Ảnh: SCMP
LandSpace có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc vừa trở thành công ty hàng không vũ trụ đầu tiên trên thế giới phóng thành công vệ tinh bằng tên lửa sử dụng nhiên liệu khí metan và oxy lỏng.
Theo Tân Hoa Xã, tên lửa Zhuque 2 Y-3 được LandSpace phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở phía tây bắc Trung Quốc vào lúc 7:39 hôm thứ Bảy, đưa ba vệ tinh là Honghu, Honghu 2 và TY-33 vào quỹ đạo cách Trái Đất khoảng 460km. Tên lửa có chiều dài 49,5m, đường kính 3,35m và có trọng lượng cất cánh 220 tấn.
Hai vệ tinh Honghu và TY-33 do công ty khởi nghiệp Spacety của Trung Quốc phát triển. Còn Honghu 2 do Hongqing Technology chế tạo. Trọng lượng và kích thước của mỗi vệ tinh không được tiết lộ. Nhưng LandSpace cho biết tên lửa có khả năng chở lên tới 1,5 tấn vào quỹ đạo đồng bộ với Mặt Trời cách trái đất 500km. Công ty dự kiến có thể tăng khả năng tải trọng của tên lửa lên 4 tấn nhằm đáp ứng nhu cầu của tàu vũ trụ và các vệ tinh có quỹ đạo gần Trái đất.
LandSpace cho biết vụ phóng “mở đường cho một giai đoạn mới trong việc thương mại hóa phóng tên lửa chạy bằng năng lượng lỏng ở Trung Quốc” và chứng minh độ tin cậy và ổn định của công nghệ. Công ty cho biết sẽ liên tục tạo ra các sản phẩm tên lửa thương mại có độ tin cậy cao, chi phí hiệu quả và khả năng tải trọng cao.
Vụ phóng thành công được cho là đánh dấu sự vượt mặt về công nghệ của LandSpace đối với SpaceX của tỷ phú Elon Musk và thắp lên hy vọng cho việc thương mại hóa dịch vụ phóng vệ tinh của LandSpace.
Hãng tin Trung Quốc Caixin đưa tin LandSpace đã lên kế hoạch cho ba lần phóng tiếp theo và tăng gấp đôi tần suất mỗi năm, hướng tới đạt 12 lần phóng vào năm 2026.
Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành cường quốc vũ trụ hàng đầu thế giới vào năm 2045 và áp dụng đổi mới trong không gian để thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.
Lấy cảm hứng từ SpaceX của Elon Musk, các startup công nghệ tư nhân như LandSpace đã mọc lên như nấm ở Trung Quốc và đang nỗ lực để bắt kịp với SpaceX.
Vào tháng 4, lần đầu tiên trên thế giới, Space Pioneer có trụ sở tại Bắc Kinh đã phóng tên lửa Thiên Long 2, sử dụng nhiên liệu là dầu kerosene gốc than đá. LandSpace thử phóng tên lửa oxy hóa lỏng metan lần đầu vào tháng 12/2022 nhưng thất bại. Lần thử thứ 2 được thực hiện vào tháng 7 và đã thành công.
Theo cơ quan vũ trụ Hoa Kỳ Nasa, khí metan cũng ổn định hơn và đậm đặc hơn hydro lỏng – nhiên liệu tên lửa phổ biến nhất, cho phép nó được lưu trữ ở “nhiệt độ dễ quản lý hơn” và việc sử dụng các thùng chứa nhỏ hơn.
Đầu năm nay, hai tên lửa metan oxy lỏng khác do Mỹ sản xuất là Starship của SpaceX và Terran 1 của công ty hàng không vũ trụ Relativity Space đã thất bại trong nỗ lực tiếp cận quỹ đạo.
Nguồn: SCMP