“Kinh tế Việt Nam có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 6% trong năm nay bởi những ảnh hưởng liên tiếp của thiên tai, hạn hán đã khiến cho ngành nông nghiệp bị tác động tiêu cực, qua đó gián tiếp làm cho công nghiệp sụt giảm”.
Đó là dự báo và đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) trong một báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam, được công bố chiều 19/7.
Như vậy, mức tăng trưởng này đã thấp hơn 0,2% so với mức mà WB đưa ra hồi đầu tháng 6 vừa qua. Điều đáng nói, mức dự báo này có khoảng cách khá xa so với mức mà Chính phủ Việt Nam đưa ra là 6,7%.
Theo WB, sau khi tăng trưởng mạnh năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã tăng chậm hơn trong nửa đầu năm 2016, với GDP ước tính chỉ tăng 5,5% so với mức 6,3% cùng kỳ năm ngoái.
Phân tích rõ hơn về dự báo, quyền Giám đốc WB tại Việt Nam Achim Fock cho rằng, nguyên nhân khiến cho kinh tế Việt Nam giảm tăng trưởng đến từ những tác động bất lợi của đợt hạn hán và xâm nhập mặn.
Việc thiên tai nặng nề liên tiếp xảy ra đã thực sự khiến GDP tăng trưởng chậm lại một cách gián tiếp, bởi dù nông nghiệp chỉ đóng góp rất ít trong tăng trưởng GDP, song đây lại là nguồn nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành công nghiệp.
“Chúng tôi tin rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay chỉ đạt 6%. Còn mức 6,7% mà Chính phủ đưa ra là không thể đạt được. Việc Chính phủ Việt Nam vẫn giữ mức 6,7% có thể là do chưa cập nhật các diễn biến hiện nay”, ông Achim Fock nói.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng WB Sebastian Eckardt, có thể nhìn thấy tốc độ tăng trưởng GDP quý 2/2016 của Việt Nam không theo xu hướng chung khi so với quý 1, bởi lẽ ra xu hướng phải là quý sau cao hơn quý trước, nhưng tình hình đang không như vậy.
Bên cạnh đó, các nền kinh tế mới nổi và thu nhập cao trên thế giới đều có dấu hiệu suy giảm, đang tạo ra cơn gió ngược trong phát triển.
Một quan ngại khác cũng được các chuyên gia của WB nêu ra, đó là tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện đang khoảng 18%, gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP. Cùng với đó là thâm hụt ngân sách, nợ công đang gần tới mức trần cho phép.
“Đây là dấu hiệu nền kinh tế dựa trên vay nợ, gây ra những quan ngại về chất lượng tài sản đằng sau tín dụng cũng như các hoạt động mang tính chất đầu cơ. Trong khi đó, nợ xấu trong khu vực ngân hàng vẫn chưa được giải quyết xong”, chuyên gia WB cảnh báo.
WB khuyến cáo, để duy trì tốc độ tăng trưởng cao thì Việt Nam cần phải tiếp tục tái cơ cấu theo chiều sâu để tăng năng suất lao động. Chính phủ cũng cần có hành động thiết thực để thực hiện cam kết về đảm bảo duy trì bền vững nợ công và tái tạo khoảng đệm tài khoá.
Trong một báo cáo chuyên đề về con người và nguồn nhân lực, WB cho hay, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang vào loại nhanh nhất thế giới.
Theo đó, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15 - 60) của Việt Nam đang ở mức tối đa. Số dân từ 65 tuổi tại Việt Nam sẽ tăng lên gấp 3 lần so với hiện tại vào năm 2040. Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ già hoá dân số nhanh trên thế giới, nhanh hơn cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Chuyên gia của WB Philip O’Keefe nói rằng, nếu nhìn vào lịch sử của các nước thì họ già khi đã giàu, còn Việt Nam thì ngược lại: dân số đang già hoá nhanh chóng, nhưng mức thu nhập lại thấp hơn so với hầu hết các nước có dân số già hiện nay.