Vượt gần 4.000 km truy vết nhóm lừa đảo xuyên Việt

Phan Thế Hữu Toàn |

Hơn 15 ngày đêm ngược xuôi gần 4.000 km qua nhiều tỉnh, thành suốt dặm dài đất nước khi dịch COVID-19 đang bùng phát nhiều nơi, các trinh sát của Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Khánh Hòa đã lật tẩy hành tung các đối tượng trong nhóm lừa đảo chuyên nghiệp hoạt động xuyên Việt.

Từ vụ bán thửa đất “giá mềm”

Sáng ngày 8-6, trực ban hình sự Công an tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận tin báo từ vợ chồng Trịnh Danh H. – Bùi Thị Bảo T. trú ở phường 11, quận 5, TP Hồ Chí Minh, về một vụ lừa đảo với những tình tiết lạ lùng chưa từng có ở địa phương này.

Theo trình bày của anh H thì vợ chồng anh về Khánh Hòa để tránh dịch COVID-19 đang có nguy cơ lan rộng ở TP Hồ Chí Minh. Rảnh việc, họ “dạo chơi” trên nhiều trang web và tình cờ tìm thấy một thửa đất ở phố Lam Sơn, phường Phước Hòa, TP Nha Trang rao bán trên trang muaban.net với giá khá “mềm”.

Sau khi bàn bạc, vợ chồng anh đi xem thửa đất đúng như thông tin rao bán nên kết bạn zalo với người tên Minh có nick Huyền Vũ. Người này giới thiệu là con của bà Trần Thị Hường, chủ nhân thửa đất, rồi cho bên mua xem bản gốc “sổ đỏ”.

Sau khi thỏa thuận mức giá 5,150 tỷ đồng, hai bên thống nhất sáng ngày 31-5 mang “sổ đỏ”, chứng minh nhân dân (CMND) đến một văn phòng công chứng (VPCC) ở phố Yersin, TP Nha Trang để ký kết hợp đồng chuyển nhượng đất và giao nhận tiền đặt cọc.

Vượt gần 4.000 km truy vết nhóm lừa đảo xuyên Việt - Ảnh 1.

Trinh sát Phòng CSHS Công an tỉnh Khánh Hòa trong hành trình truy lùng nhóm lừa đảo.

Khi nhân viên VPCC soạn thảo hợp đồng, anh H. đến một ngân hàng ở gần đó để rút tiền. Hai bên vừa mới ký tên, điểm chỉ vào hợp đồng, anh H. giao tiền đặt cọc 1,2 tỷ đồng cho bên bán. Trong lúc nhân viên VPCC ôm toàn bộ “sổ đỏ”, CMND và hợp đồng chuyển nhượng lên tầng lầu trình cho công chứng viên, bà Hường tranh thủ đi vệ sinh vì… đau bụng, tiếp đó người con rể lấy cớ thèm thuốc lá để ra ngoài.

Hơn 5 phút sau, nhân viên VPCC giải thích cần phải có chồng bà Hường ký tên, điểm chỉ trong hợp đồng thì mới sang tên cho bên mua được. Anh H. bước ra gọi mẹ con bà Hường nhưng không thấy, bấm điện thoại nhiều lần đều mất liên lạc. Đến lúc đó vợ anh chồng H. và T. mới biết mình đã… sập bẫy lừa.

Khi vào cuộc xác minh, trinh sát Phòng CSHS Công an tỉnh Khánh Hòa tìm đến chính chủ thửa đất Trần Thị Hường, trú ở Khu đô thị Mỹ Gia, xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang. Điều bất ngờ là người này lấy ra “sổ đỏ” rồi khẳng định chỉ có khách tìm đến hỏi mua đất và đòi xem “sổ đỏ”, còn thửa đất chưa bán cho ai vì chưa được giá.

Bất ngờ và trớ trêu hơn nữa là sau khi Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Khánh Hòa giám định hai “sổ đỏ” sinh đôi, đã cho kết luận “sổ đỏ” kẻ lừa đảo sử dụng là giấy tờ thật, trong khi “sổ đỏ” do chính chủ đang lưu giữ là… giấy tờ giả.

Trích xuất camera tại VPCC và truy vết camera nhà dân từ ngoài phố đến khách sạn theo hành trình kẻ lừa đảo tẩu thoát, các trinh sát chỉ thu thập được hình ảnh nhân dạng bề ngoài của nghi can, còn gương mặt đã bị che chắn bởi khẩu trang do yêu cầu phòng, chống dịch.

