Vượt xa dự kiến, 'Người hát dân ca' vào top tranh Việt đắt giá nhất mọi thời đại: Gõ búa hơn 27 tỷ đồng

Nguyệt Phạm |

Bức tranh này trở thành tác phẩm của họa sĩ Việt Nam đầu tiên vượt mốc 1 triệu USD trong năm 2024.

• Bức tranh lưu lạc ở vùng nông thôn Pháp được đấu giá với mức hơn 27 tỷ đồng
• Tiểu sử cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm của danh họa Nguyễn Phan Chánh

Bức tranh "Người hát dân ca" được gõ búa với giá hơn 1 triệu EUR

VTV24 đưa tin, tại phiên đấu giá Sotheby's Paris diễn ra sáng 14/6/2024, bức sơn dầu Les Chanteuses de Campagne (Người hát dân ca) của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã được gõ búa với mức giá 1.020.000 EUR (hơn 27 tỷ đồng), vượt dự kiến trước đó là 600.000-900.000 EUR.

Như vậy, Người hát dân ca trở thành một trong 20 tranh Việt đắt giá nhất mọi thời đại. Cụ thể, tranh ứng ở vị trí thứ 15, bên cạnh các tác phẩm khác của Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Quốc Lộc, Phạm Hậu, Tô Ngọc Vân và Vũ Cao Đàm. Bức tranh của Nguyễn Phan Chánh cũng là tác phẩm của họa sĩ Việt Nam đầu tiên vượt mốc triệu USD trong năm 2024 khi thị trường tranh đang ảm đạm.

Vượt xa dự kiến, 'Người hát dân ca' vào top tranh Việt đắt giá nhất mọi thời đại: Gõ búa hơn 27 tỷ đồng- Ảnh 1.

Bức tranh sơn dầu 'Người hát dân ca" của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã được gõ búa với mức giá hơn 27 tỷ đồng. (Ảnh: Sotheby's)

Đây là tác phẩm thứ hai của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đạt mốc triệu USD, sau bức tranh lụa Les Couturières (Những cô thợ may), được gõ búa 1.390.000 USD trên sàn Christie's tháng 12/2020.

Ngoài bức Người hát dân ca, nhiều tranh Việt trong phiên đấu giá chiều 14/6 được quan tâm, như Parfum de fleurs (Hương hoa) của Lê Phổ - 288.000 euro (7,8 tỷ đồng), La fenêtre (Bên cửa sổ) của Mai Trung Thứ - 84.000 euro (2,3 tỷ đồng), Buste de jeune indo-chinois (Chân dung chàng trai Đông Dương) của Vũ Cao Đàm - 60.000 euro (1,6 tỷ đồng), Paysage au Nord du Vietnam (Phong cảnh Bắc Kỳ) của nhóm sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương - 72.000 euro (1,9 tỷ đồng).

Bức tranh sơn dầu Người hát dân ca miêu tả hai người phụ nữ thôn quê đội nón quai thao, cầm quạt, mặc áo nâu quần lĩnh, đi chân đất trong một bối cảnh dân dã, bao quanh bởi tông màu đất chủ đạo.

Bức tranh phản ánh sự tập trung của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đối với vẻ đẹp chân phương, mang đến cho người xem cái nhìn sâu sắc về cuộc sống đời thường ở Việt Nam đầu thế kỷ 20. Đại diện nhà đấu giá Sotheby's nhận định, Nguyễn Phan Chánh đã rất khéo léo ứng dụng kỹ thuật vẽ lụa qua phương tiện sơn dầu trên toan với "Người hát dân ca".

Vượt xa dự kiến, 'Người hát dân ca' vào top tranh Việt đắt giá nhất mọi thời đại: Gõ búa hơn 27 tỷ đồng- Ảnh 2.

