Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass phát biểu tại một cuộc họp báo ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại hội nghị Reuters NEXT ở New York, Mỹ, ông Malpass nêu rõ khoảng 2/3 số nợ này là phải trả cho Trung Quốc, đồng thời bày tỏ quan ngại về nguy cơ vỡ nợ đột ngột tại những nơi chưa có hệ thống giải quyết được vấn đề này. Ông cũng lo ngại về việc nợ ngày càng tăng tại các nền kinh tế phát triển như Mỹ, do điều này khiến các dòng vốn bị rút khỏi các nước đang phát triển. Khi lãi suất tăng lên, khoản nợ phải thanh toán cho các nền kinh tế phát triển tăng lên, đòi hỏi nguồn vốn lớn từ thế giới.
Dự kiến vào tuần tới, ông Malpass sẽ tham dự cuộc họp tại Trung Quốc với lãnh đạo các thể chế tài chính quốc tế và các quan chức nước chủ nhà nhằm thảo luận cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với vấn đề xóa nợ cho những nước nghèo hơn, các chính sách COVID-19, khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản và các vấn đề kinh tế khác. Tham dự cuộc họp này còn có Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, các quan chức của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc - hai bên cho vay chính của Trung Quốc.
Cũng tại Reuters NEXT, bà Georgieva nhận định thay đổi trong cơ chế chung của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về tái cơ cấu nợ đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh xử lý nợ, tạm thời đóng băng các khoản nợ khi một quốc gia đề nghị hỗ trợ, mở ra lộ trình tái cơ cấu nợ cho những nước thu nhập trung bình như Sri Lanka. Bà cho biết ở thời điểm hiện tại, IMF chưa nhận thấy nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nợ mang tính hệ thống, những nước đang gặp khó khăn về thanh toán nợ không đủ lớn để kích hoạt một cuộc khủng hoảng đe dọa đến sự ổn định tài chính.
Liên quan đến vấn đề lạm phát, Chủ tịch WB Malpass đánh giá thế giới đang đối mặt với tình trạng lạm phát cao, tăng trưởng chậm, với nhiều quốc gia đối mặt với nguy cơ suy thoái. Trước tình hình này, ông cho rằng cần tăng cường sản xuất để chặn đà tăng của lạm phát.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Morgan Stanley, James Gorman nhận định các ngân hàng trung ương có thể đạt được một số tiến bộ trong việc hướng tới các mục tiêu lạm phát thông qua việc nâng lãi suất và kiểm soát nhu cầu. Tuy nhiên, việc đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% sẽ khó khăn khi các vấn đề về chuỗi cung ứng, nhân khẩu học và những thách thức khác sẽ góp phần khiến giá cả leo thang.
Cho đến nay, động thái của các ngân hàng trung ương chưa tác động mạnh đến các nhân tố cốt lõi của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường lao động Tuy nhiên, những chính sách này cũng không tác động đáng kể đến việc hạ lạm phát từ mức cao hiện nay là 6% tại Mỹ, hơn 10% tại Liên minh châu Âu (EU) và Anh. Lạm phát có khả năng đã đạt đỉnh sau khi chỉ số này tại EU trong tháng 11 đã lần đầu tiên giảm trong 17 tháng, và đang trên đà đi xuống tại Mỹ kể từ tháng 6.
Một số quan chức cho rằng giá cả vẫn đang tăng nhanh và cần có giải pháp khác bên cạnh chính sách tiền tệ. Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo nhận định trong khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang tập trung vào chính sách tiền tệ, Bộ Tài chính đang nỗ lực tăng nguồn cung thông qua xả dầu từ kho dự trữ chiến lược, đầu tư công và sản xuất chip siêu nhỏ, các chương trình đào tạo để tăng nguồn cung lao động. Mặc dù vậy, đây đều là những giải pháp mang tính dài hạn, chưa thể giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt là nguy cơ suy thoái do các ngân hàng trung ương tăng lãi suất nhằm giảm lạm phát xuống mục tiêu 2%. Theo nhà cựu kinh tế trưởng của IMF Olivier Blanchard, các ngân hàng trung ương nên nâng mức lạm phát mục tiêu, thay vì cố gắng giảm xuống mức 2% bất chấp tác động tiêu cực nghiêm trọng đến nền kinh tế.