Truy đến một khách sạn ở phố Đinh Tiên Hoàng, phường Lộc Thọ, trinh sát chỉ tìm thấy thông tin nghi can đăng ký lưu trú từ ngày 30-5 là Đỗ Hữu Hiệp (SN 1985), trú ở huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội). Đến trưa ngày 1-6 họ trả phòng, đi xe taxi vào sân bay Cam Ranh để về Hà Nội.

Làm việc với an ninh sân bay Cam Ranh kết hợp trích xuất camera, trinh sát xác định người có tên Đỗ Hữu Hiệp chính là Đỗ Hữu Bình (SN 1969) trú ở huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội cùng người đồng hương là Dương Thị Hồng đã đi trên chuyến bay ra Hà Nội hôm đó.

Trích xuất camera nhà riêng bà Trần Thị Hường, trinh sát phát hiện hơn 1 tuần lễ trước khi xảy ra vụ lừa đảo, có nam thanh niên vóc dáng cao khỏe, đẹp trai, đến gặp bà Hường hỏi mua đất và đòi xem “sổ đỏ”. Đáng lưu ý là người này và hai đối tượng lừa đảo đều nói tiếng Bắc.

Vượt gần 4.000 km truy vết nhóm lừa đảo xuyên Việt - Ảnh 2.

Hai đối tượng chủ chốt: Võ Quý Lãm, Nguyễn Thị Hậu đang bị truy nã.

Từ những hình ảnh, thông tin thu thập được, Thượng tá Nguyễn Sỹ Hân – Phó trưởng Phòng CSHS Công an tỉnh Khánh Hòa cùng các đồng nghiệp nhận định “khách hàng” đến nhà bà Hường mua đất đã đánh tráo “sổ đỏ” giả lấy “sổ đỏ” thật rồi đăng tin trên trang muaban.net, câu nhử người mua đất để giở chiêu lừa đảo.

Trước khi tiếp cận bà Hường để “tráo sổ”, kẻ lừa đảo đã sử dụng hình ảnh “sổ đỏ” do chủ đất rao bán trên mạng xã hội và để làm giả “sổ đỏ”. Khi gặp bà Hường, “khách hàng” kiếm cớ sao chụp CMND chủ đất, đồng thời dò hỏi nguồn gốc thửa đất, thông tin gia đình và những người ở liền kề thửa đất...

Ngày 10-5, Đại tá Đào Xuân Lân - Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa ký quyết định lập chuyên án, Đại tá Đặng Văn Mạnh - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT đảm nhiệm Trưởng ban chuyên án; Đại tá Trần Hữu Tượng - Trưởng Phòng CSHS làm Phó trưởng ban.

Cuộc truy lùng hơn 4.000 km

Ngày 15-6, Thượng tá Nguyễn Sỹ Hân - Phó trưởng Phòng CSHS Công an tỉnh Khánh Hòa, trực tiếp chỉ huy 3 trinh sát dày dạn kinh nghiệm đấu tranh khám phá án mờ là Trung tá Đinh Thế Chung, Thiếu tá Nguyễn Đức Thuận và Trung tá Nguyễn Thành Nam lên xe ô tô ra Bắc, truy tìm hành tung “mẹ con” người bán đất.

Trước khi lên đường, mũi trinh sát nắm được thông tin tại các TP Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra một số vụ lừa đảo với thủ đoạn tương tự như ở Khánh Hòa, nên trong hành trình ra Bắc, Thượng tá Hân trao đổi thông tin qua điện thoại với một số đồng nghiệp ở Công an các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Trị, Thanh Hóa… để truy tìm dấu tích kẻ lừa đảo.

Vượt gần 4.000 km truy vết nhóm lừa đảo xuyên Việt - Ảnh 3.

Quyết định truy nã bị can Võ Quý Lãm, Nguyễn Thị Hậu của Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội.

Ngày 18-6, các trinh sát đã phát hiện hành tung hai nghi can lừa đảo, nhưng một người đã rời khỏi địa phương nhiều ngày, người còn lại đang ở nhà. Và sau 4 ngày giám sát để theo dõi thêm mối quan hệ của nghi can, sáng ngày 22-6, các trinh sát tác động người sắm vai chủ nhân thửa đất ở TP Nha Trang ra đầu thú. Đó là Dương Thị Hồng (SN 1957), trú ở thôn Sơn Đông, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.

Chiều hôm đó, Thiếu tá Nguyễn Đức Thuận dẫn giải người phụ nữ này về Khánh Hòa trên chuyến bay Nội Bài – Cam Ranh, trong khi Thượng tá Hân cùng hai đồng nghiệp tiếp tục hành trình vào tỉnh Quảng Trị lùng tìm người đi cùng bà Hồng tại TP Nha Trang là Đỗ Hữu Bình (SN 1969) trú ở thôn Sơn Đông, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Khi xe đến Thanh Hóa lúc nửa đêm, Thượng tá Hân nhận được nguồn tin nghi can này đã về nhà, nên họ vội vã trở ra Hà Nội, tác động Bình đầu thú sáng ngày 23-6.

Ngay sau đó, Trung tá Nguyễn Thành Nam dẫn giải Bình đi máy bay vào Khánh Hòa, hai cán bộ còn lại đi xe ô tô về đến Nha Trang đón hai đồng đội trong tổ tiếp tục hành trình ngược lên Lâm Đồng dò tìm nghi can khác trong nhóm lừa đảo, đến tối ngày 1-7 mới trở về đơn vị.

Vượt gần 4.000 km truy vết nhóm lừa đảo xuyên Việt - Ảnh 4.

Hình ảnh đối tượng Võ Quý Lãm đến nhà bà Trần Thị Hường hỏi mua đất để tráo “sổ đỏ”.

Theo Dương Thị Hồng và Đỗ Hữu Bình, họ không cầm giữ 1,2 tỷ đồng chiếm đoạt được của anh chị H. và T. mà giao cho người sắm vai “con rể” chủ đất là Trần Văn Mão (SN 1987), trú ở thôn Phú Tàng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội mang về bằng đường bộ. Sau khi thu thập chứng cứ, ngày 14-7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố bị can và ra quyết định truy nã Trần Văn Mão về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Hai ngày sau đó, Mão đến nhà người thân ở xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, TP Hà Nội thì bị công an địa phương bắt giữ, chuyển giao cho Công an tỉnh Khánh Hòa.

Thêm một điều bất ngờ là khi xem đoạn video trích xuất từ nhà bà Trần Thị Hường, một số trinh sát Phòng CSHS Công an TP Hà Nội khẳng định gã “khách hàng” đi mua đất chính là Võ Quý Lãm (SN 1986) trú ở thôn Vân Am, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương – một bị can đang bị Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội truy nã về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cùng bị truy nã về tội danh này còn có Nguyễn Thị Hậu (SN 1969), trú ở thôn Tiên Tảo, xã Việt Long, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Ngoài vụ lừa đảo tại Khánh Hòa, Lãm và Hậu còn cầm đầu nhiều đối tượng diễn trò tráo sổ đỏ, rao bán đất, chiếm đoạt tiền hơn 20 vụ tại Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Lâm Đồng.

Võ Quý Lãm từng công tác trong cơ quan pháp luật, nên đối tượng này không chỉ tổ chức, chỉ đạo các chiêu trò lừa đảo rất bài bản, tinh vi, mà còn hướng dẫn đồng bọn xóa dấu vết từng nơi đi qua, phương thức né tránh, đối phó Công an…

Nguyễn Thị Hậu trực tiếp liên hệ, tìm người làm giấy tờ giả, thuê người sắm vai chủ đất phù hợp với độ tuổi, giọng nói theo vùng miền, rồi cùng với Lãm tiếp cận chủ đất để đánh tráo “sổ đỏ” giả lấy “sổ đỏ” thật và sao chụp CMND để làm giả cho người sắm vai chủ đất, đồng thời dàn dựng kịch bản, dự liệu tình huống trong từng vụ lừa đảo...

Vượt gần 4.000 km truy vết nhóm lừa đảo xuyên Việt - Ảnh 6.

Các đối tượng: Dương Thị Hồng, Đỗ Hữu Bình, Trần Văn Mão.

Với những chứng cứ tài liệu thu thập được, ngày 21-7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố thêm hai bị can Võ Quý Lãm và Nguyễn Thị Hậu về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa vận động Lãm và Hậu cùng các đối tượng có liên quan sớm ra đầu thú.

Từ vụ án này thêm một bài học cảnh báo cho mỗi người dân cần cẩn trọng trong giao dịch mua bán nhà đất khi chưa rõ nguồn gốc tài sản, chưa tiếp cận chính chủ tại nơi cư trú của họ và đặc biệt là cần tìm hiểu thông tin từ cơ quan chức năng có liên quan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại