So với thời chiến tranh lạnh, bóng đá ngày nay nóng hơn nhiều trên mọi khía cạnh. Tiền bạc nhiều hơn. Lịch thi đấu dày đặc hơn. Và các cầu thủ cũng trở nên to khỏe hơn hẳn.
Ở thời hiện đại, người ta ít thấy những cầu thủ trưởng thành một cách tự nhiên ngoài đường phố. Lũ trẻ bây giờ được đưa vào các học viện từ rất sớm. Chúng ăn, ngủ và tập luyện một cách bài bản. Nhưng đáng tiếc là, sự chăm sóc chuyên nghiệp không đồng nghĩa với việc tạo ra một cầu thủ tuyệt đối, cả trong sân lẫn ngoài đời.
Rooney từ Man United về Everton. Lukaku từ Everton đến Man United. Chưa kịp để lại dấu ấn chuyên môn nào, tân binh người Bỉ đã dính vào một vụ bắt giữ lùm xùm trên đất Mỹ.
Trong suốt 13 năm đứng trong hàng ngũ đội bóng giàu thành tích nhất nước Anh, R10 chỉ được nhắc đến với duy nhất một từ: Bóng đá. Với anh, bóng đá là cuộc sống và ngược lại. Một khi đã bước vào sân, Rooney quên hết mọi thứ trên đời.
Rooney sẽ thi đấu cho Everton ở mùa giải năm sau.
Thậm chí sau khi rời sân, trong đầu cậu nhóc chào đời tại vùng ngoại ô Croxteth của Liverpool cũng chỉ nghĩ đến trái bóng tròn. Chơi một trận một ngày chưa đủ, tiền đạo sinh năm 1985 còn tranh thủ "làm nháy" thứ hai. Anh từng có không ít lần vừa phục vụ đội 1 của Everton xong, thay vì vào bar bù khú như hầu hết các đồng nghiệp khác, vội vã xách giày chạy ngang thành phố để đá tiếp cho đội U21.
Thế nên không có gì ngạc nhiên khi chỉ 5 ngày trước sinh nhật thứ 17, Wazza đã khiến cả hành tinh nghiêng ngả vì mình với pha dứt điểm kỳ diệu đánh dấu chấm hết cho chuỗi 30 trận bất bại của Arsenal.
Vào cái ngày 19/10/2002 ấy, R10 là cầu thủ trẻ nhất từng ghi bàn tại Premier League. Dù kỷ lục này đã bị phá 2 lần trong những năm tháng tiếp theo (bởi James Milner và James Vaughan), người ta vẫn có đầy đủ lý do để nhớ đến.
Không uyển chuyển như Giggs, không tốc độ như Ronaldo, Rooney tiêu diệt hàng thủ đối diện bằng lòng can đảm. Anh sẵn sàng nhận hết những cú cùi chỏ, đạp thẳng hay ngáng từ phía sau, miễn là mỗi cơn đau đem đến một cơ hội. Nếu không đá bóng, tiền đạo người Anh hoàn toàn có thể đã thách thức Từ Hiếu Đông trên sàn võ tự do.
Rooney ra đi, Man United mất không chỉ một thủ quân, một biểu tượng mà còn mất cả một chiến binh không bao giờ tự thỏa hiệp.
Nhớ lại thất bại 0-4 của Man United trước Chelsea hồi tháng 10 năm ngoái, trong khi hàng loạt các cầu thủ Man United cười đùa và ôm hôn những kẻ thắng trận như thể đó chỉ là một trận giao hữu vô thưởng vô phạt, riêng Rooney thể hiện rõ thế nào là tinh thần màu cờ sắc áo với một ánh mắt chan chứa tủi hận.
"Khi thua tới 4 bàn không gỡ, điều duy nhất nên làm là vỗ tay tạ lỗi với khán giả nhà và mau chóng rút vào đường hầm, chứ đừng diễn trò đổi áo rồi lại còn chia vui với đội bạn", cựu thần Giggs bất bình với lối hành xử của các hậu bối.
Nhưng Giggs cũng biết nói vậy chỉ để R10 nghe thôi. Bởi trong kỷ nguyên mà người ta không chỉ gặp nhau ngoài đời mà còn tương tác ầm ầm trên Facebook hoặc Twitter, sáng vừa kèm nhau trưa đã vào chung quán nhậu, khái niệm "kẻ thù không đội trời chung" đang chìm dần xuống đất.
Với Rooney, bóng đá là cả cuộc sống của anh.
Đa phần các cầu thủ bây giờ coi bóng đá là một phương tiện kiếm tiền không hơn không kém. Cứ nhìn màn tung hứng nhằm ép Arsenal phải tăng lương của cặp đôi Alexis Sanchez và Mesut Oezil là rõ. Liếc sang Chelsea, thấy lần lượt Oscar và Ramirez vác túi sang Trung Quốc thu gom Nhân dân tệ.
Rooney hoàn toàn có thể theo chân đám Oscar, Ramirez. Nhưng đá bóng tại một giải đấu "cấp huyện" như CSL sẽ khiến một cầu thủ "mới 31 tuổi" và coi túc cầu còn hơn cả một tín ngưỡng cảm thấy thế nào? Chắc chắn là tệ hơn việc phải chứng kiến kình địch Liverpool đăng quang ngay tại Old Trafford, à không, Goodison Park.
Với Old Trafford, từ giờ là nơi để nhớ một thời ta đã yêu.