Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AP
Phát biểu tại thủ đô Budapest của Hungary, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ông cảm thấy "thực sự thất vọng" với việc phân phối vắc-xin trên toàn cầu, khi nhiều quốc gia đang gặp khó khăn trong việc tiêm mũi đầu tiên - mũi thứ hai cho người dân còn một số quốc gia giàu có hơn lại tăng cường tích trữ vắc-xin để tiêm nhắc lại.
Ông Tedros kêu gọi các quốc gia có kế hoạch tiêm liều thứ ba "chia sẻ kho vắc-xin với các quốc gia khác", vì 75% trong số 4,8 tỉ liều vắc-xin được tiêm trên toàn cầu chỉ tập trung ở 10 quốc gia, trong khi tỉ lệ bao phủ vắc-xin ở châu Phi là dưới 2%.
"Sự bất công và chủ nghĩa dân tộc trong phân phối vắc-xin" có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện nhiều biến thể dễ lây lan hơn, lãnh đạo WHO cảnh báo. "Virus sẽ lây lan ở những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng thấp. Biến thể Delta có thể sẽ biến đổi để trở nên nguy hiểm hơn, đồng thời có thể xuất hiện nhiều biến thể mạnh hơn."
Trên thực tế, các quốc gia như Mỹ, Israel , Hungary cùng một số quốc gia châu Âu, Trung Đông khác hiện đã bắt đầu hoặc đang lên kế hoạch tiêm mũi vắc-xin tăng cường cho nhóm công dân cao tuổi hoặc suy giảm miễn dịch.
Đầu tháng Tám, Hungary trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu gồm 27 thành viên cho phép người dân đăng ký tiêm liều thứ ba, và hơn 187.000 người đã được tiêm nhắc lại, theo thống kê của chính phủ. Bộ trưởng Ngoại giao Hungary - Peter Szijjarto cho biết nước này có 8 triệu liều vắc-xin COVID-19 đang lưu trữ, và đã viện trợ hơn 1,5 triệu liều cho các nước khác.
Đáp lại, ông Tedros cảm ơn Hungary về khoản đóng góp này và nói thêm rằng: "Chúng tôi hy vọng các bạn sẽ đóng góp nhiều hơn thể, vì không ai thực sự an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn."
Theo trang thống kê Our World in Data, 32,7% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin, và 24,6% đã được tiêm đủ liều.
Là quốc gia đông dân thứ hai thế giới, tỉ lệ dân số được tiêm đủ liều vắc-xin ở Ấn Độ mới chỉ đạt 9,4%. Một báo cáo dự đoán mới của hội đồng chuyên gia thuộc Bộ Nội vụ Ấn Độ cảnh báo nước này có thể ghi nhận tới 500.000 - 600.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày vào khoảng tháng Chín, tháng Mười nếu không duy trì tốc độ tiêm chủng 10 triệu mũi/ngày để ngăn chặn làn sóng dịch thứ ba.
Khu vực Đông Nam Á tiếp tục là điểm nóng COVID-19, khi Philippines lập kỉ lục số ca mắc mới vào ngày 23/8 với 18.332 ca, và số ca mắc mới ở Thái Lan tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao (hơn 17.000 ca/ngày).
Philippines hồi đầu tuần đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc-xin đơn liều Sputnik Light của Nga nhằm tăng tốc độ tiêm chủng. Đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 17,26 triệu dân Philippines được tiêm đủ liều vắc-xin COVID-19. Phần lớn trong số 110 triệu dân nước này vẫn chưa được bảo vệ trước sự lây lan của biến thể Delta.
Thái Lan - tuy là một trong những trung tâm sản xuất vắc-xin COVID-19 của hãng dược Astra Zeneca - nhưng vẫn luôn trong tình trạng thiếu vắc-xin trầm trọng. Tỉ lệ dân số được tiêm đủ liều vắc-xin ở Thái Lan mới chỉ đạt khoảng 9% trên tổng số 66 triệu người.