Vượt ngục được coi là kiên cố nhất, đấu súng với cảnh sát như cao bồi Mỹ

VĂN VIỆT |

Nhóm Texas 7 từng một thời gây ra nỗi kinh hoàng cho dân Mỹ khi vượt ngục, giết cảnh sát, cướp có vũ khí, dù bị giam trong nhà tù được coi là kiên cố nhất.

Nhóm Texas 7 gồm 7 tù nhân trốn khỏi trại giam John B. Connally Unit ngày 13/12/2000. Chúng bị bắt lại hơn một tháng sau đó, từ ngày 21 đến 23/1/2001, nhờ chương trình truyền hình America's Most Wanted (Những kẻ bị truy nã gắt gao nhất ở Mỹ).

Vượt ngục được coi là kiên cố nhất, đấu súng với cảnh sát như cao bồi Mỹ - Ảnh 1.

Nhóm tội phạm Texas 7 gồm các tù nhân vượt ngục. (Ảnh: AP)

7 tù nhân đã thực hiện một vụ vượt ngục cực kỳ tinh vi, thoát khỏi trại giam có hệ thống an ninh bảo mật phức tạp nhất bang Texas, đặt tại thành phố Kenedy.

Bắt giám thị

Vào thời điểm vượt ngục, kẻ đầu sỏ là George Rivas, 30 tuổi, đang thụ án 15 năm, những tòng phạm đều dính líu án giết người, hoặc nhiều trọng tội khác với mức án chung thân hoặc 50 năm tù.

Nhân vật số hai sau Rivas là Michael Anthony Rodriguez, sát nhân máu lạnh ra tay với người vợ đầu gối tay ấp của mình.

Trẻ nhất trong nhóm là Donald Keith Newbury, trước lúc vượt ngục phải chịu án 30 năm tù vì làm bị thương một trẻ em.

Lúc 11h20 ngày 13/12/200, nhóm phạm nhân khống chế 9 giám thị dân sự, gồm cả chỉ huy nhóm giám thị, bốn sĩ quan cảnh sát và ba tù nhân khác.

Chúng cũng tính toán vượt ngục vào khoảng thời gian “chậm nhất” trong tù. Đó là lúc giữa bữa ăn trưa, khi sự kiểm soát bị nơi lỏng đối với các khu vực nhất định, chẳng hạn như khu cấp dưỡng.

Nhóm phạm nhân bố trí cho một trong bọn chúng gọi các giám thị, cảnh sát, tù nhân khác tới nói chuyện, trình bày, sau đó để kẻ khác bất ngờ tấn công vào đầu nạn nhân từ phía sau.

Mỗi khi một nạn nhân bị đánh bất tỉnh, nhóm phạm nhân lột sạch quần áo của họ, trói lại, tống họ vào một căn phòng kỹ thuật xử lý hệ thống điện.

Sau đó, chúng mặc quần áo của nạn nhân, dùng thẻ nhận dạng, căn cước của họ rồi thực hiện các cuộc gọi điện giả mạo để đánh lạc hướng giới chức nhà tù.

Đó là bước đầu tiên của kế hoạch. Bước thứ hai, ba phạm nhân đi tới cửa sau của nhà tù, cải trang trong bộ quần áo dân sự cướp được khi trước. Chúng vờ tới đó với lý do cài đặt màn hình video cho hệ thống camera giám sát.

Một lính canh duy nhất ở cửa sau đã bị chúng lừa, đánh bất tỉnh. Ba tên này lấy đi nhiều vũ khí trong tháp canh.

Vượt ngục được coi là kiên cố nhất, đấu súng với cảnh sát như cao bồi Mỹ - Ảnh 2.

Các buồng giam trong trại John B. Connally Unit. (Ảnh: AP)

Trong khi đó, 4 tên còn lại vẫn tiếp tục ở trong khu cấp dưỡng, gọi điện cho các lính gác ở những trạm canh khác, phân tán sự chú ý của họ.

Cả nhóm trộm chiếc xe tải chở đồ cho khu cấp dưỡng, lái ra cửa sau, đón ba tên giả cài màn hình video rồi ngang nhiên vượt ngục.

Cha của nhân vật số hai, Michael Rodriguez, sau này bị cảnh sát phát hiện đã cung cấp ô tô cho những kẻ đào thoát. Ông này bị kết tội đồng lõa với tội phạm.

Báo giới Mỹ khi đó so sánh vụ 7 tên tù Texas vượt ngục với vụ đào thoát bí ẩn tháng 6/1962 ở nhà tù Alcatraz, nơi từng được coi là pháo đài không thể thoát ra, nằm trên một hòn đảo ở vịnh San Francisco.

Giết hại cảnh sát

Nhóm Texas 7 trốn sang thành phố San Antonio lân cận sau khi vượt ngục. Khi nhận ra túi tiền trống rỗng, ngay ngày thứ hai trốn khỏi lao tù, chúng thực hiện vụ cướp ở Greater Houston, Texas bằng vũ khí lấy được từ trại giam.

Đỉnh điểm khát máu, liều lĩnh của Texas 7 bộc lộ ngày 19/12 năm đó, khi chúng ập vào một cửa hàng bán đồ thể thao, trói toàn bộ nhân viên, cướp đi ít nhất 40 khẩu súng và nhiều đạn dược.

Một nhân viên hết giờ làm việc, phát hiện sự bất thường khi đang ngoài cửa hàng. Người này gọi báo chính quyền. Viên cảnh sát Aubrey Hawkins đến hiện trường, song bị rơi vào ổ phục kích của Texas 7, với ưu thế về con người, súng đạn.

Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy cảnh sát Hawkins bị trúng 11 viên đạn. Sau cái chết của nhân viên công quyền, giới chức Texas treo thưởng 100.000 USD cho bất cứ ai có thể giúp bắt Texas 7.

Giải thưởng này cứ tăng dần, lên mức nửa triệu USD cho đến khi cảnh sát bắt được các thành viên Texas 7.

Việc truy bắt Texas 7 có sự góp sức to lớn của dân Mỹ, thông qua chương trình truyền hình America's Most Wanted (Những kẻ bị truy nã gắt gao nhất ở Mỹ).

Ngày 20/1/2001, cảnh sát nhận được nhiều cuộc gọi về việc các nghi phạm đang ở một khách sạn nhỏ tại Colorado. Chúng dùng tên giả, vờ là người đi công tác, song thường để nhạc Giáng sinh rất lớn, ảnh hưởng đến hàng xóm.

Đội đặc nhiệm FBI tới hiện trường, bắt được ba tên: Garcia, Rodriguez, và Rivas. Tên thứ 4, Halprin chấp nhận đầu hàng, trong khi tên thứ 5 là Harper điên cuồng chống trả, sau đó quay súng vào ngực tự sát.

Ba ngày sau, FBI nhận được thông tin từ người dân, và cử đặc nhiệm bao vây khu vực hai tên Newbury, Murphy đang lẩn trốn với nhiều vũ khí.

Để đảm bảo an toàn, cảnh sát thỏa thuận với hai tên này chúng phải ra đầu hàng sau khi được xuất hiện trên một chương trình truyền hình của đài địa phương.

Tại đây, thông qua camera và phỏng vấn qua điện thoại, hai phạm nhân tố cáo "hệ thống nhà tù cũng tồi tệ không khác gì chúng tôi".

Ngày 30/8/2001, Rivas bị tuyên án tử hình. Tên tội phạm nói đây là một sự giải thoát, vì không muốn sống hết phần đời còn lại trong nhà lao "như một con vật".

"Điều họ gọi là án tử hình, tôi lại coi đó là một sự tự do. Cuối cùng tôi cũng sẽ được tự do", Rivas nói.

Rivas có thể chỉ bị xử chung thân, song công tố viên nhận định Rivas sẽ lại "ngựa quen đường cũ" tìm cách trốn chạy và cũng là một mối đe doạ đối với các quản giáo và các bạn tù nếu không bị loại bỏ vĩnh viễn khỏi xã hội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại