Viện Virus Vũ Hán. Ảnh: Reuters
Bất chấp những trở ngại đáng kể này, trên 700 người đã ứng tuyển vào ủy ban điều tra mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.
Dự kiến, “Nhóm cố vấn khoa học mới về nguồn gốc của mầm bệnh” sẽ được WHO công bố trong tuần này, tức 9 tháng sau khi cử một nhóm điều tra quốc tế đến Trung Quốc mà chưa thu được kết quả rõ ràng.
Theo tờ New York Times, ủy ban này chính là nỗ lực của cơ quan y tế toàn cầu trong việc thiết lập lại cách tiếp cận để tìm ra cách thức đại dịch bắt đầu.
Nhóm cố vấn mới của họ sẽ bao gồm những chuyên gia trong lĩnh vực như an toàn phòng thí nghiệm và an ninh sinh học. Giới quan sát đánh giá động thái này có thể giúp xoa dịu các chính phủ phương Tây đang tập trung vào nghi vấn virus SARS-CoV-2 có xuất hiện từ phòng thí nghiệm hay không.
Và quan trọng là ủy ban này sẽ phụ trách đánh giá bất kỳ tác nhân gây bệnh mới nào ngoài chủng SARS-CoV-2 hiện nay. Với nhiệm vụ trên, “Nhóm cố vấn khoa học mới về nguồn gốc của mầm bệnh” sẽ duy trì hoạt động lâu dài nhằm nâng cao năng lực đối phó của WHO đối với các đợt bùng phát trong tương lai.
Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO, cho biết ủy ban điều tra mới sẽ gồm khoảng 20 nhà virus học, nhà di truyền học, chuyên gia động vật và các chuyên gia an ninh - an toàn sinh học.
Nhiều nhà khoa học tin rằng điều quan trọng nhất trong cuộc truy lùng nguồn gốc của COVID-19 cũng sẽ là điều mà nhóm cố vấn mới khó thể đạt được: thuyết phục Trung Quốc công bố bằng chứng về những ca mắc đầu tiên đồng thời cho phép kiểm tra các phòng thí nghiệm virus, hang dơi và các trang trại động vật hoang dã.
WHO cho biết giới nghiên cứu Trung Quốc đang tiến hành nghiên cứu mới song chưa đưa ra phát hiện nào.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng trước tuyên bố Bắc Kinh ủng hộ truy tìm nguồn gốc dựa trên khoa học, nhưng phản đối thao túng chính trị dưới bất kỳ hình thức nào.