quan Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah đánh giá.

Kháng thể tiềm năng

Hãng dược phẩm Regeneron (Mỹ) cho biết đã xác định được hàng trăm kháng thể có thể điều trị hoặc ngăn dịch Covid-19 và chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng vào đầu mùa hè này. Công ty này sẽ chọn 2 kháng thể hàng đầu để phát triển phương pháp điều trị "cocktail" (điều trị phối hợp) và tăng quy mô sản xuất 200.000 liều mỗi tháng vào cuối mùa hè. Những nỗ lực này là một phần trong sự hợp tác giữa hãng Regeneron với Bộ Y tế Mỹ. Regeneron cũng đang làm việc với Cơ quan nghiên cứu và phát triển tiến bộ y sinh học (BARDA) để tăng cường khả năng sản xuất.

Ít nhất 12 nhà sản xuất thuốc khác hiện nghiên cứu vắc-xin, thuốc kháng virus và các phương pháp điều trị để giúp điều trị bệnh nhân Covid-19. Theo hãng tin Reuters, hãng Pfizer (Mỹ) đã nhất trí hợp tác phát triển vắc-xin với nhà sản xuất dược phẩm BioNTech SE của Đức, cũng như phát triển các phương pháp điều trị bằng thuốc kháng virus có thể sử dụng với thuốc kháng virus Remdesivir của hãng Gilead Science (Mỹ). Hãng Johnson & Johnson và Sanofi cũng đã hợp tác với một cơ quan chính phủ Mỹ để phát triển các loại vắc-xin tiềm năng ngừa Covid-19. Nhà phát triển dược phẩm Moderna cũng bắt đầu đợt thử nghiệm vắc-xin trên người lần đầu tiên hôm 23-3, đánh dấu bước tiến lớn nhất trong số các công ty tham gia phát triển vắc-xin ngừa Covid-19.

WHO thử nghiệm thuốc trị Covid-19 - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại