Hãng tin Reuters cho biết, kỳ họp của WB và IMF sẽ đưa 189 quốc gia thành viên của hai định chế đa phương này lần đầu tiên có cuộc “đối mặt” trực tiếp với chủ trương “nước Mỹ trên hết” của ông Trump. Nơi diễn ra cuộc họp chỉ cách Nhà Trắng một quãng ngắn.
“Nội dung của các cuộc họp sẽ tập trung vào Trump và ảnh hưởng từ chính sách của ông ấy đối với thế giới”, ông Domenico Lombardi, một cựu quan chức hội đồng IMF, hiện đang làm việc tại Trung tâm Sáng kiến quản trị Quốc tế của Canada, nhận định.
Ông Lombardi cho rằng Giám đốc điều hành IMF, bà Christine Lagarde sẽ nỗ lực để “hòa nhập” chính quyền Donald Trump vào chương trình nghị sự của IMF và gây ảnh hưởng lên các lựa chọn chính sách của tân Tổng thống Mỹ.
Đến nay, IMF đã đưa ra nhiều cảnh báo đối với các kế hoạch của ông Trump về giảm thâm hụt thương mại của Mỹ thông qua những biện pháp dự kiến như hạn chế nhập khẩu. Trong những dự báo kinh tế gần đây nhất, IMF lập luận rằng các chính sách bảo hộ sẽ bóp nghẹt sự tăng trưởng mới chỉ bắt đầu khởi sắc trên toàn cầu.
Trong khi đó, các quan chức chính quyền Trump ra sức bác bỏ những cảnh báo như vậy bằng cách lập luận rằng các nước khác còn bảo hộ thương mại chặt hơn Mỹ.
Đầu tuần này, ông Trump đã ký một sắc lệnh yêu cầu rà soát lại các quy định mua sắm công về mua hàng Mỹ vốn từ lâu có một số miễn trừ theo các thỏa thuận tự do thương mại. Ngoài ra, Trump cũng chỉ trích mạnh việc Canada áp dụng những hạn chế nhằm bảo hộ ngành sản xuất sữa của nước này.
Ngoài những cảnh báo về thương mại, IMF ngày 19/4 còn công bố hai nghiên cứu chỉ ra những điểm nguy hiểm trong các đề xuất ngân sách mà Trump đang cân nhắc. Trong đó, IMF cảnh báo rằng những ý tưởng về cải cách thuế của ông chủ Nhà Trắng có thể khuyến khích tâm lý mạo hiểm và đẩy mức nợ công tăng lên mức gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế.
Cải cách thuế “theo hướng không làm gia tăng thâm hụt ngân sách sẽ tốt hơn cho tăng trưởng”, Giám đốc các vấn đề tài khóa của IMF, ông Vitor Gaspar phát biểu.
Tuy nhiên, những khuyến cáo của IMF rất có thể sẽ bị chính quyền Trump phớt lờ, nhất là khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin vào tháng trước nhất quyết đòi lời hứa chống chủ nghĩa bảo hộ phải bị loại khỏi một thông cáo chung của cuộc họp G-20 ở Đức - ông Eswar Prasad, nguyên Giám đốc quốc gia IMF tại Trung Quốc, nhận định.
“IMF hầu như không có đòn bẩy, bởi những công cụ hạn chế của định chế này bao gồm những lời khuyến nghị dựa trên phân tích, thuyết phục, và sức ép ngang hàng khó có thể có ảnh hưởng nhiều đến chính sách của chính quyền Trump”, ông Prasad, người hiện làm giáo sư giảng dạy tại Đại học Cornell, phát biểu.
Tuy nhiên, việc Mỹ không “dán nhãn” Trung Quốc là một quốc gia thao túng tỷ giá trong một báo cáo mà Bộ Thương mại Mỹ công bố vào tuần trước đã loại bỏ một mối lo cho IMF trước kỳ họp này.
Ngày 19/4, bà Lagarde cũng nhấn mạnh rằng IMF sẽ lắng nghe tất cả các nước thành viên, và nỗ lực vì thương mại tự do và bình đẳng. Theo dự kiến, trong kỳ họp này, bà Lagarde sẽ có cuộc phỏng vấn trực tiếp trên sân khấu ông Steve Mnuchin, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ.