Hình ảnh mô phỏng virus SARS-CoV-2. Ảnh: ITN
CNBC ngày 17/6 dẫn thông báo của WHO cho biết, biến chủng Delta, một nhánh của biến chủng B.1617 được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ, đã lây lan ra ít nhất 80 quốc gia trên toàn thế giới, gây ra tình trạng tăng số ca nhiễm mới ở nhiều khu vực.
Các nghiên cứu chỉ ra, biến chủng này có khả năng lây lan cao hơn so với các biến chủng khác, thậm chí có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn ở một số bệnh nhân, dù rằng điều này vẫn cần tiếp tục được nghiên cứu.
Theo CNBC, Delta là tác giả của khoảng 10% số ca nhiễm mới hàng ngày ở Mỹ - vùng dịch lớn nhất thế giới - trong tuần qua, nhiều hơn con số 6% của một tuần trước đó. Trong khi đó, số ca nhiễm biến chủng Delta chiếm hơn 60% ca số ca mắc mới ở Anh.
WHO gần đây cũng theo dõi biến chủng mới tạm gọi là Delta "cộng". Bà Maria Van Kerkhove, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật về COVID-19 của WHO cho biết biến chủng mới này cũng đang tiếp tục biến đổi.
Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế chính của Nhà Trắng kêu gọi mọi người đi tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt là đối tượng thanh niên, để tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại tại Mỹ.
SARS-CoV-2 có rất nhiều biến chủng khác nhau, trong đó WHO đang theo dõi khoảng 50 biến chủng, dù không phải biến chủng nào trong số chúng cũng lây nhiễm nhanh và nguy hiểm hơn các biến chủng ban đầu.
WHO hôm 15/6 đã đưa thêm một biến chủng nữa, định danh là Lambda, vào danh sách biến chủng "đáng lo ngại" cùng với biến chủng từ Ấn Độ, từ Anh, từ Nam Phi và từ Brazil. Lambda được tìm thấy ở nhiều quốc gia Nam Mỹ như Chile, Peru, Argentina.