Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch, Dow Jones chỉ còn tăng 65,44 điểm, tương đương 0,16% lên 41.240 điểm.Trong khi đó, S&P 500 và Nasdaq không duy trì được sắc xanh. S&P 500 giảm 0,32% trong khi Nasdaq giảm 0,83%.
Có sự phân hoá rõ ràng trên thị trường chứng khoán Mỹ, nhất là khi sự quan tâm của các nhà đầu tư với cổ phiếu công nghệ đã giảm xuống. Theo đó, nhiều cổ phiếu công nghệ giảm trong phiên đầu tuần nhưng các cổ phiếu khác, bao gồm ngành dầu khí, vẫn tăng.
Ở đầu phiên, thị trường chứng khoán Mỹ hào hứng trước tuyên bố của Chủ tịch FED Jerome Powell rằng đợt cắt giảm lãi suất đang đến gần. Phố Wall chờ đợi cuộc họp tháng 9 của các quan chức FED, nhất là khi dữ liệu kinh tế đáng lo ngại gây ra cú bán tháo hồi đầu tháng 8, khiến các nhà đầu tư lo ngại chi phí đi vay tăng cao có thể gây tổn hại tới nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, ngay sau cú sập, chứng khoán Mỹ đã phục hồi và hiện đang dao động ở mức cao nhất mọi thời đại. S&P 500 chỉ còn thấp hơn đỉnh lịch sử được thiết lập hồi trung tuần tháng 7 chưa đầy 1%.
"Tuyên bố của ông Powell đã duy trì động lực cho thị trường vào cuối năm", David Russell, chiến lược gia cấp cao tại TradeStation, nhận định.
Dù ông Powell không ấn định thời điểm và mức độ hạ lãi suất nhưng các nhà đầu tư tin rằng FED sẽ giảm lãi trong cuộc họp chính sách tháng 9.
Trước giờ giao dịch, Cục Thống kê Dân số Mỹ cho biết đơn đặt hàng với các loại hàng hoá dùng lâu dài như đồ gia dụng, máy bay và máy tính đã tăng vọt trong tháng 7. Theo đó, lượng đơn đặt hàng các mặt hàng này tăng 9,9% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm trước, đảo ngươc cú giảm 6,9% của tháng 6. Con số này cũng vượt xa ước tính 4% của Dow Jones.
Tham khảo: CNBC