Danh họa Nguyễn Phan Chánh bên một trong những tác phẩm của mình. (Ảnh: Kiệt tác nghệ thuật)

Tác phẩm này trước đây chỉ được biết đến qua các buổi triển lãm ở Hà Nội, Paris và qua hồ sơ lưu trữ. Nó được một cặp vợ chồng bác sĩ ở Pháp mua sưu tập và truyền lại cho các thế hệ sau. Bức tranh này mới được phát hiện ra tại nhà một người cháu của họ ở một vùng nông thôn Pháp. Sau đó, nó đã được đem ra đấu giá.

Ace Le - giám đốc điều hành thị trường Việt Nam của Sotheby's đánh giá Người hát dân ca là tranh quan trọng nhất từng được tung ra thị trường của Nguyễn Phan Chánh. Bức tranh được hoàn thiện năm 1930 - thời kỳ sáng tác đỉnh cao của danh họa.

Nguyễn Phan Chánh - Danh họa mở đường cho tranh lụa Việt Nam hiện đại

Báo Tin tức cho hay, Nguyễn Phan Chánh là danh họa nổi tiếng trong nước và quốc tế, một trong những đại diện xuất sắc nhất của nền mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX. Ông cũng là người xây nền cho tranh lụa Việt Nam hiện đại.

Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh sinh ngày 21/7/1892, mất ngày 22/11/1984.

Vượt xa dự kiến, 'Người hát dân ca' vào top tranh Việt đắt giá nhất mọi thời đại: Gõ búa hơn 27 tỷ đồng- Ảnh 3.

Nguyễn Phan Chánh là danh họa nổi tiếng trong nước và quốc tế. (Ảnh: Kiệt tác nghệ thuật)

Sinh ra tại Thạch Hà, Hà Tĩnh, Nguyễn Phan Chánh từ nhỏ được gia đình cho theo học chữ Nho và nghệ thuật thư pháp. Hơn mười tuổi, Nguyễn Phan Chánh đã nổi tiếng khắp vùng là người hay chữ và viết chữ Thảo đẹp. Năm 14 tuổi, Nguyễn Phan Chánh đã kiếm được những đồng tiền đầu tiên phụ giúp gia đình nhờ việc viết chữ, vẽ tranh thờ và tranh cuộn bán tại các phiên chợ quê.

Năm 1922, Nguyễn Phan Chánh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Ba, Huế nhưng không theo nghề dạy học. Năm 1925, khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương chiêu sinh khóa đầu tiên, Nguyễn Phan Chánh là người duy nhất thuộc dải đất miền Trung đỗ vào niên khóa 1925 - 1930. Cùng học với Nguyễn Phan Chánh có các tên tuổi Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Công Văn Trung, George Khánh, Nguyễn Tường Tam.

Năm 1929, ông có tác phẩm trưng bày tại sự kiện Triển lãm Nghệ thuật Thuộc địa (Salon de l'art colonial), Paris, đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp.

Các tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh được lấy cảm hứng từ vùng nông thôn thời thơ ấu tạo thành khung cảnh dân quê rất thân thuộc, luôn tạo sự gần gũi, gắn bó với người xem.

Vượt xa dự kiến, 'Người hát dân ca' vào top tranh Việt đắt giá nhất mọi thời đại: Gõ búa hơn 27 tỷ đồng- Ảnh 4.

Tác phẩm "Em bé cho chim ăn" nổi tiếng của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. (Ảnh: Kiệt tác nghệ thuật)

Theo Vnexpress, sau Cách mạng tháng 8, Nguyễn Phan Chánh là Ủy viên Thường vụ Hội Văn hóa Cứu quốc của tỉnh. Năm 1955, ông làm giảng viên hội họa trường Đại học Mỹ thuật trong vài năm, có nhiều tác phẩm đề tài kháng chiến chống Mỹ.

Trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình, ông đã để lại hơn 170 tác phẩm. Ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đợt I (năm 1996).

Nguyễn Phan Chánh là người đang giữ kỷ lục về số tranh được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Một số tác phẩm nổi tiếng khác của ông thường được nhắc tới như: Rửa rau cầu ao, Em bé cho chim ăn, Chơi ô ăn quan, Bát nước giải lao…

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại