WHO cảnh báo: Từng mắc COVID-19 vẫn có thể mắc lại

Thái An |

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng, những người từng nhiễm SARS-Cov-02 không nhất thiết miễn dịch nhờ kháng thể, vẫn có khả năng nhiễm virus trở lại, CNN đưa tin ngày 25/4.

“Hiện không có bằng chứng cho thấy người từng mắc COVID-19 sẽ không mắc lần hai”, WHO tuyên bố trong một thông báo khoa học ngày 25/4.

WHO cảnh báo các chính phủ đang cân nhắc phát hành “hộ chiếu miễn dịch” cho những người từng mắc COVID-19 với hàm ý việc để họ trở lại nhịp sống bình thường là an toàn.

“Tại giai đoạn này của đại dịch, không có đủ bằng chứng về tính hiệu quả của miễn dịch nhờ kháng thể để bảo đảm tính chính xác của ‘hộ chiếu miễn dịch’ hoặc ‘chứng chỉ không có nguy cơ’”, WHO tuyên bố.

Trước đây, TS Maria Van Kerkhove (công tác tại WHO) nói rằng, hiện chưa rõ người từng nhiễm coronavirus mới có trở nên hoàn toàn miễn dịch hay không. Bản thông báo mới của WHO nhấn mạnh quan điểm này.

Ngày 25/4, Hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ cảnh báo rằng, con người hiện chưa biết rõ về xét nghiệm kháng thể để bảo đảm miễn dịch.

TS Mary Hayden, người phát ngôn của Hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ, trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y khoa Đại học Rush (Mỹ), nói: “Chúng ta hiện không biết liệu bệnh nhân có kháng thể rồi thì có nguy cơ tái mắc COVID-19 hay không. Tại thời điểm hiện nay, tôi nghĩ rằng, chúng ta phải giả định con người có nguy cơ tái nhiễm virus”.

“Chúng ta hiện cũng không biết liệu kháng thể có thể bảo vệ chúng ta được hay không, mức độ bảo vệ cao đến đâu, toàn bộ hay một phần, kháng thể kéo dài được bao lâu. Chúng ta biết rằng, đáp ứng kháng thể suy giảm theo thời gian”, bà Hayden nói.

Hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ đang “khuyến cáo những người có kháng thể không thay đổi hành vi, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội”. “Nếu nghe phải lời giải thích sai, người ta có thể tự đặt mình vào vòng rủi ro không đáng có”, bà Hayden nhận định.

Mỹ cấp phép thêm 3 loại xét nghiệm kháng thể

Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) vừa cấp phép 3 loại xét nghiệm kháng thể coronavirus mới, nâng tổng số lên 7.

Ba loại xét nghiệm này được cấp phép nhanh chóng, đơn giản hơn bình thường vì FDA tin rằng, lợi ích của việc xét nghiệm này có thể lớn hơn bất kỳ rủi ro nào.

Ba công ty, DiaSorin, Ortho-Clinical Diagnostics và Autobio Diagnostics, được cấp phép thực hiện 3 loại xét nghiệm. Ba loại xét nghiệm mới này chỉ được thực hiện trong các phòng thí nghiệm được cấp phép và FDA cảnh báo rằng, cả 3 loại xét nghiệm mới này đều có nguy cơ đưa ra kết quả dương tính giả và âm tính giả.

Việc xét nghiệm sẽ rất hữu ích cho việc phát hiện người đã mắc COVID-19 dù họ có triệu chứng hay không. Nhưng việc xét nghiệm có thể không hữu ích mấy khi chẩn đoán các ca nhiễm hiện tại hoặc gần đây.

“Kết quả âm tính có thể xuất hiện nếu bạn được xét nghiệm khi mới mắc bệnh và cơ thể bạn chưa có đủ thời gian để sản xuất kháng thể”, FDA tuyên bố.

Tính đến sáng sớm 26/4, thế giới có hơn 2,877 triệu người mắc COVID-19, gần 202.000 trường hợp tử vong, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ).

Mỹ có số bệnh nhân COVID-19 cao nhất thế giới – gần 926.000, theo sau là Tây Ban Nha – gần 224.000, Italy – hơn 195.000, Pháp – gần 160.000 và Đức – gần 156.000.

Mỹ hiện có số bệnh nhân tử vong cao nhất thế giới – hơn 51.000 người, chiếm hơn 1/4 tổng số ca tử vong toàn thế giới. Theo sau Mỹ là Italy – gần 26.400 người, Tây Ban Nha – hơn 22.900 và Pháp – hơn 22.600.

WHO cảnh báo: Từng mắc COVID-19 vẫn có thể mắc lại - Ảnh 2.

Đeo khẩu trang xếp hàng cách xa nhau bên ngoài một ngân hàng ở thủ đô Quito của Ecuador hôm 22/4. Ảnh: Getty Images.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại